Đề xuất làm việc 40 giờ/tuần: Người trẻ nói gì?

25/10/2019 08:31 GMT+7

Phát biểu tại Quốc hội ngày 23.10, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng cần phải có lộ trình giảm giờ làm việc 40 giờ/tuần (5 ngày) trên cả nước. Đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến từ người trẻ.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, người ta đã chứng minh làm việc 40 giờ/tuần trở lên không đem lại hiệu quả lâu dài vì năng suất lao động không tăng. 
Từ đó, ông Nhân cho biết, ở Việt Nam hiện tồn tại 2 nhóm người: người làm cho nhà nước thì 5 ngày, doanh nghiệp thì 6 ngày, 48 giờ/tuần. Rõ ràng điều này không bình đẳng. Từ đó, ông Nhân đề xuất Việt Nam cần có lộ trình chuyển lao động 48 giờ xuống 40 giờ (5 ngày/tuần) trong vòng 10 năm. 
Trong khi đó, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đưa ý kiến tại Quốc hội về Bộ luật lao động sửa đổi, cho biết ở góc độ kinh tế, nếu giảm từ 48 giờ làm việc bình thường/tuần xuống 44 giờ/tuần, tổng thời gian làm việc bình thường sẽ giảm đi 208 giờ, tổng chi phí lao động tăng lên 17%, tổng giá trị xuất khẩu giảm 20 tỉ USD/năm. Quan trọng hơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ giảm đi 0,5%. Theo ông, các chuyên gia dự báo, để không rơi vào bẫy thu nhập thấp thì phải phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7%. Ông cho rằng đây là vấn đề hệ trọng, đề nghị Chính phủ nghiên cứu để giảm giờ làm vào thời điểm thích hợp.

Giao khoán để làm 5 ngày/tuần

Đánh giá về điều này, Lý Ngô (33 tuổi), chuyên viên marketing của một công ty chuyên về giáo dục, cho rằng việc giảm giờ làm trong khoảng 5 ngày (40 giờ/tuần) là điều cần thiết để người lao động có thể nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động và có thêm thời gian để chăm sóc cho bản thân, gia đình. Tuy nhiên, điều này nên đi kèm việc giao khoán công việc (trong ngày, trong tuần) thay vì tính thời gian.
"Hơn 10 năm làm việc cho nhiều công ty, tập đoàn trong và ngoài nước, tôi nhận ra rằng ý thức trách nhiệm và hiệu suất của người Việt vẫn rất thấp so với người phương Tây và ngay cả các bạn bè châu Á như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhất là trong khối nhà nước thì hiệu suất công việc càng thấp hơn. Vì vậy, hình thức giao khoán để gia tăng trách nhiệm và năng suất công việc nên đi kèm với phương án giảm giờ làm. Đó mới là cách làm tốt, vừa giúp người lao động có thời gian nghỉ ngơi vừa đảm bảo công việc cho công ty", Lý Ngô cho biết.
Trương Nguyễn Ngọc Bích, Phó trưởng phòng tuyển sinh - truyền thông, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho rằng làm việc 40 giờ hay 48 giờ không phải là vấn đề làm cho kinh tế mạnh hay yếu, mà nó nằm ở chỗ ý thức làm việc của người lao động chưa cao.
"Đặc biệt, khi đưa ra một quy định nào đó, người đại diện cho người lao động phải có cơ sở như tiến hành khảo sát nhiều thành phần người dân, khảo sát người sử dụng lao động... để có được cái nhìn toàn cảnh về thị trường lao động. Có như vậy mới có được sự ủng hộ, thống nhất của người lao động", Ngọc Bích cho biết.

Có lợi cho công nhân!

Theo ông Nguyễn Khoa Hồng Thành, Phó giám đốc Isobar, doanh nghiệp có nhiều loại, nhưng phần lớn vận hành theo cơ chế thị trường. Khi người lao động và doanh nghiệp thỏa thuận mức lương theo công việc thì số lượng giờ làm không còn quan trọng. Nhiều doanh nghiệp chỉ làm 5 ngày/tuần nhưng số lượng giờ làm vượt hơn nhiều so với 48 giờ/tuần. Điều này thấy rõ ở các doanh nghiệp làm dịch vụ.
"Đa số công nhân làm việc tại các doanh nghiệp sẽ nhận mức lương theo quy định của nhà nước, trong khi giờ làm việc thì phải theo "ông chủ", họ không đàm phán được về giờ làm thêm của mình. Việc quy định rõ ràng số lượng 40 giờ/tuần sẽ tốt cho công nhân. Vì khi đó, thời gian làm thêm công nhân sẽ được thanh toán rõ ràng hơn", ông Hồng Thành cho biết. 
Phạm Minh Luân (25 tuổi), đang làm cho một công ty Hàn Quốc tại KCN Long Hậu (H.Cần Giuộc, tỉnh Long An), cho biết các công nhân như anh hiện đang phải làm 12 giờ/ca. Mọi người thật sự quá mệt mỏi, không có thời gian nghỉ ngơi cùng gia đình. Vấn đề là khi vào làm, phải chấp nhận quy định này của công ty mà không thể thay đổi được. 
Anh Nguyễn Cảnh (28 tuổi), ngụ tại Q.8, TP.HCM, cho biết: "Tăng năng suất lao động, giảm giờ làm là xu thế của thế giới. Muốn có được điều này không còn cách nào khác là đổi mới công nghệ, đổi mới quản trị, để 8 giờ làm việc là 8 giờ thực làm chứ không phải là 1 giờ làm, 7 giờ ngôi lướt Facebook". 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.