Trong khi chúng tôi rùng mình nhìn Quỳnh Anh quấn con trăn lớn mấy vòng quanh cổ thì cô gái 24 tuổi, quê ở Thái Nguyên, tốt nghiệp Trường đại học luật Hà Nội âu yếm ôm con vật trong tay và thủ thỉ với nó bằng những từ ngữ âu yếm.
“Ngoài các con trăn lớn, tôi đang nuôi hai con trăn nhỏ thân thiết nhất là Sunny và Moonie. Hai con thuộc trăn đất Miến Điện (Burmese python). Ngoài ra còn bé rùa Sulcata tên Vâu mới được 6 tuổi cũng là con vật tôi rất cưng”, Quỳnh Anh khoe.
|
Không chỉ vì cảm giác mạnh
Quỳnh Anh cho hay cô có sở thích nuôi động vật như rùa, trăn, rắn… từ 4 năm trước. Con đầu tiên cô nuôi là rùa “Núi Viền”, sau đó cô nuôi thêm thỏ New Zealand, chuột Guinea Pig và các loài bò sát khác.
Nói về lý do có sở thích khác người này, Quỳnh Anh cho hay: “Tôi thích sự hoang dã của những con vật mình đang nuôi. Nó không đơn giản chỉ là cảm giác mạnh, mà nó giúp tôi học được cách cảm nhận và giao tiếp rất khác so với những động vật có vú”.
Quỳnh Anh thừa nhận, không ít người bỏ chạy, hoảng sợ khi thấy những con bò sát, tuy nhiên, cô đặc biệt yêu và coi chúng là những người bạn của mình.
“Chúng không cần dỗ dành, không cần nâng niu từng tí một. Cái chúng cần ở mình là sự yên tâm. Nói bò sát không thuần được vừa đúng vừa sai. Không thuần được bởi vì không biết nó sẽ tấn công mình lúc nào, nhưng không hiếm trường hợp con người chơi với chúng như hai người bạn thật sự. Vậy nên có thể chỉ những người dành nhiều thời gian cho bò sát mới hiểu được hết cảm giác cũng như cách gần gũi, yêu thương, cảm nhận được chúng muốn gì”, cô gái đang sinh sống ở Hà Nội cho hay.
|
|
Quỳnh Anh có cả một nhóm bạn cùng sở thích nuôi trăn, rắn, kỳ nhông như cô. Do đó, mọi người thường cùng nhau trò chuyện, trao đổi cách chăm sóc, chữa bệnh nếu một con nào đó có vấn đề về sức khỏe...
Cô gái chăm tìm hiểu thông tin bò sát trên truyền hình, sách báo
Quỳnh Anh có nhiều kiến thức về những con vật mình đang nuôi, cô có thể phân biệt tên, giống, loài, kiểu gien của mỗi con trăn, rắn… “Tôi đọc sách báo, xem truyền hình. Rất nhiều chương trình truyền hình thú vị về rắn, trăn và nhiều loại bò sát khác nhưng mà nhiều người không để ý”, cô gái chia sẻ.
Nữ sinh quê ở Thái Nguyên bày tỏ, cô không lo những con vật mình nuôi sẽ làm đau mình. “Khi có kinh nghiệm tìm hiểu, thuộc tên và giống loài, có thể phân biệt các loài trăn, rắn có độc hay không. Nếu chỉ nhìn qua mắt thường phân biệt thì rất khó, có loài nhìn như rắn độc nhưng lại không hề độc như lục chúa, hoặc lục tre (đầu hình tam giác nhưng cũng không độc đối với người). Cũng có loài nhìn rất đẹp nhưng lại rất độc (như rắn lục đầu bạc chẳng hạn”, cô gái sinh năm 1994 phân tích.
|
Quỳnh Anh bật mí, nhiều bạn bè, người thân của cô ủng hộ việc nuôi và chăm các “con cưng” này. Nhiều người còn bày tỏ họ rất ngưỡng mộ cô khi có vốn kiến thức phong phú về các loài bò sát.
“Khó khăn lớn nhất mà tôi gặp khi chăm sóc các 'bé', đó là khi bị ốm. Mình chỉ có thể nhìn và đoán bệnh, sau đó chữa cho chúng. Cái này đòi hỏi phải có kinh nghiệm và sự quan sát các 'bé' kỹ càng”, Quỳnh Anh dùng từ “các bé” để gọi những con bò sát mình chăm sóc.
Ngoài tình yêu dành cho động vật, Quỳnh Anh cũng đam mê xe phân khối lớn. Cô bộc bạch: “Tôi thích sự trải nghiệm các cung đường cùng bạn bè, hòa mình với gió, với cảnh đẹp, với tốc độ... Xe và động vật là những sở thích mang lại cho tôi nhiều hứng khởi để có thể làm cho cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn”.
Bình luận (0)