Hai cô gái lên rừng làm nông nghiệp thuận tự nhiên

09/11/2019 07:56 GMT+7

Với quyết tâm theo đuổi cách làm nông nghiệp thuận tự nhiên, 2 nữ kỹ sư đã bỏ ngang công việc đang làm để lên rừng thuê đất mở trang trại.

Đó là mô hình nông nghiệp hữu cơ bền vững của 2 kỹ sư trẻ Trần Thị Hằng (26 tuổi, ngụ P.Thạch Linh, TP.Hà Tĩnh) và Nguyễn Thị Ngà (24 tuổi, ngụ H.Sóc Sơn, Hà Nội).

Dấn thân làm nông... tử tế

Vừa tốt nghiệp Trường ĐH Nông Lâm Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) với tấm bằng kỹ sư ngành bảo vệ thực vật vào năm 2015, Hằng đã được nhận vào làm việc tại một trang trại nông nghiệp hữu cơ ở Hà Tĩnh với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Còn Ngà khi cầm trên tay tấm bằng kỹ sư ngành thiết kế cảnh quan của Học viện Nông nghiệp VN (Hà Nội) vào năm 2017 cũng nhanh chóng được nhận vào làm việc tại một trang trại nông nghiệp sạch kết hợp du lịch trải nghiệm ở tỉnh Hà Tĩnh với mức lương gần 3 triệu đồng.
Trong thời gian đi làm, Hằng và Ngà quen nhau khi cùng là thành viên trong nhóm “Chia sẻ cách làm nông” trên mạng xã hội. Các thành viên của nhóm đều là những người trẻ tuổi có chung ý tưởng làm nông nghiệp dựa trên các nguyên tắc sản xuất: không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, không chất bảo quản, không biến đổi gien. “Đó là cách làm nông nghiệp thuận tự nhiên mà tác giả cuốn sách Cuộc cách mạng một cọng rơm là ông Masanobu Fukuoka người Nhật Bản xây dựng. Theo cách làm này, người nông dân chỉ cần gieo hạt và thuận theo sự phát triển của thiên nhiên”, Hằng nói.
Tiếp lời, Ngà nói rằng nếu làm theo mô hình này thì phải biết dấn thân, kiên trì và đặc biệt là không đặt nặng về vấn đề kinh tế. Có như vậy mới tạo ra được các loại thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng và thân thiện với môi trường. Ý thức được điều này, cả hai đã hạ quyết tâm làm người nông dân... tử tế. Sau khi thống nhất kế hoạch, tháng 6.2018, Hằng và Ngà xin nghỉ công việc đang làm, lang thang tìm thuê đất rừng suốt gần 1 tháng trời để cùng nhau... khởi nghiệp. Mảnh đất “cắm dùi” mà cả hai thuê mở trang trại để thực hiện ý tưởng của mình là khu rừng rộng 1 ha ở thôn Đồng Xuân, xã Thạch Xuân, H.Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Hai cô gái lên rừng làm nông nghiệp thuận tự nhiên

Những sản vật được sản xuất theo lối canh tác thuận tự nhiên

“Khi chúng em lên đây, khu rừng này chủ yếu là cây bụi nên phải mất nửa tháng để dọn dẹp mặt bằng. Là đất rừng nên khô cằn, chỉ thích hợp trồng cây lâu năm. Do vậy, bọn em đã đi nhặt phân bò, lấy bèo tây và rơm rạ ngoài ruộng đưa về trang trại ủ làm phân hữu cơ cải tạo lại đất đai. Nhất quyết không sử dụng phân hóa học. Chúng em cũng nuôi 30 con gà cỏ đẻ trứng để lấy phân bón cho cây”, Hằng kể.

Hạnh phúc khi sống xanh

Hoàn thành khâu làm đất, hai nữ nông dân bắt đầu gieo hạt giống và hằng ngày nhìn ngắm chúng lớn lên mà ít tác động vào. Có chăng cũng chỉ là việc tưới nước, nhổ cỏ và bắt sâu bọ. Những luống rau dền, rau ngót, rau cải củ, đậu bắp, bí đỏ, sả... mà hai nữ nông dân gieo trồng trong trang trại được thực hiện theo phương thức canh tác thuận tự nhiên, chẳng cần chăm sóc nhiều, cây cũng phát triển xanh tốt. Hằng và Ngà hài lòng với những sản vật mà thiên nhiên ban tặng.
“Quá trình sinh sống trong rừng, em và chị Hằng đã học được cách tự tạo ra thức ăn, thảo dược và làm đồ thủ công. Vì thế, mọi vật dụng, đồ dùng trong trang trại đều được làm từ các cành cây, ván gỗ thay thế cho đồ nhựa. Rau củ quả hay những sản vật bán cho người dân cũng được gói bằng lá chuối thay cho túi ni lông. Chúng em cảm thấy hạnh phúc khi sống xanh, hòa mình với thiên nhiên, cây cỏ”, Ngà nói.
Theo Ngà, khách hàng mà hai chị em hướng đến là những hộ gia đình trong tỉnh Hà Tĩnh. Mùa nào thức nấy, trong trang trại có loại rau gì đã đến kỳ thu hoạch đều được rao bán hằng ngày qua mạng xã hội. Khi người dân đặt hàng, nếu không đến được trang trại thì cả hai sẽ đi xe máy giao đến tận nơi. Hai chị em dự định sẽ mở một cửa hàng thực phẩm sạch tại TP.Hà Tĩnh để thuận tiện hơn cho việc mua bán.
“Chúng em làm mô hình này không vì lợi nhuận mà muốn lan tỏa lối sống thuận tự nhiên đến cho mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ. Vì thế, cả hai đang xây dựng đề án mô hình nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch trải nghiệm trình chính quyền địa phương cấp phép và hỗ trợ về vốn cho hoạt động sản xuất”, Hằng tâm sự.
Đi theo triết lý nông nghiệp thuận tự nhiên mới được hơn 1 năm với số vốn mở trang trại chỉ vỏn vẹn 50 triệu đồng, nhưng Hằng và Ngà nói rằng cả hai chị em mãn nguyện với cuộc sống vừa đủ xung quanh mình, dù thi thoảng vẫn bị bạn bè cho rằng đấy là quyết định gàn dở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.