“Thành tích” chữ xấu
Với cậu bé mới học lớp 4 này, trò chơi điện tử, truyện tranh và phim hoạt hình là những “món” sở trường. Mối quan tâm hàng đầu của Lương sau lời thưa chào khi đến nhà bà con chơi là “máy tính có nối mạng internet không, có thì cho con chơi game tí, con chơi được nhiều trò đẳng cấp lắm”. Truyện tranh thì cậu sở hữu hàng trăm cuốn đủ loại, đọc nhiều đến mức Lương phải đeo kính cận dày cộp. Mỗi bữa cơm mà thiếu phim hoạt hình thì y như rằng cậu bé bỏ ăn luôn. Lãng đãng với nhiều thứ như thế nên ít khi Lương chịu ngồi vào bàn học để luyện nét chữ. Bố Lương là giáo viên dạy Văn trường chuyên, mẹ là công chức, dù cố khuyên bảo và dùng nhiều kế sách để... dọa nhưng Lương vẫn cứ lơ là. Chữ viết càng ngày càng xấu, nguệch ngoạc. Đến hôm trường tổ chức thi vở sạch chữ đẹp, Lương thấy xấu hổ với bạn vì “thành tích” chữ xấu nhất nhì lớp. Về nhà, Lương dõng dạc: “Con muốn đi luyện viết chữ!” khiến cả nhà trố mắt ngạc nhiên.
Người lớn cũng luyện chữ
Người tiếp nhận và giúp Lương dần thay đổi được nét chữ nguệch ngoạc, được cô giáo khen ngợi và bạn học nể phục là Ngô Thị Anh Thư (24 tuổi). Ở phố biển Quy Nhơn (Bình Định), rất nhiều người biết đến Anh Thư với Câu lạc bộ luyện chữ Hồn Việt do cô thành lập. Gác lửng ngôi nhà riêng (ở 60 Tây Sơn, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) được bố mẹ dành hẳn cho Anh Thư làm nơi luyện viết chữ cho các học viên mỗi ngày.
“Em đã mở lớp từ tháng 9.2007. Lúc đầu cũng lo ngại vì thời công nghệ số liệu có ai thèm bỏ công sức đi luyện chữ...”, Anh Thư nói sau lượt kiểm tra vở của các học viên. Tốt nghiệp trường CĐSP Bình Định, Anh Thư được bố trí công tác ngay, nhưng điểm trường ở xa, đi lại khó khăn nên cô tạm thời “gác” kế hoạch làm cô giáo và bắt đầu thực hiện một dự định riêng đã ấp ủ lâu nay: mở lớp luyện chữ đẹp.
Lớp luyện chữ của Anh Thư thu hút mọi lứa tuổi đến hì hục tập viết, phần nhiều là học sinh các cấp và cũng có không ít công chức tranh thủ đi luyện chữ bởi “mình là người lớn, đi làm cần phải viết lách nhiều mà viết chữ xấu thấy không được tự tin”. Từ lúc đầu chỉ có 1 lớp với hơn 10 học viên, đến nay Câu lạc bộ luyện chữ Hồn Việt đã “cấp bằng” vở sạch chữ đẹp cho hơn 1.000 học viên. Một mình phụ trách không xuể, Anh Thư phải mời thêm nhiều người bạn (cũng có năng khiếu viết chữ đẹp) đến cùng nắn nót chữ với các học viên.
Tuy không phải là một lớp học chính quy, nhưng chương trình luyện chữ mà Anh Thư đề ra rất đa dạng và bài bản. Các học viên chỉ được phép dùng viết mực khi luyện chữ. Dù là người lớn hay mấy em nhỏ, khi nào viết nét sổ thẳng mà... thẳng như kẻ đứng ô vở mới được chuyển qua viết các nét khác. Bài học vỡ lòng này là bất di bất dịch, có mấy anh viết nhanh, chữ phăng, khi ngồi viết lại từng nét sổ thẳng thì còn tốn sức hơn mấy em nhỏ, tay mỏi rã rời.
Tùy vào độ tuổi của học viên, Anh Thư hướng dẫn tư thế ngồi, cách cầm bút, để vở, trình bày bài viết hợp lý theo các mẫu chữ chuẩn do Bộ GD - ĐT quy định và một số mẫu chữ trang trí. Nhờ có chuyên môn sư phạm, Anh Thư còn mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp và cách sử dụng tài liệu dạy luyện chữ đẹp. Có nhiều học viên sau khi học, được thực tập giảng dạy tại câu lạc bộ đã về mở lớp. “Dù áp dụng phương pháp nào đi chăng nữa, thì mục đích hướng đến là học viên phải viết được chữ đẹp”, Anh Thư nói. Mỗi khóa học thường kéo dài 3 tháng. Sau thời gian học mà chưa đạt tiêu chuẩn chữ đẹp của câu lạc bộ đề ra, Anh Thư... khuyến mãi luyện thêm từ 2 đến 4 tuần, nhưng chỉ áp dụng cho những học viên làm bài tập đầy đủ, nghiêm túc trong suốt khóa học...
Anh Thư tâm sự: “Thực tế có nhiều học sinh viết chữ chưa đẹp. Thế hệ trẻ bây giờ tiếp xúc và rành vi tính, internet từ rất sớm vì nó có nhiều tiện ích. Họ thích dùng bàn phím, mê lướt web hơn ngồi cặm cụi luyện chữ trên trang giấy. Các bậc phụ huynh chẳng ai muốn con mình viết chữ xấu, nhưng công việc lắm khi bận rộn nên ít có thời gian kèm cặp con cái viết chữ. Chương trình học ở lớp cũng rất căng, thầy cô giáo phải lo chạy theo giáo án, chủ yếu truyền đạt kiến thức, và ít có thời gian để luyện chữ cho từng em”.
Đình Phú
Bình luận (0)