‘
Con thương Sài Gòn, thương Việt Nam y như thương ba má dị đó’ cùng với nhiều bức vẽ cưng xỉu đang được dân mạng thả tim quá trời nằm trong dự án
Sài Gòn chơn thành của hai chàng trai 9X: Bùi Nguyễn Văn Nguyên và Phạm Văn Nghĩa.
‘Ai test nhanh bà Vy hônnn?’
Một chiếc xe ba gác len lỏi trong những con hẻm ở Q.Tân Bình, TP.HCM, trên đó gồm những bạn trẻ là nhân viên y tế chống dịch trong các bộ trang phục kín mít. Họ có nhiệm vụ test nhanh
Covid-19 cho bà con để tránh phải tập trung đông người, an toàn cho người dân. Qua sự sáng tạo và cái nhìn dí dỏm của Bùi Nguyễn Văn Nguyên và Phạm Văn Nghĩa, bức tranh dễ thương “Ai test nhanh bà Vy hônnn mấy dì ơi” đã ra đời sau một đêm.
Tới hôm nay (28.7),
Sài Gòn chơn thành đã ra mắt cộng đồng 5 bức vẽ, tái hiện lại từ những khoảnh khắc có thật, những hình ảnh gây xúc động ở ngay thành phố trong những ngày tháng chống dịch
Covid-19. Nam bác sĩ đứng quay lưng, phía sau lưng áo bảo hộ là dòng chữ “
Nếu ai cũng sợ thì ai đi chống dịch”.
Cô nàng tình nguyện đi chống dịch chân hơi ngắn một chút phải thật cố gắng mới leo lên được thùng xe ô tô. Trong chiều mưa tầm tã của Sài Gòn, bạn tình nguyện viên đứng co ro trong chiếc áo mưa nhưng vẫn lạc quan: “Có tụi tui phụ xíu, Sài Gòn mau khỏe nghen”…
Những bức vẽ siêu dễ thương của Sài Gòn chơn thành
|
Bùi Nguyễn Văn Nguyên cho hay, anh tạo trang
Ở Đâu Cũng Chụp trên
mạng xã hội từ 3 năm nay còn Phạm Văn Nghĩa là người đam mê nghệ thuật, anh là chủ tài khoản p.n.a.r.t. trên mạng xã hội.
Nguyên thì thích nét vẽ của Nghĩa, trong khi Nghĩa mê những bức ảnh của Nguyên. Hai người thân nhau lúc nào không hay và hứa hẹn sẽ phải làm chung một dự án nào đó.
Sài Gòn “bệnh” nặng thêm nhiều,
giãn cách xã hội, Nguyên đăng ký đi làm tình nguyện viên hỗ trợ tuyến đầu chống dịch nhưng chương trình tạm hoãn, khu anh ở cũng bị phong tỏa.
Sài Gòn những ngày bị ốm, rồi một mai, những nụ cười sẽ trở lại thôi, dưới lớp khẩu trang
|
"Ráng khỏe nha Sài Gòn ơi"
|
“Tôi bức bối và day dứt trong lòng mấy ngày trời. Tôi thấy mình nói mình thương Sài Gòn sao mình hổng làm được gì ngay lúc này hết trơn. Lúc đó, tôi nảy ra ý tưởng về dự án Sài Gòn chơn thành.
Nếu không có dịp đi đâu hay chụp lại kể lại chuyện Sài Gòn như trước thì bây giờ chúng tôi sẽ vẽ lại những khoảnh khắc thiệt đẹp, biên lại những dòng tử tế giữa Sài Gòn này của những tình nguyện viên áo xanh, áo trắng tuyến đầu. Chúng tôi mong những bức vẽ này sẽ lan toả được thiệt nhiều năng lượng tích cực đến khắp mọi người cũng như góp được những lời động viên của hậu phương gửi tới những chiến sĩ”, Nguyên bộc bạch với phóng viên Báo Thanh Niên.
Nguyên (bìa trái) một chàng trai yêu Sài Gòn vô điều kiện
|
Nghĩa, chàng trai cùng Nguyên làm nên Sài Gòn chơn thành
|
Hai anh chàng cùng bắt tay thực hiện. Nguyên ở Sài Gòn, Nghĩa ở Đồng Tháp, họ kết nối qua mạng xã hội, thảo luận từ ý tưởng tới bản vẽ cuối.
Phạm Văn Nghĩa, chàng trai vẽ nên những bức tranh siêu đáng yêu trong dự án này, chia sẻ với người viết: “Chúng tôi cùng tôn trọng góp ý của nhau, hai người trao đổi mọi thứ với nhau trước khi thống nhất bài đăng cuối cùng. Vì có thời gian làm việc tương đối lâu ở Sài Gòn nên tôi
lỡ “phải lòng Sài Gòn” rồi. Tôi yêu cách mọi người đối xử với nhau, yêu những góc phố và bây giờ yêu tinh thần cống hiến của các tình nguyện viên”.
“Cái thương Sài Gòn cứ lớn lên từng ngày theo mình”
Cả Nghĩa và Nguyên đều yêu Sài Gòn vô điều kiện.
Sài Gòn những ngày khỏe mạnh, những hình ảnh khiến người xem háo hức nhớ về những ngày thành phố đầy ắp thanh âm rộn rã
|
Nghĩa tâm tình: “Chứng kiến Sài Gòn bây giờ không khỏi chạnh lòng, bởi Sài Gòn chưa bao giờ yên ắng đến vậy, những cụ già neo đơn chật vật vượt qua từng ngày giãn cách. Chúng tôi mong Sài Gòn chơn thành giúp Sài Gòn có thêm nhiều nghĩ suy tích cực, niềm tin chiến thắng đại dịch”.
Còn Nguyên, chàng trai quê Đắk Lắk nhưng ai cũng tưởng anh là người Sài Gòn thứ thiệt. 9X đang làm việc trong ngành sáng tạo, sở thích của anh là được cầm máy ảnh đi khắp nơi chụp những khoảnh khắc bình dị của thành phố này. Từ đó, Fanpage Ở đâu cũng chụp với những hình ảnh cưng thiệt cưng và những lời kể chuyện dễ thương của anh ra đời, ngày càng thu hút nhiều lượt theo dõi hơn.
Sài Gòn những ngày bình yên là quán ăn vỉa hè, là cà phê sữa đá, là bà con sáng sáng cầm tờ báo đọc thảnh thơi, rồi Covid-19 sẽ rời xa trả cho Sài Gòn nhịp sống này
|
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, buổi sáng bình yên bên ly cà phê sữa đá ở Sài Gòn được thể hiện qua nhiều bức ảnh của Nguyên. Những người đàn ông hỏi thăm nhau chuyện mưu sinh trên vỉa hè. Con đường rợp máy bóng dầu nườm nượp người và xe qua lại trên đường Nguyễn Tri Phương, Q.10. Một sạp hàng với đủ rau củ quả xanh xanh đỏ đỏ và đầy ắp người mua bán trong một cái chợ khu Chợ Lớn…
Còn khi Sài Gòn “bị ốm”, nhiều bức ảnh của Nguyên khiến nhiều người xúc động.
Những sợi dây giăng mắc nhiều hơn trong thành phố, những thanh âm bình thường phải nhường chỗ cho tiếng còi cứu thương, phố xá nhộn nhịp phải nhường chỗ cho những cửa sắt đóng kín, im lìm cả góc phố, tiếng cười hào sảng của muôn người nơi đây phải thay bằng ánh mắt âu lo sau lớp khẩu trang… Đó có lẽ là những bức hình cuối cùng 9X chụp được trước khi Sài Gòn giãn cách.
Sài Gòn là chợ sầm uất, là nhịp sống trong hẻm, là rộn rã những thanh âm. Ai cũng mong Sài Gòn mau trở lại những hình ảnh thương nhớ này...
|
Anh bộc bạch: “Cái thương Sài Gòn của tôi nó lớn lên từng ngày theo mình dzậy đó. Nhiều người hỏi tôi rằng có dự định gì cho Ở đâu cũng chụp không, tôi toàn cười bảo “Biết đâu, còn thương Sài Gòn thì còn Ở đâu cũng chụp, cứ túc tắc thương quài thương quài thui”.
Bình luận (0)