Sân trường sục đất, lầy lội, loang loáng những vũng nước to nhỏ, không một bóng dáng học trò. Tiếp chúng tôi tại căn phòng làm việc chỉ rộng khoảng 10m2 được ngăn đôi, một nửa chứa gạo, nửa kia kê bàn làm việc, thầy Trần Quang Tráng, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Ba hôm nay rét quá, lại có mưa nên chúng tôi cho các em nghỉ học”.
Chỉ vào những bao gạo, thầy Tráng hồ hởi khoe, sắp tới trường sẽ tổ chức nấu ăn cho học sinh để đảm bảo công tác giảng dạy. Ở đây, những ngày mưa việc dạy và học bị gián đoạn do đường trơn các em không thể đến trường. “Vì sự học của các em, vất vả bao nhiêu chúng tôi cũng chịu được. Sợ nhất là các em không biết chữ”, thầy Tráng nói.
Thay nhau... canh gác học trò
Trong ký ức của thầy Tráng, thời gian đầu lên đây lập trường mở lớp là những tháng ngày chồng chất khó khăn. Các thầy cô phải cùng bộ đội biên phòng vào tận trong bản vận động đồng bào dân tộc cho con đi học. Những chuyện trèo đèo lội suối ròng rã 2 - 3 ngày mới vào được bản là bình thường. Nhiều khi, cả đoàn phải ngủ lại trong rừng giữa tiết trời mùa đông. Không hiếm lần đi mấy ngày đường, đoàn mới vận động được một em đi học. Nhưng mới học được vài buổi, em đã trốn về nhà...
Không bỏ cuộc, thầy Tráng cùng các anh bộ đội quay trở lại vận động tiếp. “Công việc này đòi hỏi sự kiên trì vì đồng bào dân tộc ở đây không biết tiếng Việt, hơn nữa đa số đồng bào không muốn cho con đi học”, thầy Tráng tâm sự. Lúc đầu, để giao tiếp với người dân, thầy Tráng phải nhờ đến phiên dịch. Nhưng sau, thầy và các anh bộ đội tự học nói tiếng đồng bào dân tộc để thuận tiện hơn. “Bây giờ anh em nói tiếng dân tộc cũng “siêu” như người bản địa”, thầy Tráng nói vui.
Vận động học sinh đến trường rồi, việc tiếp theo là lại lo... canh gác. “Học sinh mới hay trốn trường về bản, về nhà vì nhớ. Có em khóc suốt không chịu học, thầy cô phải dỗ dành mãi”, thầy phó hiệu trưởng cho biết. Vì thế, các thầy cô giáo ở đây phải vừa phân công nhau trực ngày đêm ở trường và khu nội trú, ngăn các em “trốn” lớp về nhà, vừa lựa lời dỗ dành để các em ở lại học.
Bữa ăn của người "gieo" chữ
Trong vòng 5 năm qua, hàng nghìn học sinh người dân tộc được xóa mù chữ; 17% trên tổng số gần 200 em học sinh đạt loại khá, giỏi; không còn tình trạng học sinh trốn trường về bản; các em đều chăm học, ngoan ngoãn... là kết quả của những nỗ lực không ngừng của tập thể thầy cô giáo trường THCS Thu Lũm. |
“Khâu soạn giáo án phải đặc biệt cẩn thận, phải vắt óc tìm những từ dễ hiểu nhất, gần gũi nhất với các em bằng những ví dụ đơn giản, gắn với môi trường sống núi rừng như mỏm đá, vách núi, khe suối, con trâu...”, Tiến Anh chia sẻ.
Tuy tốt nghiệp chuyên ngành mỹ thuật nhưng do trường thiếu giáo viên, nên Tiến Anh đảm nhận dạy cả môn Văn, Giáo dục công dân, Lịch sử... Chia sẻ lý do tình nguyện lên đây công tác, Tiến Anh cho biết: “Từ hồi còn là sinh viên mình đã rất khâm phục những người giáo viên sẵn sàng xung phong lên vùng cao dạy chữ cho trẻ em dân tộc. Nhìn những đứa trẻ nơi đây mình thấy rất thương, tự nhủ phải làm được điều gì cho chúng”. Tình nguyện “gánh chữ lên non”, Tiến Anh cũng đã tìm thấy một nửa của mình, cũng là một cô giáo tình nguyện xa nhà lên đây dạy học.
Nhớ lại những ngày đầu lên với mảnh đất vùng cao này, Tiến Anh bùi ngùi kể: “Lần đầu tiên, mình và đồng nghiệp biết thế nào là lên rừng chặt gỗ về làm nhà, phải đi hơn 1 km mới khiêng được thùng nước để dùng”. Sống ở giữa rừng, rau cũng trở thành của hiếm, còn thịt, cá là món cao lương mỹ vị khó được ăn.
Bữa ăn của những người "gieo chữ" chủ yếu chỉ có cá khô, lạc rang muối với cơm nấu từ “gạo bọc thép” (gạo xay rất cứng - PV). “Lúc rảnh rỗi, anh em rủ nhau ra suối dùng màn bắt cá về để đổi món”, Tiến Anh kể thêm. Chỉ đến khi tự tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi gà... bữa ăn của các thầy cô nơi đây mới có màu no đủ. “Nhưng cũng chỉ đỡ được một phần, còn thì chủ yếu vẫn đi đổi của người dân”, cô giáo Phùng Thị Hà (26 tuổi) góp chuyện.
“Mình sẽ định cư luôn ở trên này”
Cô giáo Hà quê ở Phú Thọ, cũng tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm tỉnh, và lên đây công tác được hơn 3 năm. Ở mảnh đất cằn cỗi, quanh năm cái nghèo đeo bám này, những ngày đầu, Hà cho biết cảm thấy cô đơn, sợ hãi. “Có những đêm nằm một mình, nhớ nhà, nhớ quê khóc ướt đẫm gối, chỉ muốn trời mau sáng, để xin chuyển về quê. Nhưng sáng dậy, nhìn thấy khuôn mặt đám học trò, lại không nỡ...”, Hà kể.
Xã Thu Lũm cách thị xã Mường Tè khoảng 200 km đường đồi, núi. Bình thường, thuê xe ôm ra thị xã bắt xe về quê cũng đã mất 2 ngày. Ngày mưa, đường trơn như bôi mỡ, những vạt đồi có thể sẽ lở xuống bất cứ lúc nào. Vì thế mà, đường giao thông từ Thu Lũm đến Mường Tè gần như bị cô lập. Lên đây ngần ấy năm, cũng là ngần ấy năm các thầy cô ăn Tết với người dân tộc. “Nghỉ Tết được hai tuần, nếu thời tiết thuận lợi, cả đi cả về đã mất gần một tuần, chỉ được ở nhà một tuần nên chúng tôi đều đợi hè đến rồi về nhà cho được lâu”, Tiến Anh cho hay.
Trong khi đó, cô giáo trẻ Phùng Thị Hà chưa hết hân hoan với tình yêu vừa ươm mầm gần 3 tháng cùng một anh bộ đội biên phòng, thì cho biết: “Mình cũng chưa có ý định chuyển công tác về xuôi. Mà có khi, mình sẽ định cư luôn ở trên này, vì nếu đi, sẽ nhớ các em lắm”.
Cũng như Hà, Tiến Anh không có ý định chuyển công tác về xuôi trong khi người vợ đã về xuôi từ hồi tháng trước. Anh chia sẻ: “Sắp tới, có khả năng mình sẽ chuyển vào bản Là Si, dạy chữ cho trẻ em người La Hủ. Trẻ em ở đấy cũng chưa đứa nào biết chữ. Chắc chắn không ít khó khăn, nhưng mình sẽ cố gắng”.
Lê Quân
Bình luận (0)