Đời những đứa trẻ múa lửa 16 tuổi đã có con

17/11/2019 08:23 GMT+7

Cứ vào khoảng 21 giờ, khi phố đi bộ Bùi Viện (TP.HCM) trở nên đông đúc cũng là lúc những đứa trẻ múa lửa khoảng 14 - 15 tuổi bắt đầu cuộc mưu sinh.

Mang bộ đồ nghề, mỗi đứa trẻ chia nhau mỗi ngả, len lỏi vào các quán xá đang nhộn nhịp tiếng nhạc.

Lọ nhôm đựng tiền của những đứa trẻ mưu sinh

Khánh Nguyễn

"Đi học không có ai kiếm tiền nuôi gia đình"

“Bố em đi tù rồi, còn mẹ em cũng bỏ em đi, nên em sống một mình. Em còn phải nuôi đứa em nữa. Lúc trước em đi xin tiền nhưng không đủ sống, thế là mấy đứa bạn rủ em đi múa lửa. Những cái này em đều tự học, nhìn theo và bắt chước mấy đứa bạn chứ không ai chỉ cho hết”, T. kể về câu chuyện của mình.
Bắt đầu lao động khi đêm xuống, phải lê la hàng giờ trên đường phố, chấp nhận đánh đổi sức khỏe, nhưng không phải lúc nào những đứa trẻ này cũng đủ tiền để trang trải.
“Cái lon thì em mua 3.000 đồng, lít dầu hỏa mười mấy ngàn, còn 2 cái cây để thổi lửa cũng độ chục ngàn đồng, ba lô đựng đồ thì em đi xin hoặc lượm ở đâu đó rồi về dùng. Dù gì làm nghề này cũng đỡ tốn kém hơn là đánh giày vì đồ đánh giày thì mắc lắm, em không mua nổi”, H. (14 tuổi) tâm sự.
“Mấy đứa tụi em ở đây nhỏ nhất là 12, lớn nhất là 17 tuổi. Thuê một phòng trọ ở chung với nhau. Buổi tối tụi em ra đây làm từ 21 - 24 giờ, hôm nào còn sức thì làm đến 2 - 3 giờ sáng về. Ban ngày tụi em ngủ hoặc đi chơi game thôi chứ không có gì để làm hết. Mấy đứa nhỏ ở đây, hầu như là đã nghỉ học. Có đứa học đến lớp 2, có đứa cố lắm thì đến lớp 5 thì bỏ hẳn. Tụi em cũng được gửi vào trường mồ côi, được dạy học nhưng ở đó bị bạn bè bắt nạt và đánh dữ quá nên tụi em bỏ trốn. Với lại nếu đi học, không có ai kiếm tiền để nuôi gia đình”, T. nói trong khi chỉ tay về những đứa nhỏ nhất đám, chỉ khoảng 10 - 11 tuổi.
 

Hàng đêm, các em đều "làm bạn" với lửa

Khánh Nguyễn

Chỉ cần hôm nay "đủ no" là may!

Ngoài T., còn có những thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt như L. (16 tuổi). Trên tay bế đứa bé khi trên vai vẫn là bộ đồ nghề múa lửa, L. nhanh miệng : “Con em đấy, được 7 tháng rồi. Ban ngày thì em ở nhà trông nó, tối đi làm thì mang ra cho bà ngoại giữ”, vừa dứt lời, L. giao đứa bé cho mẹ của mình rồi lao vào cuộc mưu sinh hằng đêm đang thúc giục.
Chồng của L., một cậu trai chững chạc hơn so với tuổi 17, cũng làm nghề múa lửa, cho biết: “Hai vợ chồng tụi em buổi tối múa lửa cũng đủ nuôi hai miệng ăn và lo cho bé. Hôm nào không đủ thì nhờ vào bà ngoại, bà cố của bé. Em và vợ không dám gửi bé đi nhà trẻ vì xem trên mạng thấy người ta đánh ghê quá”.
Ở lứa tuổi đáng ra phải đi học, đi chơi thì những đứa trẻ này phải lao mình vào những cuộc mưu sinh để kiếm sống. Các em không có lựa chọn nào khác khi kiến thức không có, tuổi đời còn quá trẻ, buộc phải “bước ra lăn lộn với đời”. Một cuộc mưu sinh chỉ cần hôm nay “đủ no” đã là may, không cần biết ngày mai sẽ ra sao.
Thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, các em bất chấp mọi rủi ro để sinh nhai bằng việc ngậm dầu hỏa, thổi lửa. “Tối nào cũng đi thế này nên sức khỏe em yếu lắm. Mấy hôm nay em thiếu ngủ, người cứ lờ đờ, không được tỉnh táo. Còn việc ngậm dầu hỏa hay thổi lửa đến giờ em chưa thấy mình bị đau họng hay đau bệnh gì trong người hết, chắc là chỉ thiếu ngủ thôi”, T. kể.
Dưới ánh đèn đêm, bóng các em hắt dài trên mặt đường, lụi cụi với bộ đồ nghề và ánh lửa bập bùng rọi trên những khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi. Trong cuộc mưu sinh của mình, tương lai là một điều gì đó vô định mà các em không đoán biết trước được và cũng không muốn nghĩ tới. “Làm gì cũng được, miễn có tiền là được ạ”, T. kết luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.