Lê Thiên Trang và Lê Phạm Hoàng Tấn (22 tuổi, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) là chủ nhân của ý tưởng độc đáo nén bã cà phê khử mùi nhà vệ sinh. Hiện tại với sản phẩm độc đáo này, nhóm cũng đã xuất sắc lọt vào vòng chung kết của cuộc thi khởi nghiệp HUTECH Startup Wings 2020.
Ý tưởng nảy ra khi đi làm thêm
Dù học cùng ngành và cùng trường nhưng Trang và Tấn chưa một lần quen biết nhau trước đó, mãi cho đến khi cả 2 vô tình cùng đi làm thêm tại một quán cà phê gần trường, và cũng từ đó cả 2 đã hỗ trợ để cùng nhau nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm viên nén bã cà phê khử mùi nhà vệ sinh.
|
“Câu chuyện của tụi mình bắt nguồn từ khi hai đứa cùng làm thêm tại một quán cà phê và khi thấy mỗi ngày quán thải ra ngoài một lượng bã cà phê khá lớn nhưng chỉ được đưa lên xe rác và không có mục đích tái chế sử dụng. Tụi mình nhận thấy như vậy vừa hoang phí và vừa có thể gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, khách hàng phàn nàn về việc mùi hôi trong nhà vệ sinh mặc dù tụi mình được phân công dọn dẹp mỗi ngày nhưng nhà vệ sinh vẫn bị ám mùi khó chịu”, Trang chia sẻ.
|
Từ lý do đó và là sinh viên ngành môi trường, Trang và Tấn cảm thấy bản thân nên góp một phần nhỏ để giúp môi trường trở nên tốt hơn. Thế là, Trang đã đưa ra ý tưởng và rủ Tấn cùng hợp tác để có thể tái sử dụng bã cà phê làm viên nén khử mùi cho nhà vệ sinh.
Trang cho biết bình thường ở quán khi bán xong cũng sẽ sử dụng lại một phần bã cà phê nhỏ bỏ vào tủ lạnh để khử mùi hôi trong tủ lạnh nhưng nếu để lâu quá cà phê sẽ bị mốc do trong bã cà phê vẫn còn nước. Chính vì thế, Trang và Tấn mới nghiên cứu để làm sao cho bã cà phê giữ lại trong môi trường được lâu hơn. Và ý tưởng làm viên nén bã cà phê Clear Coffee của nhóm ra đời.
Sản phẩm độc đáo
Chia sẻ về lý do làm thành dạng viên nén, Tấn cho biết vì dạng viên nén khi sử dụng xong sản phẩm thì có thể thu hồi một cách dễ dàng và mang tính thẩm mỹ cao hơn.
Ưu điểm cũng như cơ chế khử mùi của viên nén là hoàn toàn dựa vào mùi hương vốn có của cà phê và dựa trên cơ chế hấp thụ có sẵn của cà phê để khử mùi chứ hoàn toàn không sử dụng hóa chất tạo mùi.
|
“Hiện tại tụi mình thấy ở các nhà vệ sinh hay sử dụng viên long não để khử mùi, tuy nhiên theo mình tìm hiểu thì nếu sử dụng long não trong thời gian dài thì sẽ ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của con người, vì bình thường long não là dùng để đuổi chuột, đuổi gián… Hơn nữa, các loại khử mùi khác thì thông thường chỉ có mùi hương, còn viên nén cà phê thì ngoài mùi hương tự nhiên của cà phê, còn có thêm ưu điểm là hấp phụ hết mùi. Bên cạnh đó, so với các loại sản phẩm khác trên thị trường thì viên nén của nhóm tụi mình có giá thành hoàn toàn rẻ hơn nhưng chất lượng thì không thua kém”, Trang chia sẻ.
Theo Trang thì viên nén bã cà phê này có thể xài để treo trong nhà vệ sinh, hoặc đối với nhà vệ sinh nam thì có thể đặt trên mặt của toilet để khi tiếp xúc trực tiếp với nước tiểu thì độ hấp phụ mùi của viên nén sẽ xảy ra nhanh hơn là để ngoài không khí.
|
Để làm được viên nén này thì Tấn cho biết bã cà phê sau khi mang về phải sơ chế trước, sau đó qua một số công đoạn bằng máy móc rồi mới đến khâu cuối cùng là ép viên.
“Hiện tại tụi mình sử dụng máy móc theo quy mô trường, còn những máy móc nào chưa có thì nhóm sẽ làm thủ công. Như công đoạn ép viên cuối cùng thì nhóm phải làm thủ công, do máy để làm công đoạn này thì quá mắc so với túi tiền của tụi mình”, Tấn bày tỏ.
Để làm được dự án này thì Trang và Tấn nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ nhiệt tình từ một thầy trong khoa và quán cà phê nơi cả 2 làm thêm.
“Khi tụi mình nói ra ý tưởng này thì chủ quán rất là thích, đặc biệt là các nhân viên trong quán. Vì nếu làm thành công thì từ nay sẽ đỡ phải dọn nhà vệ sinh nhiều lần mà vẫn không có mùi, thêm vào đó là mỗi ngày tụi mình lấy bã cà phê về để làm dự án thì các nhân viên của quán đỡ phải đi đổ bã cà phê”, Trang chia sẻ.
Qua dự án này Trang và Tấn muốn nhắn gửi: “Mong rằng mọi người ngày càng hướng đến những sản phẩm từ thiên nhiên. Sẽ quan tâm và ủng hộ các sản phẩm xanh như sản phẩm viên nén bã cà phê khử mùi nhà vệ sinh mà nhóm đang làm. Điều đó sẽ góp phần làm giảm các chất độc hại cũng như rác thải ra môi trường”. Sắp tới nếu sản phẩm được đón nhận thì Trang và Tấn cũng mong muốn sẽ khởi nghiệp với dự án này.
Bình luận (0)