Dùng kiến thức chuyên môn để khởi nghiệp

19/10/2019 20:33 GMT+7

'Sau khi tốt nghiệp đại học , em sẽ dùng kiến thức chuyên môn của mình để khởi nghiệp chứ không vác đơn đi xin việc. Bước đầu khởi nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng em sẽ cố gắng để vượt qua'.

Đó là những chia sẻ của Lê Thị Thiện, sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tại Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM (WHISE 2019) diễn ra vào ngày 19.10.

Cơ hội để học hỏi nhiều điều

Thiện cho biết thêm: "Mặc dù đang còn học nhưng khi biết được thông tin chỗ nào có ngày hội liên quan đến khởi nghiệp là em dành thời gian tìm đến tham quan các mô hình khởi nghiệp của người trẻ để xem về cách làm dự án khởi nghiệp của họ như thế nào. Đặc biệt, tại những ngày hội khởi nghiệp, sáng tạo như thế này thường có những doanh nhân thành đạt chia sẻ kinh nghiệm về cách làm dự án, góp ý trên từng mô hình khởi nghiệp rất cụ thể. Và em xem đây là cơ hội để mình có thể học hỏi được rất nhiều điều, tích lũy kiến thức về khởi sự kinh doanh cho bản thân...".

Mô hình khởi nghiệp về trồng rau sạch giới thiệu tại chương trình

Lê Thanh

Cũng giống như Thiện, Nguyễn Tuấn Thành, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng: “Mình nghĩ, với sinh viên có mong muốn khởi nghiệp sau khi ra trường thì không cần học đâu cho xa xôi, mà hãy học ngay từ những mô hình khởi nghiệp của các bạn trẻ trưng bày tại ngày hội khởi nghiệp này. Bởi vì, để có những mô hình trình khởi nghiệp thành công bước đầu mà các bạn trẻ 'trình làng' tại đây thì họ đã vượt qua muôn vàn khó khăn chứ không hề đơn giản”.
Là người quan tâm đến các mô hình khởi nghiệp liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, Nguyễn Thế Tiến, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nói: “Theo mình, bài học trong các dự án khởi nghiệp là học từ những điều thực tế mà họ đã làm để tránh những sai sót. Từ đó, mỗi người sẽ có kinh nghiệm cho riêng mình, tránh được những va vấp".

Sớm đưa TP.HCM trở thành thành phố đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp

WHISE 2019 là nơi tập hợp hàng loạt sự kiện về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM cũng như những vấn đề mới nhất liên quan đến vai trò của ứng dụng khoa học - công nghệ trong xây dựng và phát triển thành phố đổi mới sáng tạo và đô thị thông minh.

Bạn trẻ tìm hiểu về các mô hình khởi nghiệp liên quan đến áp dụng công nghệ

Lê Thanh

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ TP.HCM, thành phố xác định mô hình phát triển bền vững theo hướng kinh tế tri thức và tăng trưởng xanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo. Trong năm qua, với định hướng xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh và đô thị sáng tạo, TP.HCM đã ban hành và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hành động, với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, đồng bộ. Các hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đã góp phần tăng cường năng lực và sự liên kết hợp tác giữa các thành phần trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của thành phố; tạo sức lan tỏa mạnh mẽ từ cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo đến toàn xã hội.

Bạn trẻ trao đổi với các chủ mô hình khởi nghiệp

Lê Thanh

Ông Dũng chia sẻ: “WHISE 2019 thể hiện cam kết của chính quyền TP.HCM trong việc kiến tạo, hỗ trợ và đồng hành cùng cộng đồng khởi nghiệp, sớm đưa TP.HCM trở thành thành phố của đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trong cả nước và khu vực”.
WHISE 2019 do Sở Khoa học-Công nghệ TP.HCM và Thành đoàn TP.HCM thực hiện dưới sự chủ trì của UBND TP.HCM và Đại sứ quán Phần Lan.
WHISE 2019 có các sự kiện như: Diễn đàn giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm thảo luận, thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí của đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp, quan điểm của Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp (Đề án 1665); Ký kết và công bố Liên minh giáo dục 4.0 để chia sẻ ứng dụng công nghệ, tư duy đổi mới sáng tạo và công tác đào tạo, giáo dục và kinh doanh giáo dục.
Ngoài ra, tại WHISE 2019 cũng diễn ra các hội thảo chuyên sâu: Mô hình hoạt động và vận hành câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo cho sinh viên tại các trường đại học; Các giải pháp sáng tạo từ Phần Lan hướng tới TP.HCM; giới thiệu công nghệ in 3D và ứng dụng công nghệ in 3D trong nghiên cứu, giáo dục, thiết kế, phát triển sản phẩm…
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.