Giải oan cho 'trà xanh' từ chuyện Sơn Tùng M-TP - Hải Tú

26/01/2021 16:36 GMT+7

Xuất hiện trong chuyện của Sơn Tùng M-TP, Hải Tú và Thiều Bảo Trâm , từ 'trà xanh' đang bị cộng đồng mạng lạm dụng và hiểu sai ý nghĩa của nó.

Nhiều ngày qua, từ “trà xanh” đã xuất hiện rầm rộ trên khắp trang mạng xã hội. Như chúng tôi tìm hiểu từ ngữ này bắt nguồn trong câu chuyện giữa ba nhân vật hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đó là Sơn Tùng M-TP, Thiều Bảo Trâm và Hải Tú.

Theo đó, cộng đồng mạng chia sẻ rằng “trà xanh” theo Hán Việt là Lục trà biểu - một từ lóng của cộng đồng mạng Trung Quốc - ám chỉ những cô gái tỏ vẻ trong sáng, ngây thơ nhưng thật ra rất thủ đoạn và toan tính… Từ vụ việc này các bạn trẻ đã có nhiều câu chuyện vui, buồn về từ “trà xanh”.

Trương Anh Tuấn, 20 tuổi, SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho hay gia đình của Tuấn rất thích uống trà xanh mỗi buổi sáng. "Hiện nay, cộng đồng mạng dùng từ “trà xanh” để chỉ một tính cách xấu của người con gái nên khi uống trà mình bị ám ảnh từ này”, Tuấn nói.

Trà xanh là thức uống phổ biến ở Việt Nam

Ảnh: Lê Danh

L.T.H Diễm, 19 tuổi, SV Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, đã không dám “check-in” với món trà xanh matcha mỗi khi đi uống nước cùng với bạn bè.

Diễm trải lòng: “Từ khi có trào lưu “trà xanh” trên mạng xã hội thì em rất hạn chế đăng những thứ liên quan đến nó. Vì em sợ bị gọi là “Diễm trà xanh”. Vì với ý nghĩa đó, em chẳng khác gì một cô gái hư”.

Giải oan cho “trà xanh”

TS. Hồ Minh Quang, Trưởng Khoa Đông Phương học - Trưởng bộ môn Trung Quốc học, Trường ĐH Khoa học xã và nhân văn - ĐHQG TP.HCM, rất bất ngờ khi cộng đồng mạng nói chung và người trẻ nói riêng dùng từ “trà xanh” để ám chỉ một người con gái có tính nết xấu xa, lăng loàn.

Thầy Minh Quang cho hay chữ “trà xanh” có nguồn gốc từ một từ mới xuất hiện trong tiếng Trung Quốc gần đây (2013), và được dịch âm Hán Việt là “lục trà biểu”. Trong đó “lục trà” là “trà xanh”, và “biểu” có nghĩa là “con điếm”, chỉ những người phụ nữ hành nghệ mại dâm. Đứng về góc độ phương thức tạo từ, “trà xanh” với đặc điểm là loại trà có nồng độ nhẹ hơn những loại trà khác, vì vậy đã được dùng để chỉ sự nhẹ nhàng, trong sáng (của các cô gái mới vào nghề người mẫu); còn phần nghĩa tiêu cực thì lại nằm hoàn toàn trong yếu tố “biểu”. 

 

Thầy Quang cho rằng từ "trà xanh" bị oan

Ảnh: NVCC

"Vì vậy, “lục trà” hay “trà xanh” vốn chỉ là một yếu tố phụ kết hợp vào một từ gồm 2 yếu tố để châm biếm những cô gái vẻ bên ngoài thuần khiết, nhưng bên trong ẩn tàng những mưu kế tiếp cận đàn ông để mua bán xác thịt. Và sau đó trong tiếng Trung, từ này cũng đã từ từ diễn biến thành một tiếng lóng để ám chỉ phụ nữ hành nghề mại dâm. Đây là một từ ngữ thuộc phạm trù bạo lực trong ngôn ngữ, bản thân người Trung Quốc cũng rất hạn chế sử dụng những từ ngữ khiếm nhã như thế này", thầy Quang thông tin thêm.

Thầy Quang cũng chỉ ra một số lý do từ “trà xanh” tại Việt Nam đã bị sử dụng vô tội vạ và biến thể thành một từ rất xấu, dần dần sẽ bị mất đi sự trong sáng tiếng Việt.

Thầy Quang giải thích: “Từ “trà xanh” này có thể đã đi vào tiếng Việt của giới trẻ qua con đường phim dịch tiếng Trung Quốc. Khái niệm này có hai phiên bản tiếng Việt là “con điếm trà xanh” và “trà xanh”. Có thể vì đảm bảo yếu tố tinh gọn trong dịch thuật mà người dịch đã chọn phương án rút gọn là “trà xanh”,  nhằm gợi mở cho người nghe cảm thấy mới lạ. Bên cạnh đó, đối với người Việt Nam từ “con điếm” vốn là khiếm nhã, nên họ đã chọn từ “trà xanh” để diễn đạt “dùm” luôn cho cụm từ “con điếm trà xanh”. Vô tình khiến cho từ “trà xanh” phải gánh thêm một nét nghĩa tiêu cực vốn không có. Chính vì vậy người dịch đã làm cho từ “trà xanh” mang tiếng oan.

“Bây giờ “trà xanh” từ một thức uống có lợi cho sức khỏe, và được nhiều người Việt Nam ưa chuộng lại bị gắn mác trở thành một người con gái hay phụ nữ không có đứng đắn”, thầy Quang nói.

Hệ lụy lớn trong giao tiếp liên văn hóa

Vị Trưởng Khoa Đông Phương học còn chia sẻ: Tại Trung Quốc, từ “biểu” là một từ cực kỳ khiếm nhã khi nói về người phụ nữ. Trong khi đó, chúng ta lại dùng từ “trà xanh” để diễn đạt cho phần cốt lõi của từ “lục trà biểu”, tức ý phụ nữ hành nghề mại dâm. Đó là một cách vô tình tiếp tay cho những từ ngữ hoặc cách dùng từ không hay đi vào ngôn ngữ đời sống chúng ta, ảnh hưởng đến sự trong sáng tiếng Việt. Rồi có nhiều người không biết thực hư ra sao và đã “hùa” theo một cách vô tư. Nhưng điều mâu thuẫn là rõ ràng họ luôn biết rằng “trà xanh” trong ngữ cảnh của họ là chỉ về một người phụ nữ có hành vi, tâm dạ không mấy tốt đẹp.

Thầy Quang nhấn mạnh: “Nếu chúng ta sử dụng từ “trà xanh” của tiếng Việt với nội dung tiêu cực như thế để đi giao tiếp bằng tiếng Việt với người nước ngoài thì vô tình đã thừa nhận trong tiếng Việt từ “trà xanh” cũng dùng để miệt thị phụ nữ. Rõ ràng chúng ta đã hạ thấp hình ảnh dân tộc và văn hóa - ngôn ngữ Việt Nam, vì đã “hùa” theo công nhận một từ “trà xanh” với một nghĩa mới, mà không có sự tôn trọng bình đẳng về giới. Đây có thể là một điều mang lại một hệ lụy rất lớn trong giao tiếp liên văn hóa”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.