Gia đình dấu yêu: Kỷ niệm ngày cưới

23/02/2020 14:09 GMT+7

Vợ chồng bạn tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày cưới của bố mẹ mình. Trong “lễ cưới kim cương”, khách mời chủ yếu là con cháu, chắt trong nhà và thông gia.

Ở tuổi tám mươi, trông bố mẹ bạn vẫn ngời ngời hạnh phúc dù trước đó, khi nghe vợ chồng bạn có ý định tổ chức lễ kỷ niệm ngày cưới, ông bà đã ngăn vì không quen kiểu tiệc tùng ồn ã, phô trương lại tốn kém.
Ông bà kể, hồi đó cưới nhau mà không có được tấm áo mới, lễ cưới đơn giản, chẳng tiệc tùng xôm tụ đông đúc khách mời như bây giờ, chỉ loe ngoe vài người thân để làm chứng. Đã vậy, do chiến tranh, mang tiếng “cưới” xong chứ mãi hai năm sau hai người mới được về chung một nhà, đến cái giấy kết hôn cũng không có. Vậy mà ông bà vẫn keo sơn gắn bó đến tận giờ, khi đã con đàn cháu đống, có giận hờn, cãi vã kiểu gì cũng không hề đả động đến chuyện bỏ nhau, ông đi đâu là bà theo đó khiến mọi người cứ chọc, nom ông bà cứ quấn quít như vợ chồng son.
Ngồi nghe ông bà kể chuyện của mình mà đám con cháu cứ lấm lét nháy nhau rồi bấm bụng cười, chẳng biết đến tuổi của ông bà bây giờ bọn mình sẽ thế nào khi mà vừa cưới nhau về đã cãi nhau tưng bừng khói lửa, ở với nhau vài năm nếu không chiến tranh lạnh, hăm dọa ly hôn đủ kiểu thì ai nấy cũng lăm lăm trong tay những điều luật ly hôn, kiểu như chỉ cần “đằng ấy” lộn xộn là đây bùm một phát cho xong chứ đây chả ngán đâu đấy nhé…
Bố mẹ bạn bảo, cốt lõi của một cuộc hôn nhân vững bền chính là sự nhường nhịn và tôn trọng lẫn nhau. Nhường nhịn để dĩ hòa vi quý, đơn giản hóa mọi sự, cuộc sống đầy rẫy mâu thuẫn, xung đột, nếu không nhường nhịn thì sống với nhau được bao lâu? Tôn trọng nhau để thấy chỉ có bạn đời của mình là tốt nhất, để tránh tâm lý “cỏ vườn người ta luôn xanh hơn cỏ nhà mình”, để không so sánh, trước sau như một “chồng người áo gấm xông hương mặc người”.
Cái đám trẻ ngồi nghe ông bà kể chuyện mà gật gù tâm đắc. Thế hệ ông bà làm gì biết đến ba cái công nghệ 4.0, làm gì có ai tư vấn chỉ bảo cho cái gọi là “bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình” hay ba cái “bí kíp” lá cải như “tuyệt chiêu giữ chồng” mà vợ chồng vẫn tương kính như tân, tình cảm đậm đà ngay cả khi đã tóc bạc da mồi, trí óc thậm chí đã không còn minh mẫn nữa.
Người ta dễ dàng thề hứa với nhau những điều tốt đẹp, vĩnh cửu trong ngày cưới nhưng để nắm tay nhau cùng đi qua những kỷ niệm ngày cưới mới thực là thử thách. Có nhiều cặp đôi rất hạnh phúc, nhưng họ không chọn cách tổ chức lễ kỷ niệm ngày cưới để vinh danh tình yêu son sắc của mình, họ thích cảm nhận thứ cảm xúc thâm trầm nhưng bền vững, không ồn ã, nồng nhiệt mà sâu sắc. Chẳng hề gì khi tình yêu như một mẫu số chung khiến những người trong cuộc luôn hài lòng với những gì “người kia” đang làm cho mình, vì mình dẫu hạnh phúc được tỏ bày cách nào đi chăng nữa. Sau này nhìn lại sẽ thấy việc “nắm tay nhau đi đến cuối con đường” mới là bằng chứng xác thực cho một tình yêu bền vững chứ không nhất thiết phải là buổi lễ kỷ niệm tràn ngập hoa hồng và những lời chúc tụng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.