Gia đình trẻ tiêu biểu: ‘Hạnh phúc không phải là ở trong ngôi nhà to’

05/06/2020 12:06 GMT+7

Trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống , nhưng vẫn vượt qua khó khăn, gây dựng gia đình hạnh phúc, một cặp vợ chồng trẻ ở Vĩnh Phúc đã được T.Ư Hội LHTN Việt Nam xét chọn tuyên dương Gia đình trẻ tiêu biểu năm 2020.

Đó là gia đình anh Nguyễn Văn Thìn (34 tuổi) và chị Nguyễn Thị Việt Hà (34 tuổi) ở H.Tam Dương (Vĩnh Phúc).
Sau 9 năm kết hôn, cuộc sống của cặp vợ chồng này đã trải qua nhiều gian nan, nhưng họ vẫn cố gắng vươn lên, để có cuộc sống ổng định, hạnh phúc với hai đứa con, một trai, một gái.

Khởi nghiệp từ số 0

Chia sẻ về gia đình của mình, chị Hà cho biết: “Chúng tôi kết hôn từ năm 2011, khi đó cả hai đều là những sinh viên mới ra trường và công việc chưa ổn định. Khi ấy, chồng tôi làm kỹ sư cho một công ty sản xuất; còn tôi tốt nghiệp khoa giáo dục đặc biệt của Trường đại học Sư phạm, nhưng chưa xin được việc, nên làm gia sư tại nhà cho một số học sinh khuyết tật. Do gia đình đều ở quê nên chúng tôi phải thuê nhà ở TP.Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) ở và đã trải qua rất nhiều khó khăn”.
Chị Hà cũng cho biết, sau khi làm gia sư và được các phụ huynh tín nhiệm nên số lượng phụ huynh đăng ký nhờ chị kèm cặp con cứ đông dần lên. Vì thế, chị quyết định nhận các cháu về nhà mình thuê để dạy học.
“Khởi nghiệp không có đồng vốn mở lớp, chúng tôi tiết kiệm mỗi tháng dư được một ít để sắm sửa và mua thêm đồ dùng cho gia đình và lớp học. May mắn là chồng tôi luôn đồng lòng, sẵn sàng giúp đỡ công việc của vợ. Những phần việc nào không cần thuê, chồng tôi tự mày mò làm lấy để đỡ tốn kém chi phí như đóng bàn ghế, lắp đặt các thiết bị…”, chị Hà kể.

Gia đình chị Hà tại lễ trao giải cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2019 của tỉnh Vĩnh Phúc mà chị được giải nhất

Ảnh NVCC

Trải qua 5 - 6 lần thuê nhà và khởi nghiệp từ con số 0 nhưng giờ đây chị Hà đã thành lập được Trung tâm Khai trí chuyên dạy trẻ khuyết tật với 3 cơ sở, nuôi dạy hơn 100 học sinh khuyết tật tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Mặc dù còn khó khăn nhưng trong quá trình dạy học, thấy nhiều học sinh khó khăn chị Hà vẫn tiết kiệm chi tiêu để nhận nuôi dạy miễn phí cho 9 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Dự án khởi nghiệp của chị đã dành giải nhất cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc phát động.

Gian nan vượt qua sóng gió

Để có được cuộc sống ổn định, vợ chồng chị Hà đã trải qua những ngày vô cùng gian nan. Thời gian khởi nghiệp cũng là lúc chị mang bầu bé trai đầu lòng và một biến cố đã xảy ra.
“Đến ngày tôi chuẩn bị hành lý chờ đi sinh con, thì chồng tôi bất ngờ lên cơn đau bụng dữ dội. Quá hoảng sợ vì chỉ có 2 vợ chồng sống ở thành phố, không gần gia đình, tôi dìu chồng vào viện cấp cứu. Bác sĩ nói chồng tôi bị viêm ruột thừa cấp phải mổ gấp, tay tôi run rẩy ký giấy cam kết trước khi mổ và ngồi khóc chờ người nhà xuống”, chị Hà nhớ lại.
“Ơn trời, ca mổ thành công. Thú thực, số tiền vợ chồng tiết kiệm đề phòng tôi phải sinh mổ đã dùng gần hết cho ca mổ của chồng nhưng chúng tôi cố gắng không nói để bố mẹ hai bên không phải lo lắng”, chị Hà kể tiếp.

Anh Nguyễn Văn Thìn làm ông già Noel để đi tặng quà miễn phí cho học sinh ở nông thôn

Ảnh Nhật Nam

Khi chồng ra viện được 2 ngày thì chị có dấu hiệu chuyển dạ. Lúc này, chồng chị vẫn chưa hồi phục sức khỏe sau khi mổ ruột thừa, anh cố gắng dìu vợ vào viện sinh con. Và rồi chị cố gắng sinh thường một bé trai đáng yêu nặng 3,4 kg. Sau khi sinh con, hai vợ chồng chị đã về quê ở nhà bố mẹ để tiện nhờ ông bà chăm sóc.
“Cu con rất hay quấy khóc mà các cụ gọi là khóc “dạ đề”. Ngày nào con cũng khóc liên tục mấy tiếng liền và chỉ nín khi ngủ. Đó là lúc tôi nuôi con thấy thật vất vả và căng thẳng… Chồng tôi nghỉ sau mổ 20 ngày thì phải quay lại công ty làm việc. Nhưng anh không ở lại nhà thuê trên thành phố mà đi lại bằng xe máy về quê với mẹ con tôi. Quãng đường 50 km hàng ngày cả đi và về khá vất vả nhưng vì vợ con nên anh cố gắng đi lại. Bỗng đến một ngày…”, giọng chị Hà chững lại.
Chị kể tiếp, như thường lệ, con trai rất quấy khóc nên chị chỉ tập trung dỗ con mà ít cầm điện thoại. 6 giờ tối vẫn chưa thấy chồng đi làm về, chị cầm điện thoại định gọi cho chồng thì giật mình thấy nhiều cuộc gọi nhỡ từ số của chồng và số lạ. “Tôi bèn gọi lại thì đầu bên kia có giọng nói lạ và rất to: “Chồng chị bị tai nạn, ngã xe gãy chân ở địa chỉ….”. Tôi nghe như ù tai đi!”
Lúc này, người nhà hai bên nội ngoại đến viện tìm anh (người đi đường đã đưa giúp anh đi bệnh viện cấp cứu), còn chị chỉ có thể ở nhà ôm con mới 1 tháng tuổi chờ tin tức. Ở bệnh viện tỉnh, các bác sĩ chỉ định lên Bệnh viện Việt Đức để mổ chân và nối gân cho anh, vì kỹ thuật nối gân ở viện tỉnh chưa làm được, với chi phí khoảng 80 - 100 triệu đồng.
Đối với vợ chồng chị và bố mẹ đó là số tiền quá lớn vì cả hai bên gia đình đều chỉ làm nông nghiệp. Vậy là cả gia đình chạy vay đi vay mượn khắp nơi, cuối cùng cũng đủ tiền cho chồng chị đi phẫu thuật.

Anh Nguyễn Văn Thìn luôn cho con tham gia các hoạt động thiện nguyện để dạy con biết chia sẻ khó khăn với cộng đồng

Ảnh NVCC

“Trước khi anh chuyển lên Hà Nội, tôi đến bệnh viện động viên chồng, hai vợ chồng ôm nhau khóc. Tôi động viên chồng cố gắng điều trị vì vừa tháng trước anh đã mổ ruột thừa, và lần này sẽ đau đớn vất vả hơn nhiều lần. Chồng ôm tôi động viên cố gắng chăm con vì biết con rất quấy khóc, nhất là mẹ sau sinh rất cần động viên chia sẻ. Chúng tôi đều cố gắng động viên nhau mạnh mẽ hơn...”, chị Hà xúc động nhớ lại.
Sau đó, chồng chị về nhà phải bất động 3 tháng mới chống nạng tập đi. “Thời gian này con tôi vẫn quấy khóc nhiều làm vợ chồng rất căng thẳng và mệt mỏi. Chồng tôi bất lực vì không thể bế con giúp vợ được. Rồi thời gian đó, tôi vừa chăm con, chăm sóc chồng vừa lo khởi động lại công việc dạy học bị gián đoạn.
Anh cũng rất cố gắng tự lực chăm mình và bế con cho vợ những lúc vợ làm việc. Thời gian thấm thoát cũng trôi đi. Cuộc sống của gia đình tôi cũng dần ổn định hơn. Con lớn đỡ quấy khóc hơn, chồng tôi cũng tự đi lại được trong nhà và giúp đỡ vợ được nhiều việc hơn. Chúng tôi lại nỗ lực hơn trong cuộc sống và gặt hái được những thành công nhất định”, chị Hà chia sẻ.

"Hạnh phúc không phải là ở trong ngồi nhà to"

Hiện nay, gia đình chị đã có cuộc sống ổn định. Chồng chị đang làm giáo viên một trường dạy nghề, chị làm giám đốc trung tâm giáo dục của mình, con trai lớn học lớp 2 và bé gái 3 tuổi học mẫu giáo.
“Chúng tôi đang xây dựng một căn nhà sắp xong rồi, và sẽ đón học sinh về nhà dạy chứ không phải đi thuê mướn nữa. Khi có nhà rồi tôi sẽ có điều kiện dành chi phí để hỗ trợ được nhiều hơn những học sinh khó khăn”, chị Hà chia sẻ.
Để có được hạnh phúc ngày hôm nay, chị Hà cho biết, điều đầu tiên là sự đồng thuận của hai vợ chồng. Chị đã được chồng giúp đỡ rất nhiều trong công việc. Do lớp dạy học sinh khuyết tật, trong đó có nhiều trẻ tự kỷ nên các đồ dùng hỏng hóc thường xuyên vì các em quậy phá.
“Mỗi lần như vậy, nếu phải thuê thợ thì rất tốn tiền nên chồng tôi cũng xắn tay vào giúp, kể cả việc thông tắc bồn cầu. Ngoài giờ đi làm, về đến nhà anh còn giúp tôi làm vệ sinh cho những trẻ khuyết tật nặng...”, chị Hà trải lòng.
Nói về hạnh phúc gia đình, chị Hà tâm sự: “9 năm - quãng thời gian đủ dài để tôi hiểu được rằng, sau tất cả chỉ có gia đình mới là điều quan trọng nhất. Tôi càng hiểu rõ hơn rằng, gia đình hạnh phúc không phải là gia đình sống trong một ngôi nhà to, mà là một ngôi nhà đầy ắp tiếng cười, niềm hạnh phúc và tin tưởng nhau tuyệt đối. Vợ chồng yêu thương, hòa thuận lẫn nhau, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn và luôn ủng hộ giúp đỡ nhau trong công việc và cuộc sống…”.

Cháu Nguyễn Minh Khang, 8 tuổi (áo trắng, con chị anh Thìn - chị Hà) tham gia giúp các bạn khuyết tật học bài

Ảnh Nhật Nam

Chị Hà cũng cho biết, trong dạy dỗ con cái, anh chị không chỉ dạy con học mà cần phải dạy con cả những cách sống, các ứng xử với những người xung quanh.
“Gia đình tôi luôn dạy con biết yêu thương người khác, nhất là các bạn nhỏ không may mắn bị khiếm khuyết. Chúng tôi dạy con cả tính tiết kiệm ngay từ nhỏ, để các con hiểu được giá trị của cuộc sống và không hưởng thụ quá sớm.
Tôi thường đưa con đi thăm gia đình các bạn học sinh khuyết tật, gia đình gặp nhiều khó khăn để các con hiểu rằng cuộc sống còn rất nhiều bạn nhỏ kém may mắn hơn các con. Do đó, các con cần có tình yêu thương người khác ngay từ nhỏ và sẵn sàng giúp đỡ người khác”, chị Hà kể.
Có lẽ trải qua nhiều sóng gió về sức khỏe của chồng mà giờ đây khi nói về hạnh phúc chị Hà cho biết: “Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, mọi người lao vào vòng xoáy công việc, cuộc sống trở nên vội vã hơn, nhiều giá trị của cuộc sống như tình yêu, lòng nhân ái, sự biết ơn và ngay cả đến sức khỏe của con người cũng bị lãng quên hoặc không được chú trọng. Tôi muốn gửi đến mọi người một thông điệp: “Hãy để sức khỏe, hạnh phúc, tình yêu thương tràn ngập ngôi nhà của bạn!”.
Với những nỗ lực của mình, gia đình anh Thìn - chị Hà được T.Ư Hội LHTN Việt Nam xét chọn là 1 trong 22 gia đình trẻ để tuyên dương Gia đình trẻ tiêu biểu, tổ chức vào ngày 20.6, tại Hà Nội vào dịp kỷ niệm 19 năm Ngày gia đình Việt Nam (28.6.2001 - 28.6. 2020).
Chương trình nhằm biểu dương và tôn vinh những gia đình trẻ điển hình, tiêu biểu; xây dựng và lan tỏa các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Đồng thời, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình đối với sự phát triển của xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.