Chuyển giao kỹ thuật trồng rau

12/08/2017 16:48 GMT+7

Nằm trong chiến dịch tình nguyện hè, Trung tâm phát triển khoa học - công nghệ Trẻ (Thành đoàn TP.HCM) đã chuyển giao công nghệ kỹ thuật trong nuôi trồng cho nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên.

Theo đoàn chuyển giao công nghệ của trung tâm này về xã Đắk Môn (H.Đắk Glei, tỉnh Kon Tum), cả đoàn ngỡ ngàng khi A Sắc (Bí thư đoàn xã) dẫn chúng tôi ra một bãi đất trống, toàn cây cỏ, xung quanh là đồi núi và nói rằng đây là nơi A Sắc muốn khởi nghiệp.
A Sắc thành thật: “Mình ấp ủ ước muốn khởi nghiệp từ rất lâu, đặc biệt là khởi nghiệp nông nghiệp sạch. Nhưng không biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào. Thanh niên ở vùng sâu, vùng xa như tụi mình điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật cũng như kiến thức khởi nghiệp thật sự rất khó khăn”.

tin liên quan

Mô hình trồng rau sạch
Anh Dương Minh Trung (28 tuổi, ngụ xã Đại Tâm, H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) quyết tâm làm giàu từ mô hình trồng rau sạch theo công nghệ hiện đại của Israel.
Rồi A Sắc kể: “Trước đây, thanh niên trong xã được tập huấn về kỹ thuật trồng nấm, sau đó được giao 30 phôi về trồng nhưng cuối cùng thất bại. Nhận thấy nguồn rau ở địa phương đang khan hiếm, cả 3 huyện ở đây là Ngọc Hồi, Đắk Glei và Đắk Tô cũng đều không thể tự trồng rau và phục vụ cho gia đình mình mà phải nhập từ nơi khác”.
Cũng theo A Sắc, rau nhập về không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân địa phương. Người dân ở đây mỗi năm cũng chỉ trồng vào 2 tháng tết, mà nói vui như anh chàng này là “một mùa trồng rau và một mùa trồng cỏ”. Chính vì thế, A Sắc đã ấp ủ ước muốn khởi nghiệp trồng rau sạch.
Nhìn tổng quan mảnh đất, tiến sĩ Ngô Xuân Chinh, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp TP.HCM, khẳng định đây là mảnh đất rất tốt để khởi nghiệp trồng rau. Bởi đối với cây rau thì nước là vấn đề cốt lõi nhất nhưng ở đây đã có sẵn nguồn nước thiên nhiên.
Tiến sĩ Chinh hướng dẫn: “Có 3 cấp độ trồng rau, thứ nhất là trồng bình thường nhưng nếu áp dụng theo cấp độ này thì phải tác động tưới phun mưa thay tưới tay. Với trồng rau, công tưới là nhiều nhất, nếu làm theo công nghệ này, sẽ giảm được hơn 50% nhân công. Thứ hai là trồng rau trong nhà lưới để giảm thiểu tác động của thời tiết và thứ ba là trồng công nghệ cao”.
Tiến sĩ Chinh khuyên phải xây dựng vườn ươm cây con giống theo lối công nghiệp, với cách gieo ươm trên vỉ xốp và cách mặt đất 1 m, khi đó cây sẽ khỏe, sạch bệnh. Tất cả những kỹ thuật này trung tâm sẽ hỗ trợ chuyển giao. Khi trồng rau, muốn bán được thì phải trồng tối thiểu 10 loại, trong đó 3 loại rau ăn quả và 7 loại rau ăn lá. Còn muốn giữ được thương lái luôn mua sản phẩm của mình thì phải trồng gối vụ, ngày nào cũng thu hoạch và cứ 3 ngày là lên lịch xuống giống.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Chinh lấy 5 mẫu đất tại đây về kiểm tra và đưa ra kết luận sẽ trồng những loại rau nào là phù hợp và cần cải tạo đất như thế nào để đạt hiệu quả. Không những thế cũng phải đo tốc độ gió như thế nào để lường trước công tác lắp nhà màn, đặt hướng nào để giảm tác động của thiên nhiên. Và trên những phân tích này, viện nghiên cứu sẽ đưa sơ đồ mô hình xuống để thanh niên địa phương tiến hành canh tác.
Còn thạc sĩ Phan Quốc Tâm, giảng viên Trường ĐH Tiền Giang, Giám đốc kỹ thuật Công ty nông sản hữu cơ Green Family, khuyên: “Khi khởi nghiệp, vấn đề gọi vốn rất quan trọng, vì thế phải coi trọng vấn đề này.
Và phải tận dụng thế mạnh địa phương như có cái gì riêng để dễ tiêu thụ. Phải điều tra nhu cầu sử dụng rau ở địa phương, một ngày thương lái mang rau về địa phương là bao nhiêu tấn, bao nhiêu chủng loại và giá như thế nào. Nếu trồng rau tại chỗ mà giá bán đắt hơn thì không bao giờ bán được”.
Mùa hè tình nguyện năm nay, trung tâm đã tiến hành chuyển giao mô hình trồng rau nuôi cá thủy canh ở đảo Thổ Chu. Tư vấn chuyển đổi vật nuôi và cây trồng: các mô hình nuôi trồng xen canh cây trồng và thủy sản, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su ở huyện Củ Chi và Hóc Môn, TP.HCM. Giới thiệu và hướng dẫn các mô hình trồng nấm và dưa lưới ở H.Nhà Bè, TP.HCM...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.