Đi học khởi nghiệp rồi thành con nợ

19/11/2020 07:24 GMT+7

Nhiều bạn trẻ sau khi tham gia một lớp học khởi nghiệp từ người có tên Nguyễn Thái D., được mời gọi đầu tư hàng chục triệu đồng vào ứng dụng Aizan nhưng sau thời gian ngắn, ứng dụng biến mất, tiền cũng mất theo.

Nghe theo “thầy”, vay tiền để đầu tư

Mới tốt nghiệp đại học và chưa tìm được việc làm nên H.V.Đ (22 tuổi, tạm trú xã Mỹ Phước 2, TX.Bến Cát, Bình Dương) mong muốn khởi nghiệp. Khi nghe bạn bè giới thiệu về lớp học dành cho những người trẻ muốn khởi nghiệp, Đ. liền đăng ký. Khoảng giữa tháng 10, Đ. tham gia lớp học miễn phí của trung tâm B.T trên đường Điện Biên Phủ (P.15, Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Đứng lớp là một người có tên Nguyễn Thái D., tự xưng là tổ chức giáo dục, đào tạo, huấn luyện và tư vấn về kinh doanh, làm chủ doanh nghiệp.

Đầu tư qua ứng dụng Aizan là lừa đảo

Luật sư Lê Trung Phát (Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, TP.HCM) khẳng định vụ việc đầu tư tiền qua ứng dụng Aizan có dấu hiệu lừa đảo rất rõ ràng. Aizan lợi dụng chính sách lượt xem của mạng xã hội TikTok liên quan đến việc người quảng cáo sẽ phải bỏ tiền quảng cáo, để từ đó dụ dỗ người tham gia đăng ký để “like”, bình luận nhằm được hưởng công. Thế nhưng, từ phương thức các đối tượng này tạo ra cho thấy, nếu đúng bản chất kiểu như các mạng xã hội chia sẻ lợi nhuận thì người muốn chạy quảng cáo sẽ phải trả tiền nhiều hơn người đi nhận công việc “like” và bình luận.
Vì thế, không thể vì bất kỳ lý do nào mà có thể dễ dàng sập ứng dụng. Cho nên người bị hại cần kiến nghị cơ quan công an làm rõ mối quan hệ của ông D. với ứng dụng này như thế nào.
Kết thúc lớp học miễn phí, Đ. được ông D. giới thiệu chuẩn bị mở lớp “Làm chủ doanh nghiệp” với học phí 500.000 đồng trong 2 ngày. Đ. cũng đăng ký học tiếp để mong có nhiều kiến thức. Tuy nhiên, khi chuẩn bị kết thúc buổi học, Đ. lại nghe ông D. mời gọi tham gia nhiều lớp chuyên sâu về nhiều mảng khởi nghiệp hơn. Trong đó, một lớp học đầu tư ngắn hạn bằng hình thức đầu tư vào ứng dụng Aizan liên kết với mạng xã hội TikTok với học phí 500.000 đồng. Đ. cũng lại đóng tiền tiếp tục tham gia khóa học đầu tư này.
“Thầy chia sẻ với tôi là đang kiếm được nhiều tiền từ ứng dụng này. Thầy quảng cáo là người dùng TikTok nào muốn nổi tiếng sẽ trả phí cho mình khi mình “like” (thích) bài đăng của họ, và họ trả tiền quảng cáo lại cho mình. Thầy còn nói ai chưa có vốn, về mượn tiền ở nhà đầu tư, chỉ trong 19 ngày sẽ hoàn vốn”, Đ. phản ánh với phóng viên Thanh Niên.
Cuối cùng, Đ. vay mượn tiền bố mẹ, cầm giấy tờ xe, bán 2 chiếc nhẫn của mình để đầu tư 20.000.000 đồng vào ứng dụng. Tuy vậy, vào đầu tháng 11, ứng dụng bất ngờ “sập”. Đ. mất trắng số tiền trên. Ông D. im lặng với mọi người và cho rằng mình cũng là người bị hại và tiếp tục mở thêm nhiều lớp dạy khác. Sau đó, Đ. phải đi làm công nhân để kiếm tiền trả món nợ trên.
Còn L.T.T (32 tuổi, ngụ TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) cũng trải qua nhiều khóa học từ trung tâm của ông D., chỉ mong khởi nghiệp thành công. Nào ngờ bài học lớn nhất của T. là khoản nợ vay hơn trăm triệu đồng vì tin lời ông D. đầu tư tiền vào ứng dụng Aizan. Hiện tại, T. phải nhờ bố mẹ vay ngân hàng để trả món nợ đã mượn bạn bè đầu tư.
Đi học khởi nghiệp rồi thành con nợ

Sau thời gian nhận được nhiều tiền, ứng dụng Aizan bất ngờ thông báo đóng

ẢNH: PHẠM HỮU

Cẩn trọng với các ứng dụng đầu tư sinh lời

Ông Cao Trung Hiếu, nhà sáng lập điều hành Dân Trí Soft, nhận định môi trường internet hiện nay có rất nhiều ứng dụng trên điện thoại được giới thiệu là kiếm tiền dễ dàng bằng những hình ảnh ảo được dựng lên hoành tráng. Aizan là một trong số đó. Tuy vậy, nó đã bị “sập”, biến mất hoàn toàn chỉ sau khoảng 1 tháng hoạt động. Hậu quả làm nhiều người bị mất tiền oan.
Theo ông Hiếu, ứng dụng Aizan nói riêng và các ứng dụng đầu tư sinh lời lừa đảo về cơ bản là hoạt động theo mô hình đa cấp Ponzi, lấy tiền của người sau trả cho người trước, không tạo ra giá trị thực cho xã hội. Khi hệ thống đủ lớn, chủ ứng dụng sẽ biến mất cùng số tiền lớn đã lừa được từ chính người dùng.
Các ứng dụng kiếm tiền này luôn biết cách tạo dựng niềm tin với người thiếu hiểu biết, muốn kiếm tiền dễ dàng với chiêu thức như khởi nghiệp 4.0, kiếm tiền bằng nhiệm vụ “like - share” (thích và chia sẻ), giới thiệu bán sản phẩm nhưng thực tế là lừa đảo.
“Nhiều bạn trẻ học lớp khởi nghiệp nhanh rồi bị chính người thầy giới thiệu vào cái bẫy của Aizan để rồi mất tiền oan. Lời khuyên của tôi dành cho các bạn trẻ là khi chưa hiểu thấu đáo về câu hỏi “khởi nghiệp là gì?” thì đừng bao giờ lao vào con đường được những kẻ khác vẽ ra dễ dàng”, ông Hiếu nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.