Chúng ta hay nghe phàn nàn con trẻ thời nay cứ chúi đầu vào điện thoại, vào game, ít tương tác với cha mẹ, mọi người xung quanh. Trước phàn nàn này, tôi cứ băn khoăn suy nghĩ: Có bao giờ chúng ta đặt mình vào vị trí của trẻ, để tìm hiểu tại sao trẻ ngại giao tiếp chưa?
Phải chăng chúng ta cũng ôm máy tính, điện thoại... làm việc, giải trí suốt ngày, rồi biến trẻ thành bản sao của chúng ta? Phải chăng phụ huynh đã không dành thời gian làm bạn, chơi, trò chuyện cùng con, để con phải làm bạn, giải trí với các thiết bị công nghệ?...
Từ những băn khoăn đó, tôi nghĩ tại sao chúng ta không sắp xếp thời gian để có thể học và chơi cùng trẻ. Khi chúng ta xem trẻ là bạn, là người có thể chia sẻ thì căn bệnh ngại giao tiếp của trẻ sẽ thuyên giảm.
Nhân đây, tôi mạn phép chia sẻ bí quyết của riêng tôi trong việc lôi trẻ khỏi điện thoại, game trong cuộc sống hằng ngày.
Tôi có hai đứa con 8 và 10 tuổi. Hằng ngày, sau khi con tôi học bài xong, tôi không cấm các con giải trí trên điện thoại, tivi... Tuy nhiên, tôi đã tìm cách làm gián đoạn thời gian chơi trên điện thoại của chúng bằng những việc như: lau nhà, dọn dẹp phòng, phơi quần áo... Tất nhiên, những việc này, thường tôi sẽ làm cùng chúng.
Trong các chiêu mà tôi thường dùng để dụ con rời điện thoại, rời các trận game là đọc và 'luận sách' cùng trẻ. Tuy nhiên, để dụ con chịu đọc sách cũng không phải dễ. Tôi tìm những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi của con; đọc, kể cho con nghe; thậm chí tôi khuyến khích con đọc rồi kể cho tôi nghe từng mẩu chuyện trong sách; ngược lại tôi sẽ thưởng những phần quà nhỏ cho con sau khi các cháu hoàn thành. Chiêu dụ này của tôi thấy vậy mà phát huy hiệu quả tích cực.
tin liên quan
Đọc sách để làm gì ?Mở đầu buổi đọc sách, tôi thường là người đọc và kể trước cho con nghe để tạo niềm cảm hứng cho con. Sau đó lần lượt đến hai con tôi kể. Thế là trong một, hai giờ, ba cha con tôi cũng đọc và kể khá nhiều câu chuyện thú vị từ sách. Đặc biệt, trong quá trình đọc, con tôi hay thắc mắc, ý kiến xen ngang câu chuyện rất thú vị.
Cuốn sách mà tôi đọc cùng con gần đây nhất là Nhật ký Sen Trắng của tác giả Cao Huy Thuần.
Có lần tôi đọc câu chuyện kể về cậu bé và cái cây. Nội dung câu chuyện kể về sự hy sinh của cái cây, sẵn sàng cho cậu bé bất cứ cái gì nó có. Ngược lại cậu bé là nhân vật đòi hỏi, đua đòi, cứ xin cây hết lần này đến lần khác, nào là lá, cành, thân cây... Thế là con tôi ý kiến “con thấy cậu bé giống người con luôn ham thích, đòi hỏi mẹ đáp ứng; còn cái cây giống người mẹ, luôn bao dung, hy sinh cho con”.
Qua những lần “luận sách” đó, tôi hạnh phúc vô cùng, vì ít ra con tôi chịu đọc sách, biết rút ra các bài học hay từ sách, trưởng thành hơn qua từng trang sách... Đặc biệt, sách đã giúp hạn chế thời gian cháu dán mắt vào điện thoại, chơi game.
Trước sự phát triển vũ bão của công nghệ, người lớn còn bị ảnh hưởng thì huống gì người trẻ, nhất là trẻ em. Thay vì lên án trẻ, chúng ta hãy tìm cách để cùng trẻ trải nghiệm các thiết bị công nghệ một cách hữu ích nhất có thể.
Nếu yêu thương, quan tâm trẻ, tôi tin chúng ta sẽ có nhiều cách để giúp trẻ, đồng hành cùng trẻ làm chủ công nghệ, làm chủ cuộc đời.
Bình luận (0)