Giới trẻ ‘phát cuồng’ phim cổ trang Trung Quốc: Đáng lo hay chuyện bình thường?

21/08/2018 20:29 GMT+7

Diên Hi công lược, Hậu cung Như Ý truyện … hàng loạt những tên phim cổ trang Trung Quốc đang 'đốn tim' giới trẻ Việt Nam những ngày qua. Vậy việc nhiều bạn trẻ mê những sản phẩm văn hóa từ Trung Quốc có đáng lo?

Chúng tôi trao đổi với nhiều bạn trẻ và nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều về vấn đề này.
Xem để giải trí, tại sao không?
Lê Thành Nam, 25 tuổi, sinh viên ngành đạo diễn, Trường ĐH Sân khấu điện ảnh TP.HCM, người không bỏ sót tập nào của Diên Hi công lược đến thời điểm này cho rằng: “Thực ra, tôi hiểu rằng cũng khá đáng lo khi mà người trẻ Việt Nam xem nhiều phim ảnh dã sử, cổ trang Trung Quốc nhiều hơn tìm hiểu lịch sử Việt Nam nhưng xét trên góc độ điện ảnh hay nghệ thuật thì không thể phủ nhận tài năng của các nhà làm phim Trung Quốc”.
“Nếu nhìn theo hướng tích cực, thì các nhà làm phim Việt Nam cũng nên học hỏi Trung Quốc ở lĩnh vực này, thay vì ngồi lo lắng giới trẻ mê sử Trung hơn sử Việt rồi cấm cản họ xem phim”, anh Nam ý kiến.
Tôn Nữ Anh Thư, 24 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, freelancer mảng truyền thông, quảng cáo, người đã xem 57 tập Diên Hi công lược và trước đó là nhiều phim cổ trang của Trung Quốc bày tỏ: “Tôi thấy Việt Nam không có phim nào về chuyện hậu cung mà thể hiện được mánh khóe người xưa như Diên Hi công lược nên chuyện giới trẻ hứng thú và xem là điều bình thường, bây giờ trách các bạn trẻ như tôi thì hãy đưa ra một lựa chọn nào đó cho chúng tôi? Chưa kể, nhiều bạn coi xong họ còn trích đối thoại trong phim, "chế" ảnh, share rộng rãi trên mạng xã hội, đó chính là thể hiện sự tâm đắc, rất nhiều người đang thực sự yêu thích những bộ phim đó”.
Theo Thư: “Diên Hi công lược phản ánh đơn giản là cuộc chiến hậu cung và lịch sử trong phim chỉ là một nét, không phải sự kiện lớn nên tôi cho rằng nếu xem phim và hiểu về lịch sử Trung Quốc hơn thì là phỏng đoán và tuỳ người. Có thể hỏi các bạn trẻ, xem họ xem phim Trung Quốc để giải trí hay học lịch sử là biết ngay. Với cá nhân tôi, tôi chỉ quan tâm chuyện hậu cung, chứ không quan tâm đó là đời vua thứ bao nhiêu, năm bao nhiêu ở lịch sử Trung Quốc”.
“Chúng ta cũng cần nói thêm rằng, tại sao người trẻ Việt không thích xem phim tài liệu của Việt Nam để học lịch sử, vì nó khô khan quá, còn đây là phim nghệ thuật, người trẻ tất nhiên sẽ thích hơn”, Thư nói.
Người trẻ không quay lưng với lịch sử Việt Nam
Chị Nguyễn Thu Hà, thạc sĩ sư phạm lịch sử, Trường ĐH Giáo dục, ĐH quốc gia Hà Nội, cho hay bản thân chị không xem các phim cổ trang Trung Quốc nhưng chị thừa nhận, rất nhiều bạn trẻ đang “mê mệt” các phim này và sốt sắng tìm các địa chỉ có link phim trên mạng internet.
“Không thể trách người xem phim. Vì phim lịch sử, dã sử của phía Trung Quốc hấp dẫn, nó có nhiều chi tiết ảo, có thể không phải 100% lịch sử nhưng lôi cuốn người xem. Có thể người xem phim vì muốn giải trí, thấy phim hay, diễn xuất nhân vật quá đạt, tình tiết lôi cuốn, chứ không thể đánh đồng người ta xem là mê lịch sử Trung Quốc, bỏ bê lịch sử Việt Nam”, chị Hà nói.
Theo chị Hà, “nếu phim dã sử, cổ trang của Việt Nam làm cũng gay cấn và thành công, chắc chắn người trẻ sẽ không quay lưng”.
Một buổi nói chuyện về lịch sử Việt Nam được thực hiện bởi nhóm Sử Talk Trần Tuấn
Anh Trần Minh Tuấn, trưởng nhóm Việt sử kiêu hùng - những người trẻ thực hiện dự án phim dã sử theo lối diễn họa (animation), đã công chiếu hồi 1 mang tên Giấy của Tử chiến thành Đa Bang và được công chúng đón nhận chia sẻ với phóng viên Thanh Niên: “Nói về Diên Hy công lược, phim đầu tư tới hơn 700 tỉ đồng cho phần trang phục, thì thấy độ “khủng” của phim như thế nào”.
“Tôi có xem một số tập, đầu tư cực kỳ công phu về mặt biên kịch. Trong đó bao hàm rất nhiều yếu tố từ văn hóa, ẩm thực, trang phục, y học, lịch sử,.... lồng ghép khéo léo để quảng bá văn hóa, để làm được như vậy thì đoàn làm phim đã phải đầu tư thật sự rất lớn. Phim Việt gần đây có Song Lang, tôi mới đi coi tối qua, tôi thấy về trang phục, bối cảnh, vật dụng... đều làm hết sức chỉn chu, đây là một phim hiếm hoi hiện tại có thể dựng được như vậy, nhưng cũng chỉ làm tới thập niên 70, tức là cách đây mới 30 - 40 năm, còn phim lịch sử thì thật sự rất rất khó”.
Nhìn nhận vấn đề xa hơn, trưởng nhóm Việt sử kiêu hùng, nói: “Với tôi điều đáng lo là sự thiếu đầu tư để có những sản phẩm về văn hóa lịch sử của Việt Nam. Chính vì thiếu những sản phẩm như vậy nên phần nào đó, chúng ta chưa đối kháng lại được với cuộc "xâm lược văn hóa" này. Với mọi người thì sản phẩm hay, được đầu tư công phu thì họ đón nhận, không thể trách họ. Nhưng tôi tin rằng trong mỗi người Việt đều có sự ưu ái nào đó dành cho văn hóa lịch sử nước nhà nhiều hơn, chỉ là chưa có sản phẩm để họ xem mà thôi”.
Diễn viên Nguyễn Minh Tiệp cho rằng khâu kiểm duyệt phim cần phải được thực hiện nghiêm ngặt, bởi nếu bộ phim Trung Quốc nào đó xuyên tạc lịch sử, chủ quyền lãnh thổ Việt Nam mà vẫn được các khán giả trong nước đón nhận là điều hết sức nguy hiểm. Theo diễn viên Nguyễn Minh Tiệp, nếu đơn thuần chỉ là phim dã sử, cổ trang của Trung Quốc, không làm sai lệch lịch sử, chủ quyền của Việt Nam mà cấm người trẻ xem thì không thể, bởi đây là quyền tự do lựa chọn của mỗi người, đến những sản phẩm văn hóa.
“Tuy nhiên, theo tôi khán giả Việt Nam, đặc biệt khán giả trẻ hiện tại rất thông minh, nhạy bén, có lòng tự tôn dân tộc sâu sắc. Họ sẽ biết lựa chọn sản phẩm để xem và điều chỉnh hành vi của chính mình”, diễn viên Minh Tiệp nói.
Nam diễn viên tham gia Quỳnh búp bê cũng dẫn ra câu chuyện của nghệ sĩ Thành Lộc: “Tôi rất trân quý nghệ sĩ Thành Lộc. Anh Thành Lộc từng viết trên trang cá nhân facebook, anh từng yêu quý nghệ sĩ này, kia của Trung Quốc nhưng vì nghệ sĩ đó nói sai về lịch sử, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, anh không còn yêu mến họ nữa. Tôi nghĩ, đó là lòng tự tôn dân tộc luôn thường trực trong tim của mỗi người dân Việt Nam”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.