“Học đại học hay mang tâm lý học đại? Bao nhiêu tiền mồ hôi công sức của ba mẹ làm vất vả nuôi ăn học, rồi chưa kể công sức mười mấy năm đèn sách mới bước được vào giảng đường đại học. Thế mà học kiểu gì để kết quả yếu kém đến mức phải bị buộc thôi học?”, N.T.H.L, cựu sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, bức xúc bày tỏ trước câu chuyện hàng trăm sinh viên có thể bị buộc thôi học vì kết quả học tập yếu kém.
Học không hiểu nên lên lớp ngồi cho có mặt!
Kể về câu chuyện của mình thời sinh viên, H.L cho biết ngày xưa lúc cô học phổ thông kết quả rất tốt, năm nào cũng là học sinh giỏi, nhưng vào môi trường đại học thì kết quả không như mong đợi. “Mình nhớ học kỳ đầu tiên mình khá sốc với môi trường học đại học. Mọi thứ khác xa với học phổ thông, nên kết quả học tập của mình rất thấp, học mà chẳng hiểu gì hết. Nhưng sau học kỳ đầu, mình giật mình và mới bắt đầu học cách học đại học”.
H.L cho biết ngay sau đó thì cô bắt đầu quen dần và tự biết phải thay đổi phương pháp học tập cũng như lập ra kế hoạch rõ ràng cho việc học của mình.
“Mình nghĩ ba mẹ ở quê làm vất vả mới có được từng đồng gửi vào nuôi mình ăn học, nếu kết quả thấp thì coi như mình đã không quý trọng công sức và yêu thương cha mẹ. Nghĩ thế nên mình đi tìm các anh chị khóa trên, học theo các phương pháp và kinh nghiệm của các anh chị, nhờ đó mấy kỳ sau điểm học tập của mình khá ổn, chứ học đại học mà coi như học đại là xong, trượt một học kỳ là trượt dài luôn các học kỳ khác”, H.L nhớ lại.
|
Cũng theo H.L nếu không biết sắp xếp thời gian làm thêm thì rất dễ bị ảnh hưởng đến việc học. L. kể: “Mấy đứa bạn ở cùng phòng với mình lúc đó, toàn bỏ học đi làm. Nhiều đứa học đối phó, học cho qua môn còn xem việc làm thêm quan trọng hơn. Nhiều đứa nhà khó khăn thật nên lao đầu vào đi làm, nhưng cũng có nhiều đứa kiếm được nhiều tiền nên mê quá thế là cũng lao đầu vào luôn”.
Khi được hỏi học đại học dễ hay khó thì N.T.H.P, sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, chia sẻ: “Nói dễ thì cũng dễ nhưng khó thì cũng rất khó. Dễ là mình nhẹ nhàng với các bài học, không có áp lực như học phổ thông, nhưng cũng rất khó là do mình phải tự học là chính”.
P. cho rằng việc nhiều sinh viên kết quả học tập yếu kém là chuyện cũng dễ hiểu. P. chia sẻ: “Do sinh viên đa số đi làm thêm nên không có thời gian chăm chút cho việc học. Rồi học ở đại học có môn rất trừu tượng, sinh viên không hiểu bài và học đối phó để qua môn”.
Cũng theo P. tại vì là học không hiểu nên các bạn vào lớp chỉ để ngồi cho có mặt, hoặc theo kiểu học vẹt, trong sách có gì học theo đó chứ không tìm hiểu hay nghiên cứu gì thêm.
Với tâm lý xem học đại học như học đại của một bộ phận sinh viên, nên nhiều bạn chưa biết được chính xác là mình nên học như thế nào, bị cuốn theo việc học mà không trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết như kỹ năng thích nghi, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm… |
Cần trang bị nhiều kỹ năng
Là thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Giao thông vận tải phân hiệu TP.HCM, Vũ Thị Bích Phương, có những chia sẻ để giúp sinh viên có những phương pháp học tập hiệu quả. Theo đó, Phương cho biết mặc dù là thủ khoa đầu ra của toàn trường, với điểm số khá cao nhưng không phải suốt ngày Phương chỉ tập trung vào việc học, bởi theo Phương phương pháp học đại học khác nhiều so với thời học sinh.
Phương chủ động tập trung học trên lớp, để nắm kiến thức, đến những ngày thi chỉ cần ôn qua một lần là Phương đã vững được kiến thức. Theo Phương, sai lầm của nhiều sinh viên là thường không coi trọng thời gian học trên lớp, như vậy rất là lãng phí, nhiều bạn lên lớp thường ngủ gật hoặc làm việc riêng như xài điện thoại… dẫn đến không nắm vững được kiến thức.
Vừa tham gia nhiều các hoạt động xã hội, vừa đi làm thêm nhiều việc nhưng Phương vẫn sắp xếp và cân đối được thời gian. Phương khuyên: “Sinh viên nên đi làm thêm để được va chạm nhiều hơn, nhưng tân sinh viên mới bước vào môi trường đại học thì không nên đi làm thêm vì lúc đó các bạn còn nhiều bỡ ngỡ, sẽ dễ bị cuốn theo công việc...”.
|
Nhìn nhận về câu chuyện kết quả học tập của nhiều sinh viên bị yếu kém, chuyên gia tâm lý, thạc sĩ giáo dục Chế Dạ Thảo, giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến câu chuyện này.
Đầu tiên, theo chị Thảo là do các bạn đã chọn và định hướng sai ngành nghề. Nên khi bắt đầu vào việc học không có hứng thú và không có động lực phấn đấu. Tiếp đến là do các bạn chưa quen với cách làm việc và học tập ở trường đại học, do môi trường đại học có cách học, nghiên cứu khác rất nhiều so với bậc phổ thông, nên nếu các bạn không có kỹ năng thích nghi với môi trường học đại học thì kết quả học tập sẽ rất tệ. Nguyên nhân thứ 3 là một số bạn thích công việc làm thêm, tập trung quá nhiều thời gian vào những việc làm thêm hơn là việc học tập và không phân bổ được thời gian hợp lý nên dễ sa đà vào các hoạt động khác. Nguyên nhân tiếp theo nữa là do các bạn không đặt ra mục tiêu rõ ràng cho việc học tập, bị hoang mang trước việc học đại học, không biết rằng mình nên làm gì, không hoạch định được những kế hoạch mục tiêu cuộc đời.
Với tâm lý xem học đại học như học đại của một bộ phận sinh viên, theo chị Thảo phần lớn là do các bạn chưa biết được chính xác là mình nên học như thế nào, bị cuốn theo việc học mà không trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết như kỹ năng thích nghi, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm…
“Và quan trọng nữa là những năm đầu tiên, thường là những môn đại cương, ít liên quan đến chuyên ngành, các bạn chưa hiểu nên không có hứng thú nhiều nữa, việc không có hứng thú dẫn đến sẽ không nỗ lực nhiều, nên các bạn không đặt nặng vấn đề học tập so với các hoạt động còn lại”, chị Thảo chia sẻ.
Vậy thì làm sao để học tập tốt ở giảng đường đại học và không để rơi vào tình trạng bị buộc thôi học vì kết quả học tập yếu kém? Chị Thảo khuyên: “Trước tiên phải xác định rõ ràng mục tiêu học tập của mình và phải có kế hoạch rõ ràng cho việc mình cần làm trong những khoảng thời gian nhất định. Chẳng hạn những khoảng thời gian nào các bạn dành để trang bị các hệ thống kỹ năng, để thực hành nghề hay mở rộng các mối quan hệ… Tiếp đến là phải trang bị cho mình hệ thống kỹ năng mềm để có thể vượt qua chương trình học tập ở giảng đường đại học”.
Bình luận (0)