Dự án ý nghĩa
Nhắc về cơ duyên đến với dự án tận dụng vỏ chôm chôm làm phân hữu cơ, Hiếu cho biết trong một lần nghỉ hè về Bến Tre đi du lịch, Hiếu được tham quan qua các cơ sở sản xuất mứt chôm chôm ở đây. Tìm hiểu thực tế từ các chủ cơ sở thì một ngày trung bình họ thải ra môi trường 500 kg vỏ chôm chôm. Và tất nhiên họ sẽ phải tốn một khoản tiền để các xe thu gom rác thải thu gom số lượng chất thải này. Còn một số cơ sở nhỏ lẻ khác thì họ lại chọn cách thải trực tiếp ra các bãi đất trống, điều này sẽ tạo một hệ lụy về môi trường, gây ô nhiễm môi trường đất và nước khi vỏ chôm chôm phân hủy, chưa kể đến mùi khó chịu mà nó gây ra.
|
“Thứ nhất là khi phân hủy nếu không được xử lý thì tính axit trong vỏ chôm chôm sẽ làm chua đất. Thứ 2 là khi phân hủy, nước của vỏ chôm chôm sẽ thấm vào đất, đi xuống mạch nước ngầm và làm ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, khi vỏ chôm chôm này phân hủy ngoài môi trường sẽ gây mùi hôi rất khó chịu”, Hiếu cho biết.
Trước thực tế đó, là một sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật môi trường của Viện Khoa học ứng dụng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Hiếu muốn làm điều gì đó để vừa tận dụng được nguồn phụ phẩm nông sản này, vừa bảo vệ được môi trường. Và dự án tận dụng vỏ chôm chôm để làm phân hữu cơ của Hiếu ra đời.
|
“Tại sao nghĩ ngay đến việc tận dụng vỏ chôm chôm để làm phân hữu cơ mà không làm những sản phẩm nào đó khác?”, người viết thắc mắc thì Hiếu chia sẻ: “Trong vỏ chôm chôm cũng như các loại vỏ trái cây khác, có một hàm lượng NPK để làm phân bón hữu cơ. Nhưng điều đặc biệt ở đây là khi mình nghiên cứu thì hàm lượng dinh dưỡng P, K này khá hoàn hảo. Tức là trong vỏ chôm chôm hàm lượng này chứa khá cao, phù hợp để làm phân bón, tăng dinh dưỡng cho đất và cây trồng”.
Rất tốt cho cây trồng và cải tạo đất
Theo Hiếu với xu hướng thị trường hiện nay thì mọi người ngày càng yêu thích những sản phẩm thân thiện môi trường mà vẫn đạt hiệu quả cao. Nên với dự án Java Farm phân hữu cơ từ vỏ chôm chôm, Hiếu tin sẽ nhận được sự tin dùng và ủng hộ của nhiều người. Hiếu rất mong với dự án này sẽ tái chế được hết tất cả nguồn vỏ chôm chôm đang bị thải bỏ mỗi ngày, nhằm giảm tác hại đến môi trường và giảm chi phí sản xuất nông nghiệp cho người nông dân. Từ đó mở ra thêm một hướng xử lý nguồn thải từ vỏ quả chôm chôm và có thể áp dụng cho các nhà máy sản xuất phân hữu cơ ở Việt Nam.
|
Với dự án, Hiếu sẽ mang vỏ chôm chôm phối trộn với cơ chất và chế phẩm sinh học sau đó đem đi ủ cho hoai mục. Khi phân đã hoai mục thì mang ra phơi nắng để giảm độ ẩm và loại trừ một số khí không tốt cho cây. Sau đó có thể dùng để bón trực tiếp cho cây hoặc cải tạo đất trồng.
“Mình nghĩ dự án này mang tính khả thi rất cao. Vì sản phẩm rất phù hợp để cải tạo các loại đất kém dinh dưỡng, do hàm lượng hữu cơ trong phân ở mức 70%”, Hiếu tự hào.
|
Với sản phẩm này Hiếu đã thử nghiệm với 3 nghiệm thức, một mẫu là sử dụng phân bón hữu cơ từ vỏ chôm chôm, một mẫu không sử dụng bất kỳ phân bón nào và mẫu còn lại thì sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh mua ngoài thị trường. Về chất lượng đạt được so với phân hữu cơ mua từ bên ngoài thì ngang ngửa và thậm chí đối với một vài loại cây khi sử dụng phân hữu cơ từ vỏ chôm chôm còn đạt chất lượng tốt hơn nhiều.
|
Trong tương lai Hiếu muốn phát triển và mở rộng thành một chuỗi mô hình khép kín. Ví như thịt quả, hạt Hiếu sẽ làm ra mứt, nước ép… và phần vỏ thì đem xử lý làm phân bón. Và sau khi thành công với quả chôm chôm Hiếu sẽ tiếp tục nghiên cứu để tiến hành ứng dụng với các loại quả khác.
|
Hiện tại, dự án tận dụng vỏ chôm chôm làm phân bón hữu cơ của Hiếu cũng đã xuất sắc lọt vào vòng chung kết của cuộc thi HUTECH Startup Wings 2020 do Trường ĐH Công nghệ TP.HCM tổ chức.
Bình luận (0)