Chàng trai biến ngôi nhà ở thành vườn nấm quý

21/01/2021 07:10 GMT+7

Một thanh niên biến ngôi nhà 2 tầng trở thành vườn nấm. Cũng từ ngôi nhà này, anh đã nghiên cứu trồng nấm mối đặc sản...

Đó là Nguyễn Văn Minh Ý (39 tuổi), quê H.Mỏ Cày Nam, Bến Tre. Ý tốt nghiệp ngành chế biến làm đông, Trường ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM, nhưng lại khởi nghiệp kinh doanh máy tính. Tới thời kỳ kinh doanh máy tính gặp khó khăn, chàng trai này quyết định quay về làm... nông dân, nhưng đó là một nông dân trí thức. “Mình muốn làm ra những sản phẩm nông nghiệp giá trị cao, có thể giúp đổi đời”, Ý bộc bạch.
Chàng trai biến ngôi nhà ở thành vườn nấm quý

Nấm mối ở trang trại của Minh Ý vừa được thu hoạch

Bén duyên với nấm mối

Trên thị trường xuất hiện loại nấm mối đen, với giá bán cực đắt. Mua ăn thử thấy khá ngon, truy vết, Ý biết đó là nấm mối trồng. Nghĩ người khác trồng nấm mối được, mình cũng có thể làm như vậy, Ý tìm tòi học hỏi rồi bắt tay trồng nấm mối. Dồn hơn 500 triệu đồng (có được trong thời gian kinh doanh máy tính) trồng nấm mối, Ý tràn đầy niềm tin sẽ trúng đậm ngay vụ đầu. Thế nhưng, nấm không mọc nổi, vốn liếng cũng lụi tàn theo. Không bỏ cuộc, chàng trai Bến Tre quyết “tầm sư” giỏi để học lại.
Mùa nấm năm 2018, Ý bắt đầu gặt hái kết quả từ trang trại ở Hóc Môn (TP.HCM). Lúc đó, thị trường nấm tiêu thụ mạnh, được giá, Ý đầu tư mở rộng trang trại. Hiện nay, ngoài trang trại ở Hóc Môn, Ý còn đầu tư trang trại hơn 2.000 m2 tại TP.Bà Rịa (Bà Rịa-Vũng Tàu) sản xuất nấm mối và các loại nấm quý khác theo tiêu chuẩn VietGAP.
“Một nền nông nghiệp hiện đại đòi hỏi tiêu chuẩn hết sức khắt khe. Cần có nguyên liệu chuẩn, quy trình sản xuất hoàn toàn hữu cơ, nhà xưởng khép kín, đội ngũ kỹ thuật có chuyên môn và giàu kinh nghiệm. Đặc biệt, người làm nông nghiệp phải có tâm mới mang lại sản phẩm sạch, giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng...”, Ý chia sẻ.
Không những mở trang trại nấm cho riêng mình, chàng trai này còn chuyển giao công nghệ miễn phí, cung cấp phôi giống, bao tiêu sản phẩm cho hơn 20 hộ nông dân ở nhiều tỉnh, thành. Ý tính toán: “Trên diện tích 10.000 m2, trung bình có thể thu về 16 - 20 tấn nấm mối/vụ. Với giá thị trường trên dưới 400.000 đồng/kg nấm mối tươi, nông dân sẽ có lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với việc canh tác những loại cây trồng khác”.
Riêng trang trại nấm mối của Ý, mỗi năm có thể thu về 10 tấn. Chàng nông dân này đang đổi đời. Đầu năm 2020, sản phẩm nấm mối của ông chủ trẻ đã xuất sang thị trường Mỹ. “Lô nấm đầu tiên xuất sang Mỹ được người tiêu dùng ưa chuộng”, Ý tiết lộ.

Ngôi nhà nấm quý giữa phố thị

Nhận thấy đông trùng hạ thảo (một loại nấm được coi là thảo dược quý) ngày càng được người Việt săn lùng nhưng giá cả vẫn cao, Ý bắt đầu nghiên cứu thêm cách trồng nấm này.
“Mình tìm hiểu nhiều nơi và may mắn gặp được một người Trung Quốc hướng dẫn kỹ thuật nên việc trồng loài nấm quý này rất thuận lợi”, Ý thổ lộ. Trong căn nhà 2 tầng tại Q.12, TP.HCM - nơi ở của gia đình Ý, giờ là một vườn đông trùng hạ thảo mọc tua tủa.
Ý cho biết đông trùng hạ thảo là một loài nấm tự nhiên mọc ở cao nguyên cao hơn mặt nước biển 4.000 m. Thảo dược này sống cộng sinh trên thân ấu trùng của loài côn trùng thuộc chi Hepoalus. Đông trùng hạ thảo thiên nhiên rất ít, khó thu hoạch nên giá thành cao, khiến việc tiếp cận của khách hàng quá khó khăn.
“Ngày nay, nhiều người đã trồng thành công đông trùng hạ thảo chứ không phải riêng mình. Tuy nhiên, thị trường đông trùng hạ thảo vẫn rất khó kiểm soát về chất lượng”, Ý cho biết. Theo Ý, để đảm bảo chất lượng, ngoài phôi giống, nguyên liệu trồng, kỹ thuật... chuẩn, cần phải kiểm tra định kỳ trong quá trình nấm phát triển và kiểm định dược chất sau khi thu hoạch để phân loại.
Chàng trai không ngần ngại tiết lộ bí quyết trồng đông trùng hạ thảo cho chất lượng cao, như chuẩn bị giá thể là bước quan trọng nhất trong cách trồng. Giá thể là dung dịch hỗn hợp từ các nguyên liệu gạo lứt, nước dừa, nhộng tằm xay nhuyễn theo tỷ lệ 1,5:5:1,2 cùng một số vi lượng thiết yếu. Giá thể được đưa vào các lọ hấp thanh trùng trong 45 - 60 phút, sau đó chuyển sang phòng lạnh để chờ nguội và bắt đầu cấy giống. Kỹ thuật nuôi trồng được chia làm 4 giai đoạn: nuôi sợi, tạo quả thể, nuôi quả thể và thu hoạch.
“Đội ngũ kỹ sư nông nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm của mình sẽ hướng dẫn miễn phí và chuyển giao công nghệ nuôi cấy cho người trồng, giúp họ thành công. Đó cũng là cách sẻ chia của mình - một đứa con sinh ra từ gốc rạ”, ông chủ trang trại nấm quý mở lòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.