Chạy nước rút kiếm tiền cuối năm

11/12/2020 07:01 GMT+7

Gần 2 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán nhưng người trẻ còn đứng trước muôn ngàn nỗi lo khi có ca nhiễm Covid-19 mới ở TP.HCM. Những nhà khởi nghiệp trẻ đang chạy nước rút kiếm tiền như thế nào?

Dốc sức cho đợt bán hàng lớn nhất trong năm

Phạm Ngọc Anh Tùng (31 tuổi), nhà sáng lập Công ty khởi nghiệp FoodMap, TP.HCM chuyên về đặc sản Việt Nam cho biết do ảnh hưởng bởi Covid-19, người dân, doanh nghiệp đều phải thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu để phòng ngừa nếu dịch trở lại. Song, những mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm cần thiết thì nhu cầu mua sắm vẫn cao, doanh thu sụt giảm không đáng kể. Đồng thời, hành vi mua sắm trực tuyến vẫn sẽ được ưa chuộng bởi độ tiện lợi và an toàn trong dịch.
Công ty của Tùng đã chuẩn bị hơn một năm nay và đã làm khá tốt trong việc kết nối người mua và người bán thông qua nền tảng thương mại điện tử. Sau khi gọi vốn thành công, họ hoàn thiện về công nghệ, mới ra mắt một ứng dụng trên điện thoại di động (app) tiện lợi hơn cho người mua, đón đầu nhu cầu mua sắm trực tuyến sẽ tăng mạnh trước tết.
Không chỉ bán hàng trực tuyến, mới đây đặc sản Việt Nam của Tùng được bán ở cửa hàng trực tiếp đầu tiên tại đường Lũy Bán Bích, Q.Tân Phú, TP.HCM, tình hình kinh doanh tại đây rất tốt. Tùng chia sẻ khách biết FoodMap thông qua trực tuyến, rồi tới cửa hàng để trải nghiệm, mua thử thấy hài lòng rồi sau đó lại tiếp tục đặt thông qua ứng dụng, điều này kết nối người bán - người mua gần hơn.
Dự đoán nhu cầu mua sắm tăng cao cuối năm, hiện tại, doanh nghiệp khởi nghiệp của Tùng đã liên kết với hơn 300 nhà cung ứng với hơn 2.000 sản phẩm nông sản chất lượng cao trên 40 tỉnh thành cả nước. Các sản phẩm mứt tết, hạt, các loại đặc sản như hồng treo gió Đà Lạt, mứt gừng… được khảo sát và chọn từ hơn 6 tháng trước. Những người trẻ cùng nghiên cứu và ra mắt nhiều mặt hàng đặc sản Việt Nam dịp này như hộp quà bán dịp cuối năm với các đặc sản thuần Việt, hồng treo gió, thùng rau tết.
“Để chạy được trơn tru, chúng tôi cần một hệ thống kỹ thuật đằng sau. Tại thời điểm hiện tại, mọi thành viên đang chạy hết tốc lực dể hoàn thiện công nghệ, vận hành, kho bãi chuẩn bị cho đợt cao điểm mua sắm”, anh Tùng nói.

Chuyển hướng kinh doanh

Vừa có không gian sân vườn để tổ chức sự kiện ở Bình Quới, vừa kinh doanh nhà hàng chay, doanh thu của anh Nguyễn Thanh Phú, 37 tuổi, trú P.Cô Giang, Q.1, TP.HCM đều ổn cho tới khi Covid-19 xuất hiện. Để chạy nước rút kiếm tiền, ông chủ trẻ quản lý Vegan Palace (số 558/20 Bình Quới, Q.Bình Thạnh) đã thay đổi bất ngờ khi chuyển hướng kinh doanh. Không gian sân vườn ở Bình Thạnh vốn được tổ chức sự kiện được sử dụng để xây nhà trọ cho thuê, dạng phòng ở biệt lập, giá bình dân cho sinh viên và người mới đi làm. “Đất này tôi cũng đi thuê, nên trong mùa dịch người ta hủy sự kiện hàng loạt, tiệc cũng rất ít mà để mặt bằng trống thì lỗ vốn nặng. Do đó, phải nhanh chóng chuyển hướng”, anh Phú nói.
Với lợi thế là khu vực có nhiều cây xanh, yên tĩnh, anh Phú thiết kế những phòng ở riêng biệt diện tích khoảng 15 m2, theo xu hướng đơn giản, ít nội thất, phù hợp 1 - 2 người ở một phòng. “Trong mùa dịch, việc ở biệt lập tốt hơn, đặc biệt không gian yên tĩnh, thoáng đãng cũng tốt cho sức khỏe, nếu người đó phải học tập, làm việc tại nhà”, anh Phú cho hay. Hiện các phòng trọ đang được gấp rút hoàn thiện, cho người vào ở từ trước Tết dương lịch 2021.
Vẫn đam mê công việc kinh doanh đồ chay, anh Phú giữ lại nhà hàng chay nhỏ ở 42 Đề Thám, Q.1, đồng thời đẩy mạnh bán đồ ăn mang về. Nhân sự làm toàn thời gian của Phú tăng cường năng suất làm việc, để vừa quản lý các nhà trọ, vừa lo việc ở nhà hàng.
“Trong thời gian này, chỉ có những người làm toàn thời gian mới có thể cùng đồng cam cộng khổ với doanh nghiệp đi qua những khó khăn. Không khó để tìm người làm bán thời gian, nhưng họ sẽ dễ nhảy việc hơn nếu bị giảm lương, thưởng”, anh Phú chia sẻ.

Bán hoa tươi kiêm bán đồ ăn, quần áo

Anh Phạm Hà Phú (31 tuổi), sáng lập Memory Wedding & Event, trú Q.Gò Vấp, TP.HCM, người gắn bó với nghề tổ chức sự kiện, trang trí tiệc cưới, cho hay doanh thu thời điểm này chỉ bằng khoảng 50% so với cuối năm 2019. Lo lắng dịch bệnh và thu nhập ít đi, mọi người hủy các bữa tiệc đông người, tiệc cưới cũng làm gọn nhẹ hơn. Tiệc ít đi, hoa tươi bán ra cũng giảm.
Cuối năm này, để chạy nước rút kiếm tiền, anh Phú kiêm thêm nhiều công việc khác như bán đồ ăn vặt trên mạng, bán quần áo, mỹ phẩm. “Đồ ăn là thiết yếu, trong dịch, người ta mua đồ ăn vặt trực tuyến vẫn rất nhiều. Đi đâu có nguồn hàng ngon sạch như cam quýt, hồng Đà Lạt, bơ, tôi đều tranh thủ gom đơn, giao tận nơi cho khách”, anh Phú nói.
Một phần tập trung làm tốt nhất những sự kiện mà khách đặt, Phú còn bán thêm hoa chúc mừng, thăm hỏi, giao về tận nhà. Nhà nào đặt vòng hoa, hoa cho đám tang, anh Phú cũng làm tận tâm. Anh Phú chia sẻ: “Nghề là nghiệp của mình, mình làm bằng cái tâm và được rèn nghề kỹ càng, không thể nghỉ để chuyển sang nghề khác. Nhiều người bạn làm trong nghề của tôi, khi xuất hiện dịch Covid-19 họ đã lên Đà Lạt sống, làm vườn, trồng những loại lá trang trí vốn phải nhập khẩu trước đây và giao xuống TP.HCM, cho thu nhập tốt. Covid-19 cũng là cơ hội để mọi người thử nghiệm những khả năng mình có thể làm được”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.