Hành trình chinh phục học bổng thạc sĩ ngành báo chí của chàng trai mê tiếng Trung

04/09/2021 08:00 GMT+7

Vừa tốt nghiệp loại giỏi ngành ngôn ngữ tiếng Trung Quốc tại Trường ĐH Hà Nội, Lê Hoàng Long còn nhận được tin trúng tuyển học bổng toàn phần, học bổng chính phủ Trung Quốc tại ĐH Nam Kinh và ĐH Sư phạm Bắc Kinh.

Dù khó khăn vẫn … không ngăn ý chí

Năm 2017, với số điểm 26 khối D, Hoàng Long đã chọn Khoa Tiếng Trung, Trường ĐH Hà Nội. Lúc đó, niềm thôi thúc học tiếng Trung chỉ đơn giản là học một ngôn ngữ nào đó ngoài Tiếng Anh. Vừa bước chân vào ĐH, không may Long bị bệnh và phải nằm viện một thời gian dài. Sau khoảng thời gian đó khi trở lại trường thì cũng là lúc các bạn cùng lớp đã được học hết phần phát âm tiếng Trung và cách viết Hán tự.
Khó khăn với Long cũng bắt đầu từ đây vì lúc này giảng viên dạy hoàn toàn bằng tiếng Trung và Long hầu như không tiếp thu được gì, và cũng không biết viết chữ Hán. Thế là, Long bắt đầu đi tìm phương pháp học lại từ đầu. “Mình vượt qua khó khăn bằng cách ngoài giờ học trên lớp thì mình còn tìm tòi trên mạng. Mình nhờ các bạn trong lớp giảng lại và hỏi giảng viên thật nhiều. Sau một tháng thì mình lấy lại kiến thức căn bản. Những ngày sau đó vừa cố gắng hiểu những bài giảng mới vừa cố gắng học những kiến thức cũ. Cuối cùng mình cũng theo kịp các bạn trong lớp, với mình giai đoạn đó là ác mộng”, Long tâm sự.
Chia sẻ về bí quyết học giỏi tiếng Trung, nam sinh viên cho biết anh phải tự tạo ra áp lực để có động lực học. Đó chính là áp lực từ chương trình học, áp lực từ thầy cô, áp lực từ bạn bè. Thầy cô nghiêm khắc, yêu cầu cao, bạn bè giỏi, thành tích học tập tốt, thành tích ngoại khóa phong phú tạo cho Trung một áp lực, cũng như động lực học tập vô cùng lớn.
Bên cạnh áp lực, là thói quen tự học. Long vẫn dành ra 1 ngày để học, làm bài tập, đọc thêm tài liệu vào ngày cuối tuần. Sau đó, anh ghi ra những vấn đề mà mình còn thắc mắc về những bài học trong tuần tiếp theo. Long cũng thường xem phim truyền hình, phim tài liệu tiếng Trung không có phụ đề và đọc sách tiếng Trung không tra từ điển. Anh chia sẻ: “Xem phim luyện kỹ năng nghe, nghe ở đây không chỉ là nghe giọng phổ thông chuẩn mà muốn rèn luyện nghe hiểu được cả giọng các vùng miền khác nhau của Trung Quốc. Đọc sách không tra từ điển giúp mình rèn luyện kỹ năng đoán nghĩa của từ, đoán cách đọc của từ thông qua các bộ thủ, giúp nhớ từ lâu hơn”.
Nhờ những cách học này mà Long đã đạt một số thành tích tiêu biểu ở các kỳ thi như: Đạt được chứng chỉ HSK6 - trình độ C2 tiếng Trung, chứng chỉ HSKK cao cấp (chứng chỉ cao nhất về kỹ năng nói tiếng Trung), TOCFL5 (chứng chỉ tiếng Trung phồn thể của Đài Loan), hoàn thành 3 bài nghiên cứu khoa học, trong đó có 1 bài nghiên cứu xuất sắc khoa Ngôn ngữ Trung. Nam sinh viên tốt nghiệp ĐH loại giỏi với số điểm 3.55/4.0 hồi tháng 7.
Long bày tỏ: “Mình còn một nguyên tắc khi đọc giáo trình, sách báo áp dụng từ nhiều năm nay 'đặt bút highlight xuống và cầm bút chì lên'. Khi đọc mỗi cuốn sách mình đều dùng bút chì để ghi lại suy nghĩ, góc nhìn, cách hiểu của mình. Đến khi ôn lại cuốn sách ấy, mình sẽ biết suy nghĩ của mình khi đọc lần đầu tiên thế nào. Nhưng nếu chỉ dùng bút highlight gạch ý thì sẽ khó có thể nhớ được thông tin. Ngoài ra, với những kiến thức mình thấy hay, có ích mình cũng ghi lại vào một quyển sổ để sau này đọc lại”.

Lê Hoàng Long (đầu tiên từ trái) trong buổi nghiên cứu khoa học tại Trường ĐH Hà Nội

NVCC

Mong muốn trở thành nhà nghiên cứu báo chí

Long kể việc du học là niềm khao khát từ những năm đầu bước chân vào ĐH. Từ những lời chia sẻ, những câu chuyện của các thầy cô về nước ngoài là những ngọn lửa góp phần truyền cảm hứng và thôi thúc Long cố gắng hơn để giành học bổng.
Vào tháng 3, Long nộp hồ sơ để xin học bổng và đến tháng 7 thì nhận được thông tin trúng tuyển học bổng thạc sĩ toàn phần vào ngành báo chí của Trường ĐH Nam Kinh và ngành truyền thông học ở Trường ĐH Sư phạm Bắc Kinh. Sau thời gian suy nghĩ, Long chọn theo ngành báo chí và truyền thông.
Chia sẻ về dự định tương lai, Long mong muốn học lên tiến sĩ và nghiên cứu các vấn đề, hiện tượng liên quan báo chí truyền thông. “Sau khi học xong thạc sĩ, mình dự định sẽ học tiếp lên tiến sĩ bởi vì mình rất yêu thích công việc nghiên cứu khoa học. Khi về Việt Nam, mình hy vọng có thể trở thành giảng viên đại học để có thể tiếp tục truyền ngọn lửa đam mê tiếng Trung cũng như báo chí cho nhiều người trẻ có đam mê như mình”, Long thổ lộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.