Chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân
Chương trình “Trí thức khoa học trẻ tình nguyện”, do Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) triển khai thực hiện từ năm 2010 đến nay.
Chia sẻ về chương trình này, anh Đoàn Kim Thành, Giám đốc trung tâm trên, cho biết: “Với mong muốn tập hợp lực lượng trí thức, nhà khoa học trẻ của TP.HCM nhằm đem kiến thức, khoa học kỹ thuật và công nghệ hướng dẫn, chuyển giao cho bà con...”.
Anh Thành cũng cho biết thêm chương trình được thực hiện từ tháng 2 đến hết tháng 11 hằng năm. Các cơ sở Đoàn tổng hợp những nội dung cần báo cáo viên tư vấn và chuyển giao về trung tâm. Sau đó, trung tâm sẽ tập hợp đội hình trí thức trẻ tình nguyện để thực hiện chuyên đề theo yêu cầu.
tin liên quan
Trao giải thưởng Hồ Hảo Hớn cho 8 mô hình thanh niên tiêu biểuNgoài các chuyên đề tiêu biểu đã thực hiện giúp bà con nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật cho việc chăn nuôi, trồng trọt đạt năng suất cao, anh Thành cho biết: “Trung tâm còn tổ chức sân chơi khoa học vui và chuyến xe tri thức dành cho thanh thiếu nhi. Hằng năm, trung tâm tổ chức hơn 100 sân chơi khoa học vui với các nội dung kiến thức phong phú về thiên văn, vật lý, hóa học, sinh học, toán học. Ngoài ra, có khoảng 20 chuyến xe tri thức đưa học sinh, thanh niên tham quan, học tập tại các khu công nghệ cao, mô hình phát triển kinh tế nông thôn”.
Anh Thành nói: “Sau 10 năm tổ chức, chương trình đã thực hiện 548 chuyên đề khoa học tại TP.HCM và các tỉnh, với 1.820 trí thức tham gia. Chương trình đã lan tỏa tinh thần tình nguyện của lực lượng trí thức, nhà khoa học trẻ nhằm mang kiến thức và sản phẩm sáng tạo khoa học giúp đỡ người dân”.
Biến bãi rác thành vườn hoa
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện mô hình “Không gian xanh, biến bãi rác thành vườn hoa”, anh Nguyễn Viết Vũ, Bí thư Đoàn Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, cho biết: “Tốc độ đô thị hóa ở TP.HCM nhanh, dẫn đến mỹ quan môi trường phát sinh nhiều vấn đề, một trong số đó là các điểm rác tự phát nằm xen trong các khu dân cư. Các điểm rác này tồn tại lâu dài, dù chính quyền, đoàn thể một số nơi thường xuyên tổ chức dọn dẹp, đặt ra các biện pháp phạt, chế tài nhưng tình trạng tái ô nhiễm thường xuyên xảy ra”.
Anh Vũ giới thiệu với phương châm cải thiện cảnh quan và chất lượng môi trường sống, Đoàn Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp các đơn vị thực hiện công trình với mục tiêu: tổng vệ sinh xóa các điểm rác tự phát tồn đọng trong các khu dân cư, tạo mảng xanh tại các điểm rác nhằm chống tái ô nhiễm, có tính thẩm mỹ cao.
Để mô hình được triển khai nhanh, thanh niên của đơn vị này đã tiếp nhận thông tin, khảo sát các điểm tồn đọng rác, tìm hiểu nguyên nhân và nguồn gốc phát sinh rác tồn đọng, ý kiến của người dân và chính quyền địa phương. Sau đó vận động nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, tiến hành tổng vệ sinh, thực hiện mảng xanh, trồng hoa, đồng thời bàn giao cho đơn vị chịu trách nhiệm giữ vệ sinh, chăm sóc và duy trì mảng xanh.
Với cách làm này, anh Vũ cho biết từ năm 2016 đến nay, Đoàn Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM đã vận động xây dựng được 19 điểm “biến rác thành vườn hoa”, với tổng kinh phí xã hội hóa và các nguồn vận động hơn 1 tỉ đồng. Việc làm này đã mang lại hiệu quả lớn trong tuyên truyền ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, trong đó đánh động vào cộng đồng tại địa phương cùng chung tay thực hiện các vườn hoa, tại chính nơi mà trước đó là những bãi rác bốc mùi hôi thối, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và bộ mặt đô thị”.
Đoàn là điểm tựa tinh thần cho thanh niên
Tối 24.3, Thành đoàn TP.HCM tổ chức lễ kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đoàn (26.3.1931 - 26.3.2019). Ủy viên T.Ư Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang; Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN VN Lê Quốc Phong và hơn 2.000 bạn trẻ đã đến dự...
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang cho biết: “Đoàn phải là điểm tựa tinh thần cho thanh niên; khuyến khích các cơ quan, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, cá nhân có sáng kiến chăm lo cho thanh niên, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp...”. Cũng theo ông Quang, để lôi cuốn được đông đảo giới trẻ, tổ chức Đoàn phải chủ động nghiên cứu nhu cầu, nguyện vọng, tâm lý của đoàn viên, thanh niên, ứng dụng khoa học công nghệ, tận dụng thế mạnh của truyền thông đa phương tiện, internet, mạng xã hội.
Tại lễ kỷ niệm, Thành đoàn đã trao giải thưởng Hồ Hảo Hớn cho 8 tập thể có mô hình thanh niên tiêu biểu trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.
Lê Thanh
|
8 công trình đạt giải thưởng Hồ Hảo Hớn
1. Tri thức khoa học trẻ tình nguyện TP.HCM (Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ)
2. Thực hiện ước mơ (Trung tâm hỗ trợ học sinh - sinh viên TP.HCM)
3. Khăn hồng tình bạn (Liên đội Trường tiểu học Đặng Văn Ngữ, Q.Phú Nhuận)
4. Cùng bạn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm (Đoàn Tổng công ty điện lực TP.HCM)
5. Hạt giống đỏ (Đoàn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM)
6. Liên hoan ca múa nhạc Búp sen hồng (Nhà thiếu nhi Q.11)
7. Không gian xanh - biến bãi rác thành vườn hoa (Đoàn Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM)
8. Đội hình bán hàng lưu động (Đoàn Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM).
|
Bình luận (0)