“Dịch Covid - 19 con cháu không đứa nào về được nên đâu thấy mấy ai đi chợ sắm sửa gì nhiều đâu. Có con có cháu về mới mua thứ này, thứ kia, còn không đứa nào về thì tết như không tết, nên chợ cũng buồn thế này đây”, bác Lắm buồn bã nói trong nỗi nhớ mấy đứa cháu ở xa không về.
Đâu rồi chợ 30 tết của mọi năm
Khuya 29 tết, tôi hỏi mẹ: “Sáng mai chợ 30 chắc đông sớm lắm mẹ nhỉ?”, mẹ gật đầu bảo: “Sớm lắm con, bán sớm cho người ta mua về cúng mâm cơm chiều cuối năm”.
Bình thường chợ đông lúc 8 - 9 giờ sáng, nay mới chưa được 6 giờ chợ đã đông kín. Nhưng chỉ là kín chỗ người ngồi bán, còn người mua thì không xôm tụ như đúng nghĩa chợ 30 tết mỗi năm.
|
Đâu rồi cảnh người bán người mua chen nhau để mua được mớ cá tươi ngon để dành cho 3 ngày tết. Đâu rồi hình ảnh những đứa con tóc vàng, tóc đỏ, nước da trắng nõn nà mà người dân quê tôi gọi là “gái xì phố về làng”, chở ba, chở mẹ đi chợ 30.
Một không khí chợ 30 tết thật lạ, không chen lấn, không giành nhau, chỉ có những người mẹ, người bà lưng còng xách giỏ đi chợ. Bước chân của các bà, các mẹ cũng không còn vội vã, vì năm nay các con, các cháu không đứa nào về được.
|
|
Tôi bước đến hàng rau, từng tiếng gọi chào mời: “Con gái ơi mua giúp cô ít cải”, “Con gái ơi mua giúp cô mớ rau. Chợ ế quá con ơi!”.
Ngồi mua rau, tôi sẵn tiện tám chuyện với bác Lắm. Chợ 30 mà có thời gian tám chuyện được cũng là một chuyện lạ. Mọi năm chợ 30 vừa bán vừa chạy, các bác dậy từ 2 giờ sáng lọ mọ rọi đèn đi nhổ rau, nhổ cải mang ra chợ bán. Bán vừa xong là gánh thúng, gánh rổ chạy lại ra ruộng để nhổ tiếp về bán. Chợ 30 vì thế mà được ví như chợ vừa bán vừa chạy. Nhưng năm nay, tôi có thể ngồi tám chuyện với bác Lắm để nghe bác kể chuyện mấy đứa con tốn gần mười mấy triệu để mua vé máy bay về, nhưng cuối cùng dịch Covid - 19 bùng lên những ngày cuối năm, khiến các con ở lại thành phố khiến nơi quê nhà bác Lắm trông ngóng.
|
“Cải ngon thế này mà mấy đứa con không đứa nào về được để ăn. Buồn lắm con ơi, nhà giờ có 2 vợ chồng già đi ra đi vào. Chẳng thà năm nào các con không về thì biết từ trước rồi. Đằng này, các con nói sẽ về, mua vé hết rồi mà đến giờ cuối dịch quá không về được, làm 2 vợ chồng già cứ hết ngóng rồi lại trông”, bác Lắm tâm sự.
Các con về thì tết mới về
“Các con không về thì tết cũng như không tết, các con có về thì tết mới về”. Câu nói của bác lắm khiến những người trẻ như tôi phải quặn lòng.
|
Những người con xa xứ, ai cũng mong ngóng ngày tết để được đoàn viên với gia đình. Nhưng năm nay thật đặc biệt, mọi thứ thay đổi chỉ trong tích tắc, vé đã mua sẵn, quà mua về biếu ba mẹ, người thân cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nhưng dịch bùng lên là mọi kế hoạch tan tành. Một cái tết đoàn viên bên gia đình đành hẹn lại những năm sau.
|
Tiếng nấc từ trong điện thoại của Đặng Thị Kiều Trinh (cựu sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) khi không thể về quê ăn tết cùng gia đình, khiến người viết cũng phải nghẹn ngào: “Biết làm sao bây giờ, dịch bệnh phức tạp quá, về quê thời điểm này không những không an toàn cho bản thân mà còn không an toàn cho gia đình và cộng đồng nữa. Mình ngậm ngùi ở lại thành phố khi mọi kế hoạch ăn tết ở quê đã sẵn sàng và chỉ chờ ngày lên tàu về. Coi như là một trải nghiệm mới, nhưng cũng thương ba mẹ già ở quê quá chừng, cứ ngóng, cứ lo từng ngày, rồi cuối cùng con bảo rằng không về được. Ngàn lời chúc, ngàn món quà cũng không bằng được nhìn thấy mặt con cháu đoàn viên ngày tết”.
|
Bước thấp bước cao, dắt chiếc xe đạp có mấy bó hoa cúc và mấy đồn bánh tét ở giỏ xe, bác Nguyễn Văn Tư (72 tuổi, Thăng Bình, Quảng Nam) ngậm ngùi nói: “Mấy năm có con về thì nó đi chợ sắm đồ, năm nay không đứa nào về được thì phải tự lo thôi”.
Chỉ vào mấy đòn bánh tét, bác Tư cho biết vì không đứa nào về, nhà chỉ còn mình bác nên năm nay chẳng buồn gói bánh, điều mà chưa năm nào bác Tư bỏ quên khi tết đến xuân về. “Nấu làm gì con ơi, có ai ăn đâu. Nhưng phải mua mấy đòn về để cúng, tết mà không có bánh tét thì ông bà trách móc. Nghĩ cũng buồn ghê con nhỉ, già tầm này rồi, chỉ mong con cháu tết đến nó về rồi sum vầy, mà dịch bệnh gì đâu làm ăn tết ở đây mà cứ lo cho con cháu ở trong thành phố”, bác Tư thở dài rồi nói tiếp: “Mà thôi, tết này đã thế này rồi thì mong tết sau sẽ tốt đẹp hơn, dịch cũng sẽ hết để tết lại về”.
Dịch Covid -19 khiến cái tết đoàn viên năm nay của nhiều người chỉ còn trong ước mong, nhưng sẽ là một cái tết với nhiều trải nghiệm mới. Những giọt nước mắt chiều cuối năm vì nhớ con, nhớ cháu; nơi xứ người con cháu cũng nghẹn ngào nhớ không khí tết quê nhà. Tất cả sẽ là một cái tết đặc biệt, để mỗi người trẻ sẽ quý trọng hơn những giây phút đoàn viên bên gia đình. Để từ nay, không đợi gì tết đến, khi nào có dịp, thu xếp công việc để quay về nhà bên gia đình, bên những người thân, khi ấy là tết.
Bình luận (0)