Đường lên đỉnh Olympia: Chu Quang Trường tiếp thêm động lực cho nhiều học sinh

26/02/2018 13:59 GMT+7

Việc Chu Quang Trường, một học sinh có học lực tiên tiến, không học trường chuyên vào chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia 2018 đã tạo thêm động lực cho học sinh trường khác tham gia và lập những thành tích ấn tượng trong cuộc thi này.

Chu Quang Trường (HS Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP.HCM) đã xuất sắc giành vòng nguyệt quế cuộc thi quý 2, chương trình Đường lên đỉnh Olympia 2018, để đem cầu truyền hình trực tiếp về với TP.HCM.
Việc Chu Quang Trường lọt vào chung kết năm cuộc thi năm nay khiến nhiều người ngưỡng mộ vì kiến thức rộng mà em có được, bản lĩnh của học sinh này, cũng như có khả năng xuất sắc trong môn Anh văn.
Bên cạnh đó vẫn có nhiều người bất ngờ và thắc mắc bởi "không hiểu vì sao học sinh của một trường không quá nổi tiếng ở TP.HCM lại tạo nên tiếng vang như vậy?", hay "tưởng Chu Quang Trường là học sinh của trường chuyên"...
Nhìn lại suốt 17 năm qua, TP.HCM đã có 8 học sinh góp mặt trong chung kết năm, phần lớn là học sinh của các trường "top" như: 2 học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, 5 học sinh Trường Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) và chỉ có một học sinh của Trường THPT Gò Vấp.
Không phải học sinh của trường không chuyên là không giỏi

Em Chu Quang Trường, giành suất vào tham gia cuộc thi chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia năm 2018 là một kết quả đáng tự hào. Điều đó tiếp thêm động lực cho học sinh các trường khác, thôi thúc học sinh dù đang ở trường không chuyên hay chuyên đều có quyền hy vọng sẽ được tham gia và lập những thành tích ấn tượng ở Đường lên đỉnh Olympia

Ông Nguyễn Lâm Quang Thoại, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt

Lý giải điều này, ông Trần Đức Thành, Hiệu trưởng THPT An Dương Vương (TP.HCM) cho rằng: "Trường chuyên là nơi quy tụ nhiều học sinh giỏi. Nhưng ở các trường không chuyên vẫn có những cá nhân đặc biệt xuất sắc. Thành tích của Chu Quang Trường không có gì bất ngờ. Không phải học sinh của trường không chuyên là không giỏi, không thông minh. Dù ở trường nào đi chăng nữa thì vẫn có những học sinh nổi bật".
Ông Thành cũng nói thêm: "Nhiều học sinh giỏi, thậm chí rất giỏi, nhưng vì không muốn áp lực học tập, không muốn học chuyên nên chọn những trường bình thường để học".
Ông Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) thì cho rằng mỗi học sinh có những mục đích, sự lựa chọn khác nhau, và cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia chỉ là một trong số đó.
"Có nhiều học sinh chú tâm muốn đạt được mục đích đậu đại học, có học sinh đặt mục tiêu đạt học bổng ở nước ngoài, thế nên không phải cứ là học sinh trường chuyên thì mới có thể đạt thành tích cao trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, mà học sinh trường nào cũng có thể có được những kỳ tích ở cuộc thi này", ông Nghi nói.
Ông Nguyễn Lâm Quang Thoại, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, cho rằng: "Đặc thù của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia là tập hợp kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Không chỉ gói gọn trong sách giáo khoa, càng không phải là kiến thức chuyên sâu, mà là kiến thức rộng. Chính vì thế không phải học sinh trường chuyên thì có lợi thế trong cuộc thi này. Mà với bất kỳ học sinh ở trường nào, nếu có đam mê, năng khiếu và yêu thích nghiên cứu, tìm hiểu..., cũng như được học trong một trường có định hướng cho học sinh tham gia sân chơi này thì cũng có thể đạt được những kết quả cao trong Đường lên đỉnh Olympia".
Nhiều vị hiệu trưởng các trường THPT ở TP.HCM cũng thừa nhận việc Chu Quang Trường, học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q.Tân Bình, TP.HCM) giành suất vào tham gia cuộc thi chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia năm 2018 là một kết quả đáng tự hào. "Điều đó tiếp thêm động lực cho học sinh các trường khác, thôi thúc học sinh dù đang ở trường không chuyên hay chuyên đều có quyền hy vọng sẽ được tham gia và lập những thành tích ấn tượng ở Đường lên đỉnh Olympia", ông Thoại nói thêm.
Theo đuổi đam mê sẽ thành công
Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng Chu Quang Trường chỉ mới học lớp 11. Và sẽ càng ngạc nhiên hơn nữa khi học sinh này không phải là học sinh giỏi, mà là học sinh tiên tiến.
Ông Nguyễn Tỷ Chế Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, thú thật: "Việc Trường lọt vào chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia 2018 cũng khiến tôi và nhiều giáo viên bất ngờ. Bởi lẽ học sinh này là học sinh tiên tiến, trong khi ở trường có hàng trăm học sinh giỏi".
Tuy nhiên, theo ông Đạt, Trường thành công ở Đường lên đỉnh Olympia bởi vì "Trường quá đam mê. Em không có một đam mê nào khác ngoài cuộc thi này. Em mê từ nhỏ. Hỏi gì liên quan đến cuộc thi này, tên thí sinh các năm trước, ai đạt giải... tất cả mọi thứ liên quan, em đều rành rọt. Em đam mê đến mức đó nên đã chuẩn bị cho cuộc thi từ rất sớm. Say mê nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức... và xuất sắc giành vòng nguyệt quế ở cả 3 cuộc thi tuần, tháng, quý".
"Từ những thành tích mà Trường đạt được, nhiều học sinh có thể xem đó là động lực để phấn đấu, cố gắng hơn trong học tập và chinh phục ước mơ, đam mê của mình", ông Đạt nói thêm.
Chu Quang Trường kể: "Em đam mê từ nhỏ và đã chuẩn bị cho cuộc thi này từ lâu lắm rồi. Ngày em đăng ký tham gia, nhiều người bất ngờ. Thí sinh tham gia Đường lên đỉnh Olympia phải là học sinh giỏi, em chỉ là học sinh tiên tiến, nhưng may mắn vượt qua vòng sát hạch, sau đó được thi liền và giành được nhiều chiến thắng".
Bằng câu chuyện của mình, Chu Quang Trường chia sẻ: "Nếu có đam mê và biết theo đuổi thì sẽ thành công".
Được biết một trong những thần tượng của Trường, cũng là người mà học sinh này muốn diện kiến nhất, chính là "cậu bé Google" Phan Đăng Nhật Minh, người đã lên đỉnh Olympia 2017. Chu Quang Trường hy vọng cũng sẽ đạt thành tích giống như thần tượng của mình trong chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia 2018.
Trường THPT Gò Vấp, 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.