Chàng trai 9X ở tỉnh Nghệ An thay mặt ông nội mình thực hiện lời hứa đồng hành cùng "bạn của ông nội" trong chuyến đi 25 ngày, dừng chân tại 20 tỉnh thành ở Việt Nam.
Bất chấp gia đình ngăn cản
“Tôi và ông đã ấp ủ chuyến đi này hơn một năm rồi, nhưng vì tình hình dịch Covid-19 năm ngoái phức tạp nên tạm hoãn lại. Đầu năm nay, tôi nhận thấy tình hình dịch bệnh ổn định hơn nên trước tết đã về quê và cùng ông Hỏa thảo luận về chuyến đi”, Đạt kể lại.
Ban đầu, bố mẹ, bạn bè của Đạt và vợ con ông Hỏa đã ngăn cản vì lo ngại về tuổi tác, sức khỏe của ông lão. Bất chấp sự can ngăn của mọi người, Đạt tự lái xe hơi chở “bạn của ông nội” đi, bắt đầu cuộc hành trình vào đầu tháng 4.
Trước khi đi, ông Hỏa để lại một bức thư với nội dung cho rằng chuyến đi là tâm nguyện cuối cùng của ông và ông sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro. Ông Hỏa mang theo cả bộ đồ và ba lô ngày xưa lúc còn đi bộ đội.
|
|
Đi đến đâu, nghỉ đến đó
“Tôi không chuẩn bị lịch trình, chỉ nghĩ rằng tôi lái xe đến đâu thì nghỉ đến đấy, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của ông Hỏa. Lúc đầu, tôi dự định chỉ đi 4-5 ngày để xem ông và tôi có thể chịu được cường độ di chuyển như thế không vì bản thân tôi cũng không có kinh nghiệm đường dài. Nếu không thể thì chúng tôi sẽ sớm kết thúc chuyến đi. Cuối cùng là cả ông cháu quyết tâm hoàn tất hành trình này”, Đạt chia sẻ.
Để tiết kiệm chi phí, hai người chỉ thuê phòng nhỏ để nghỉ lại trong suốt hành trình. Bên cạnh đó, Đạt luôn kiểm tra sức khỏe cho ông và chọn nhà nghỉ hay khách sạn gần với bệnh viện.
Đạt chia sẻ: “Ông là một người rất tinh tế nên cả hai cho nhau khoảng thời gian rất riêng tư để thoải mái thực hiện công việc cá nhân. Tôi cảm thấy ông hiểu mình còn hơn bố mẹ”.
|
Trong suốt hành trình, Đạt và ông Hỏa trao đổi nhiều vấn đề mà cả hai đều quan tâm từ âm nhạc, lịch sử, văn hóa vùng miền cho đến nghĩa trang liệt sĩ, di tích lịch sử, chùa chiền, bảo tàng,…xóa đi khoảng cách về thế hệ.
Bước chân đến miền Nam, Đạt và ông Hỏa đã nhận ra nhiều điều khác biệt so với miền Bắc, từ khí hậu cho đến con người đều mang những nét riêng.
“Đôi lúc ông cháu không quen món ăn ở miền Nam vốn có vị hơi ngọt hơn, nhưng bù lại giá rẻ và hợp lý. Khi tôi mua bất kỳ một món hàng gì, tôi luôn được miễn phí thêm nụ cười rất tươi. Đây là sự ấm áp của người dân nơi đây”, Đạt bộc bạch.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất
Trong suốt chuyến đi, kỷ niệm đáng nhớ nhất là lúc hai ông cháu dừng chân tại nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 nằm ở TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
Đứng tại khu vực những mộ của các liệt sĩ chưa biết tên, Đạt và ông Hỏa đều bùi ngùi và xúc động.
|
|
|
“Khi đó, ông Hỏa đã lấy cây đàn violin kéo một bản nhạc tên là “Quê hương” mong gia đình liệt sĩ có thể sớm tìm được các anh để đoàn tụ”, Đại kể lại.
Cuối cùng, Đạt và “bạn của ông nội” đã đạt được mục tiêu là vào thăm được mảnh vườn của ông tại tỉnh Bình Phước. Tuy ông Hỏa đã bán mảnh vườn cho người khác cách đây 10 năm trước nhưng vẫn muốn ôn lại kỷ niệm gắn với mảnh đất này.
Bình luận (0)