Chuyện từ những chuyến xe buýt

06/10/2018 18:44 GMT+7

Bà bầu lủi thủi đi viện một mình, cặp vợ chồng mù hát dạo… và những câu chuyện khác nữa trên chuyến xe buýt đã tạo cho tôi nhiều cảm xúc.

Tôi đi xe buýt từ khi còn là cậu sinh viên năm nhất, bây giờ đã là năm tư. Dù hiện đã có xe máy, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn thích leo lên một chuyến xe buýt, vì ở đó cuộc sống sẽ muôn màu hơn khi tự lái xe một mình.
Tôi bắt chuyến xe 14 về Bến xe miền Đông. Đến trạm Bệnh viện Từ Dũ, một người phụ nữ với cái bụng to nặng nề bước từng bước chậm chạp lên xe. Cô tiếp viên dìu chị ngồi vào băng ghế của tôi.
Tôi nâng chiếc cặp để lên đùi, ngồi sát vào trong để chị có diện tích rộng rãi hơn. Chị thoáng mỉm cười. Lúc này tôi mới nhìn chị rõ hơn, chị chừng 25 tuổi, gương mặt phờ phạc vì mệt, hoặc có thể vừa mới xuất viện.

Chiếc xe chậm rãi di chuyển giữa dòng xe đông đúc dù không phải giờ cao điểm. Tôi quay sang chị khẽ hỏi: “Bao nhiêu tháng rồi vậy chị?”. Vẫn cái nụ cười trên đôi môi nhợt nhạt “7 tháng rồi em”, chị nói. Tôi hỏi tiếp: “Dạ, em thấy chị đi một mình, anh đâu sao không đi cùng?”. Câu hỏi thăm xã giao ấy vô tình khơi lại câu chuyện buồn mà có lẽ chị không muốn nhắc lại.
Chị kể chị quen anh khi vừa mới tốt nghiệp, hai người cứ thế về chung sống với nhau. Cho đến khi chị phát hiện mình đã mang thai tháng thứ 3 thì người đàn ông bội bạc đó có nhân tình mới. Anh ta chối bỏ đứa bé, rời bỏ chị mà không một lần liên lạc lại.
Chị khóc ròng rã cả tháng trời, bạn bè có người xúi chị bỏ đứa bé nhưng chị nhất định nói “không”. “Dù sao vẫn là con mình, mình là mẹ nó mà”, chị nói mà mắt đỏ hoe, tay đặt lên bụng âu yếm lắm.
Câu chuyện dừng lại lưng chừng ở đó, có cái tặc lưỡi vừa ngán ngẫm, vừa xót xa của người phụ nữ trung niên ở băng ghế bên cạnh, có cái gì đó nghèn nghẹn ở chị, ở cả tôi nữa. Chị xuống trạm, nửa dặn dò nửa nói vui với tôi: “Em có yêu ai thì yêu tử tế nha”.

Xe bon bon giữa cái nắng oi bức, có cặp nam nữ dò dẫm bước lên xe, họ bị mù. Có người định đứng dậy mời họ ngồi, nhưng họ xua tay mỉm cười.
Người đàn ông dựa vào thành ghế, lôi trong ba lô của mình ra chiếc micro: “Thưa bà con, vợ chồng tôi tật nguyền, chỉ mong đem tiếng hát phục vụ bà con, anh chị chú bác thương tình giúp cho ít tiền rau cháo sống qua ngày”. Rồi ông cất giọng, cái thanh âm trong trẻo nhưng đầy thảm não của kiếp người cất lên. Tôi bất giác nổi da gà, người ta nói “có tật có tài” quả chẳng sai. Chỉ tiếc cho cái tài sao phải đánh đổi với cái giá lớn đến vậy.
Người vợ đi từ trên xuống cuối xe, chìa chiếc mũ với bên trong vỏn vẹn vài tờ bạc lẻ đến mỗi băng ghế. Có người mở bóp bỏ vào năm, mười ngàn. Có người vờ làm lơ quay mặt ra ngoài cửa kính.
Xe dừng, họ lại dìu nhau bước xuống. Tôi còn nhớ như in nụ cười và cái cúi đầu cảm ơn của cặp vợ chồng. Lẩn giữa tiếng còi xe inh ỏi, bài hát dang dở của người đàn ông mù vẫn văng vẳng trong đầu tôi: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi. Ôi cát bụi mệt nhoài…”.
Cứ đi đi về về, những chuyến xe là cả một xã hội thu nhỏ. Ở đó có đủ cả “hỷ”, “nộ”, “ái”, “ố”, đủ cả câu chuyện của những phận đời khác nhau. Có những bà già trạc tuổi nhau chẳng quen chẳng biết hồ hởi bắt chuyện; có cậu sinh viên ngủ gật ở băng ghế cuối; có ông cụ lần đầu đi tuyến buýt mới, lạ đường nên chốc chốc lại nhắc bác tài điểm xuống…
Những người ta thoáng chốc bắt gặp, nói vội với nhau vài câu chuyện, chẳng kịp, chẳng cần hỏi nhau cái tên, chỉ đơn giản là đang cùng trên một chuyến xe cũng cảm thấy trân quý.
Mời bạn đọc cộng tác chuyên mục 'Góc nhìn trẻ'
Các bạn thân mến!
Ai cũng có một thời tuổi trẻ, cái tuổi ‘bẻ gãy sừng trâu’ với bao ước mơ, hoài bão. Tuổi trẻ là lứa tuổi tràn đầy sức sống để bạn có thể học tập, làm việc, cống hiến …, và cũng là lứa tuổi với bao trăn trở trước nhiều ngã rẽ của cuộc đời: học đại học, học nghề, khởi nghiệp…
Dù con đường bạn chọn gặp nhiều thuận lợi, thành công hay khó khăn, thất bại, thì những chia sẻ của bạn về những gì đã trải qua đều có giá trị của nó. Nó sẽ là hành trang, bài học quý giá cho nhiều bạn khác sẽ và đang bắt đầu bước vào tuổi thanh xuân.
Những trăn trở, chia sẻ của các bạn có thể gửi về chuyên mục Góc nhìn trẻ theo địa chỉ [email protected].
Các bài viết được đăng tải trên mục Giới trẻ/Góc nhìn trẻ của Thanh Niên Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.