Nửa đêm 1 hay 2 giờ sáng, F0 gọi điện cho bác sĩ cầu cứu: “Bác sĩ ơi cứu tôi với, cho tôi đi bệnh viện chứ tôi nặng lắm rồi”, nhưng khi kiểm tra tất cả các chỉ số thì đều bình thường, chỉ có một cái bất thường đó là tâm lý, do bệnh nhân quá lo lắng. Nhưng cũng có những F0 chỉ số SpO2 tụt và có dấu hiệu chuyển nặng, bác sĩ chỉ định và báo đội cấp cứu đến chuyển đi bệnh viện thì một mực quả quyết: “Tôi không đi. Tôi khỏe thế này mà đi bệnh viện làm gì”…Muôn kiểu F0 cũng là một trong những áp lực vô hình cho các y bác sĩ trong đội hình theo dõi, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà.
Bác sĩ Nguyễn Phước Vĩnh, giảng viên Bộ môn giải phẫu Trường ĐH Y Dược TP.HCM, là một trong những bác sĩ đang tham gia trong đội hình theo dõi, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà do khoa Y Trường ĐH Y Dược TP.HCM tổ chức, đã kể với phóng viên Thanh Niên về những buồn, vui trong suốt quá trình đồng hành cùng F0 điều trị tại nhà.
|
Giống như tổng đài trực chiến
Bác sĩ Vĩnh cho biết gần 2 tháng nay, dù vẫn làm công việc ở cơ quan bình thường nhưng cũng vừa nhận nhiệm vụ theo dõi, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà 24/24.
“Mỗi ngày, ngoài việc mình thường xuyên gọi điện để nắm được tình hình sức khoẻ của bệnh nhân F0 thì bất cứ lúc nào bệnh nhân có vấn đề gì cũng có thể gọi cho mình, nên dường như là ôm điện thoại suốt, đi ngủ cũng để điện thoại ngay bên cạnh mà lâu lâu vẫn giật mình tỉnh dậy để kiểm tra tin nhắn xem có bệnh nhân nào nhắn không, vì cứ sợ mình ngủ quên rồi bỏ nhỡ”, bác sĩ Vĩnh kể.
Việc được ngủ đủ giấc hay ăn trọn bữa là điều quá xa xỉ với tất cả các bác sĩ tham gia vào đội hình theo dõi F0 từ xa này, thậm chí rất nhiều đêm họ không thể ngủ được vì vừa đặt máy xuống là bệnh nhân gọi, mới xong một bệnh nhân thì chuông điện thoại lại reo.
“Có những ngày bệnh nhân gọi liên tục, không thể rời được điện thoại dù là đêm khuya. Nhưng nhiều khi nửa đêm họ gọi chỉ là thấy mình có những triệu chứng lạ chứ không hẳn là bệnh chuyển nặng. Chẳng hạn như có hôm 2 - 3 giờ sáng, bệnh nhân mất mùi, mất vị giác rồi hốt hoảng gọi điện: “Bác sĩ ơi, sao giờ tôi không ngửi được mùi gì hết”. Đó là những triệu chứng mà người mắc Covid-19 thường gặp phải nhưng do bệnh nhân không hiểu được diễn tiến của bệnh nên sẽ hoang mang khi xuất hiện những triệu chứng lạ. Thế là dù đang đêm khuya, bệnh nhân cũng cầm máy lên gọi cho mình và mình cũng phải giải thích cặn kẽ để bệnh nhân hiểu, cũng như là trấn an tinh thần bệnh nhân. Thế là bị mất giấc ngủ và nhiều đêm không ngủ lại được nhưng mình cũng không thể nào từ chối các cuộc gọi từ bệnh nhân”, bác sĩ Vĩnh kể.
|
Trước đây, ngày thường khi hết giờ làm việc là bác sĩ Vĩnh thường không nghe điện thoại số lạ. Nhưng trong thời điểm hiện tại, số nào bác sĩ cũng phải nghe. Nên nhiều khi bác sĩ Vĩnh kể cũng bực bội vì bắt máy lên là tư vấn bất động sản, tư vấn ngân hàng…nhưng không bao giờ bác sĩ Vĩnh dám bỏ nhỡ cuộc gọi nào, mà phải nghe hết, vì sợ bệnh nhân đang cần mình.
Cũng chính vì thế, một điều khó tránh khỏi là rất dễ bị stress, và sự thật, tất cả các bác sĩ tham gia nhận nhiệm vụ theo dõi, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà, họ đều đã phải trải qua những ngày rất căng thẳng.
“Mấy ngày đầu mình bị stress luôn vì không ngủ được. Cứ nằm chút xíu là có điện thoại đến. Lúc đầu stress quá mà mình tự hỏi: “Trời ơi, sao mà áp lực kinh khủng vậy”. Vì mình không thể tưởng tượng được là công việc này lại giống như tổng đài cấp cứu 115 mà trực chiến vậy đó. Bệnh nhân gọi đến liên tục và mình cũng phải xử lý liên tục. Nhưng từ từ rồi cũng quen, làm riết rồi quen dần với công việc, với căng thẳng”, bác sĩ Vĩnh tâm sự.
Không riêng gì bác sĩ Vĩnh, mà tất cả các bác sĩ khác đều như vậy. Nhưng mỗi ngày họ luôn cố gắng, tất cả đều hướng đến mục đích chung là làm sao để giúp y tế các quận đang quá tải, giúp các gia đình F0 được an tâm, không hoảng loạn điều trị tốt để nhanh chóng khỏi bệnh và giúp phát hiện sớm các ca trở nặng để kịp thời chuyển viện, nhằm giảm thiểu tử vong. Cứ thế mỗi ngày họ đều lao vào công việc bất kể giờ giấc, ngày đêm vì bệnh nhân đang cần họ.
Tắm được không, uống nước này hay ăn món này được không…?
Đó là những tình huống “dở khóc dở cười” nhất mà bác sĩ Vĩnh kể là cũng phải “chịu trận” vì tâm lý bệnh nhân đa phần là hoang mang nên cái gì cũng hỏi, cái gì cũng thắc mắc.
“Thậm chí nửa đêm họ gọi cũng chỉ để hỏi là tôi tắm được không, uống cái này được không, ăn món này được không…Nói chung là đủ thứ hết, đụng cái gì bệnh nhân cũng gọi hỏi mình. Nên làm việc này cũng phải cần sự kiên nhẫn rất nhiều”, bác sĩ Vĩnh tâm sự.
Và bác sĩ kể thêm: “Có những bệnh nhân họ bị hoang mang và gọi điện nói chuyện hơn cả tiếng đồng hồ. Đa phần rơi vào những bệnh nhân đã khỏi bệnh nhưng sau khi nhiễm bệnh xong thì thường cơ thể sẽ uể oải, đau mỏi một thời gian nữa mới hết, nên họ hoang mang và gọi điện hỏi. Mà họ cứ nói hoài, nói hoài là sao tôi hết bệnh rồi mà lại thế này, lại thế kia…Và mình cũng phải kiên nhẫn giải thích, trấn an họ”.
|
|
Cũng theo bác sĩ Vĩnh, đa phần người dân khi nhiễm bệnh, họ lo sợ, hoang mang và cần chỗ dựa nên khi mình liên hệ đến để theo dõi và hỗ trợ điều trị tại nhà thì người bệnh nhân rất hợp tác và vô cùng biết ơn.
Nhưng bác sĩ Vĩnh kể cũng có những trường hợp rất khó đỡ: “Có những bệnh nhân bị tiếp cận trễ, đó là khi địa phương giao danh sách trễ và mình liên hệ thì bệnh nhân sẽ có thái độ: “Tôi bị biết bao nhiêu ngày rồi không ai lo cho tôi hết, đến bây giờ mới chịu liên hệ với tôi”. Thì buộc mình cũng phải giải thích cặn kẽ cho họ hiểu để họ đồng ý cho mình theo dõi sức khoẻ và hỗ trợ họ điều trị tại nhà. Rồi cũng có những trường hợp mà hoàn cảnh của họ quá thương tâm, quá khó khăn nên khi mình gọi đến thì họ bảo: Giờ tôi bệnh nhưng tôi không cần hỗ trợ gì hết mà chỉ cần hỗ trợ về kinh tế thôi”.
Đấy cũng là một trong những tình huống mà các bác sĩ gặp phải với muôn kiểu F0. Mà đau đầu nhất là có những bệnh nhân thì một mực đòi đi bệnh viện, lại có người nhất quyết không chịu đi dù bệnh chuyển nặng rất nguy hiểm.
Bác sĩ Vĩnh nhớ lại: “Có những bệnh nhân bị hoang mang và một hai là đòi nhập viện: “Bác sĩ cho tôi nhập viện liền, giờ tôi khó thở quá rồi”, nhưng khi kiểm tra lại thì tất cả chỉ số từ huyết áp, mạch, nồng độ ôxy trong máu đều bình thường, chỉ có một cái bất thường đó là tâm lý. Thường rơi vào những ngày đầu khi bệnh nhân mới nhiễm bệnh sẽ rất dễ bị hoang mang làm ảnh hưởng đến tâm lý nên lúc nào cũng tưởng là mình đang chuyển nặng. Rồi có một bệnh nhân mới 36 tuổi, bình thường khoẻ lắm nhưng khi có dấu hiệu chuyển nặng thì mình báo ngay cho đội cấp cứu, vì SpO2 tụt nhiều nhưng bệnh nhân một mực không chịu nhập viện: “Tôi khoẻ, tôi không có gì hết, tôi không có chuyển viện đâu”. Nhưng cũng may là mình cho đội cấp cứu đến liền, để chuyển đi và cứu kịp thời”.
|
Mặc dù làm công việc này rất nhiều áp lực và căng thẳng, nhiều khi ám ảnh luôn cả tiếng chuông điện thoại. Nhưng niềm hạnh phúc nhất của không riêng bác sĩ Vĩnh mà tất cả các bác sĩ trong đội hình theo dõi và hỗ trợ F0 điều trị tại nhà đó là mỗi lần nhận được thông báo bệnh nhân đã khỏi bệnh, đi kèm với đó là những lời cảm ơn rất dễ thương và ấm lòng. Chỉ thế thôi, nhưng mỗi ngày đã là động lực tinh thần rất lớn để các bác sĩ quên hết mệt mỏi mà lao vào công việc.
“Thậm chí có rất nhiều bệnh nhân sau khi điều trị tại nhà đã khỏi bệnh, họ biết ơn nên đã làm rất nhiều điều ý nghĩa sau đó. Họ lan toả những câu chuyện tích cực, những cách để giúp mình khỏi bệnh và cùng giúp các F0 khác vượt qua dịch bệnh…Tụi mình thấy hạnh phúc và vui lắm”, bác sĩ Vĩnh bày tỏ.
Bình luận (0)