Như Báo Thanh Niên đã đưa tin, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, UBND TP.HCM ra công văn khẩn yêu cầu tạm đóng cửa địa điểm ăn uống, làm đẹp, hớt tóc… từ 18 giờ hôm qua .
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu tạm dừng các hoạt động vui chơi giải trí, nhà hàng, quán beer club; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có công suất phục vụ từ 30 người trở lên, câu lạc bộ bida, phòng gym, cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc trên địa bàn thành phố kể từ 18 giờ ngày 24.3 đến hết ngày 31.3.
Qua những thông tin trên, nhiều người trẻ cho rằng đây là khoảng thời gian để họ “sống chậm” lại, lắng nghe bản thân của mình nhiều hơn.
Trọn vẹn bữa cơm gia đình
Anh Nguyễn Văn Linh, 32 tuổi trú ngụ tại hẻm 451/11 Tô Hiến Thành, P.14, Q.10, TP.HCM, tâm sự “sống chậm” không phải là làm mọi việc với tốc độ chậm hơn bình thường mà là chúng ta cảm nhận được một cách sâu sắc những gì đang xảy ra xung quanh mình, những việc mình đang làm. Chính điều đó sẽ khiến mọi thứ trở nên ý nghĩa hơn.
Đại dịch Covid – 19 xảy ra, mọi hoạt động vui chơi giải trí, tụ tập đông người đều bị tạm hoãn. Thời điểm này chúng ta sẽ có cơ hội quan tâm gia đình cũng như chăm sóc bản thân nhiều hơn. Nấu một bữa cơm, pha một ấm trà, hay gia đình cùng sum họp tâm sự với nhau cũng là một cách "sống chậm". Hoặc chúng ta tự dành thời gian cho mình luyện tập thể thao, đọc sách, dọn dẹp nhà cửa,... tạo cho mình những lối sống lành mạnh, thư giãn để "lạc quan" mà chống dịch.
Các tụ điểm làm đẹp, giải trí tạm đóng cửa vì dịch Covid -19 đối với chị Nguyễn Thị Thùy Lam, làm truyền thông tại một công ty trên đường 3 Tháng 2, Q.11, TP.HCM, là một "ác mộng" vì chị Lam thường hay rủ bạn bè tụ tập vui chơi mà nay lại đột phải ngưng lại.
|
Tuy nhiên chị Thùy Lam cho biết: “Đây là một việc làm đúng đắn của thành phố trong việc ngăn ngừa và phòng tránh dịch Covid - 19. Trong thời gian này tôi sẽ phải “sống chậm”, nhìn lại bản thân mình một chút, xem mình đã làm được gì trong thời gian qua, có làm ai thất vọng hay buồn không? Bên cạnh đó dành thời gian với gia đình, nhất là việc chạy xuống bếp phụ mẹ nấu cơm, nếm thử đồ ăn của mẹ nấu, việc làm mà mình đã bỏ cách đây vài năm."
Trong khi đó, chị Lê Ngọc Thanh Hà, 30 tuổi công tác tại Nhà văn hóa Sinh viên Q.3, TP.HCM, chia sẻ: "Trước khi chưa có dịch Covid – 19, mỗi lần làm về là mình đi cà phê với bạn bè, lân la ngoài đường rồi thấy gì ăn đó. Nhưng từ khi có dịch công việc bị trì trệ nên mình sống tiết kiệm, ngủ nghỉ đúng giờ giấc.Trong tuần tới mình sẽ nấu bữa cơm với những món chay lành mạnh, mong muốn ai trong gia đình cũng có nhiều sức khỏe đồng thời mình được tâm sự với ba mẹ nhiều hơn”.
Cơ hội liên lạc với những người bạn cũ
Chị Nguyễn Huỳnh Trang Đài, 23 tuổi, biên tập viên tại Công ty cổ phần công nghệ truyền hình Sài Gòn Phim TP.HCM, cho rằng ngoài phòng bệnh cho bản thân và xã hội, một tuần "cấm túc" này còn là cơ hội để chúng ta “sống chậm” lại hơn trong suốt bao năm vội vã mưu sinh vì cơm áo gạo tiền.... "Ở nhà ta có thể dành thời gian cho bản thân nhiều hơn như chăm sóc da, tập yoga, và dành thời gian trò chuyện, video call với những người bạn cũ mà rất lâu rồi đã lướt qua nhau vì bận rộn", Trang Đài đặt ra kế hoạch.
|
Giống như Trang Đài, Nguyễn Ngọc Thanh Huy, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho biết, trong những ngày nghỉ học vì dịch Covid – 19 mình có nhiều thời gian để kết nối lại các bạn cũ qua nhắn tin.
"Không phải đợi quyết định đóng cửa địa điểm ăn uống, làm đẹp, giải trí...mà bản thân mình đã chủ động ở nhà hạn chế đi ra ngoài và tuyệt đối không đến những nơi đông người để bảo vệ sức khỏe . Do đó, mình có nhiều thời gian cho bản thân, sau việc học online, hay đọc sách mình thường xuyên nhắn tin với những bạn cũ THPT để hỏi thăm cuộc sống, sức khỏe. Lúc đầu nhắn tin lại với nhau còn e ngại, quen dần thì...toàn "tám" chuyện trên trời dưới đất, tưởng không thân ai ngờ thân không tưởng", Thanh Huy chia sẻ
Bình luận (0)