Chế tạo thành công UV robot phòng chống dịch Covid-19 tặng Bệnh viện Đà Nẵng

26/05/2020 18:38 GMT+7

Sau khi thử nghiệm thành công việc diệt khuẩn, đạt tiêu chí vi sinh của phòng mổ, UV robot đã được trao tặng cho Bệnh viện Đà Nẵng .

Ngày 26.5, nhóm nghiên cứu TRT, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng đã trao tặng UV robot diệt khuẩn bằng tia cực tím (UV) cho Bệnh viện Đà Nẵng phục vụ tại các khu cách ly, phòng mổ. UV Robot là thành quả sau 3 tuần lên ý tưởng, chế tạo, vận hành của nhóm nghiên cứu TRT.

Đại diện Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng - trao tặng UV robot cho Bệnh viện Đà Nẵng vào sáng 26.5

Ảnh: Hoàng Sơn

Giá thành rẻ so với thị trường

UV robot được định hướng sử dụng diệt khuẩn tại bệnh viện, khu vực cách ly, phòng mổ, nhằm thay thế con người, tránh nguy cơ tiếp xúc mầm bệnh, hỗ trợ tốt cho công tác phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là Covid-19.

Cận cảnh robot phát tia cực tím phòng chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Đà Nẵng

Robot được trang bị hệ thống đèn diệt khuẩn UV có khả năng phát ra tia cực tím UV loại C với bước sóng vào khoảng 250 nanomet.

UV robot được thử nghiệm trong môi trường bệnh viện

Ảnh: Hoàng Sơn

UV robot có trọng lượng 55 kg, chiều cao 1,5 m, dài 0,45 m, rộng 0,4 m, có thể hoạt động liên tục hơn 2,5 giờ. Với công suất thiết kế hệ thống đèn UV lên đến trên 500 W, robot có khả năng diệt khuẩn 99% trong thời gian 30 giây với bán kính từ 1-2,5 m tuỳ thuộc vào chủng loại vi sinh vật.

Theo nhóm nghiên cứu, so với phương pháp diệt khuẩn bằng hóa chất, diệt khuẩn bằng UV có thể tiêu diệt các mầm bệnh ở trong không khí, ở những nơi khó khử trùng bằng hóa chất, như: thiết bị điện tử, thiết bị y tế, đồng thời có thể tiết kiệm chi phí khử trùng và giảm việc sử dụng hóa chất.

UV robot phát ra tia UV loại C trong phòng cách ly của bệnh viện

Ảnh: Hoàng Sơn

Đáng chú ý, UV robot của nhóm nghiên cứu TRT có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với một số robot diệt khuẩn bằng tia UV cùng tính năng trên thị trường. Tổng chi phí nguyên vật liệu chế tạo khoảng 50 triệu đồng.

PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, cho rằng đơn giá robot này rất rẻ trong điều kiện thị trường hiện nay. Để trao tặng cho Bệnh viện Đà Nẵng, nhóm nghiên cứu đã phải kiểm tra rất nhiều lần với quy trình rất chặt chẽ.

Trên thân UV robot có tổng cộng 7 thân đèn UV

Ảnh: Hoàng Sơn

“Hiện nay không còn là lúc cao điểm của dịch Covid-19 nữa, nhưng chúng tôi cho rằng sản phẩm này và những sản phẩm tương tự là điều cần thiết phải hướng đến”, ông Thọ nói.

Đạt tiêu chí vi sinh của phòng mổ

Khi thử nghiệm, UV robot có khả năng diệt khuẩn tại các môi trường làm việc khác nhau tại Bệnh viện Đà Nẵng, như: phòng bệnh, phòng pha chế, các phòng tiểu phẫu và đại phẫu.

Phiếu kiểm tra xác nhận vô trùng sau khi thử nghiệm UV robot

Ảnh: Hoàng Sơn

Các kết quả kiểm tra vô trùng được xác nhận bởi Khoa Vi sinh, Bệnh viện Đà Nẵng cho đến thời điểm hiện tại là rất khả quan. Các phòng sau khi được diệt khuẩn bởi Robot UV đều đạt tiêu chí vi sinh của phòng mổ.

Các bộ phận chuyên môn của Bệnh viện Đà Nẵng đã có những đánh giá rất tích cực và cam kết tiếp tục hỗ trợ để giúp sản phẩm ngày một hoàn thiện hơn.

Bác sĩ CK2.Trần Thị Khánh Ngọc, Phó giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết hiện tại phòng y học nhiệt đới là nơi tập trung điều trị những bệnh nhân dương tính Covid-19.

Các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng đánh giá cao khả năng diệt khuẩn của UV robot

Ảnh: Hoàng Sơn

“Ở đó chúng tôi đã được trang bị 3 phòng áp lực âm rất tốt, rất quý nhờ những nhà hảo tâm. Nếu được thêm những máy tia UV chạy trong phòng áp lực âm thì hết sức tuyệt vời. Vì phòng này điều trị những ca nhiễm khuẩn nặng, tránh lây lan. Đối với những vị trí như vậy thì vấn đề sát khuẩn phải đặt lên hàng đầu”, Phó giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.