Hành trình đi tìm ước mơ của cô gái bại liệt

05/04/2019 08:11 GMT+7

Cơn sốt bại liệt ngày thơ ấu khiến Huỳnh Thị Kim Hoàng có cánh tay trái bị teo cơ, không cử động bình thường như bạn bè cùng trang lứa. Nhưng thiệt thòi về thể xác không làm vơi đi nghị lực đi tìm ước mơ của Hoàng.

Nghị lực

Tôi không còn tự ti mình là người khuyết tật, tôi muốn giúp nhiều người khuyết tật khác cơ hội làm chủ cuộc sống của mình
 Huỳnh Thị Kim Hoàng
Hoàng (33 tuổi), đang là vận động viên (VĐV) người khuyết tật của TP.HCM bộ môn điền kinh. Trước đó, từ năm 27 tuổi, cô là thành viên của bộ môn bơi lội, thi đấu khắp các đại hội thể thao người khuyết tật trong nước và Đông Nam Á (Para Games).
Cô có 3 lần giành huy chương bạc Para Games các năm 2014, 2015, 2016 và giành 13 huy chương vàng, 5 huy chương bạc, 2 huy chương đồng các kỳ đại hội trong nước. Hoàng cho biết tình yêu thể thao đã cho cô sự mạnh mẽ, lạc quan, luôn dám đi theo những đam mê của mình.
“Tôi sinh ra ở miền sông nước, biết bơi từ thuở nhỏ. 27 tuổi, tôi xin đăng ký trở thành VĐV để được tập luyện, thi đấu giống như anh chị vô địch Para Games mà tôi xem qua ti vi từ ngày nhỏ”, Hoàng nhớ lại.
Quê ở ấp Cầu Xây, xã Long Trạch, H.Cần Đước, Long An, Hoàng tốt nghiệp một trường CĐ về công nghệ thông tin, sau đó đi làm thuê cho một công ty tại TP.HCM. Tiết kiệm chi phí cho gia đình, cho đến tận hôm nay, Hoàng không ở trọ mà ngày nào cũng di chuyển bằng xe máy để tới chỗ làm và nơi tập luyện, ngày nào cũng làm hơn 8 tiếng rồi tập luyện thêm 2 tiếng nữa, có khi cả ngày chỉ kịp ăn hộp cơm nhưng vẫn kiên trì vượt qua các khó khăn.
“Tôi không còn tự ti mình là người khuyết tật, tôi muốn giúp nhiều người khuyết tật khác cơ hội làm chủ cuộc sống của mình”, Hoàng tâm sự.

Bắt đầu từ đặc sản

Năm 2016, Hoàng mở công ty cung cấp đặc sản Long An với mong muốn đưa món lạp xưởng tươi tới đông đảo người dùng hơn. Hoàng tập hợp mọi người thân trong gia đình, cùng sản xuất theo đơn đặt hàng vào những dịp lễ tết.
Cũng trong thời gian là VĐV bơi lội, nhận thấy mái tóc của mình bị xơ xác đi nhiều, trong khi đó ở quê nhà dồi dào thảo mộc thiên nhiên như cỏ mần trầu, bồ kết, chanh, sả, gừng, bồ hòn… Hoàng mở cơ sở sản xuất dầu gội.
Đến nay, sản phẩm dầu gội làm từ cỏ cây và được nấu theo phương pháp truyền thống này đã được bạn trẻ ở Long An, TP.HCM sử dụng rộng rãi, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều bạn trẻ khuyết tật khác tại Long An. “Mỗi đợt tôi sản xuất khoảng 70 lít dầu gội thành phẩm, tới nay đã cung cấp ra thị trường hơn 500 lít. Tôi luôn hướng tới mục tiêu, sẽ phát triển không chỉ dầu gội mà còn son dưỡng môi, mặt nạ da mặt từ nông sản quê nhà như trái gấc, cám gạo để mọi người được làm đẹp, lại giúp nhiều người khuyết tật quê tôi có được việc làm hơn”, Hoàng bộc bạch.
Ban ngày tập luyện chăm chỉ. Mỗi buổi tối Hoàng lại cặm cụi nghiên cứu dược liệu, tính toán chi phí để chinh phục giấc mơ khởi nghiệp của mình. Mới đây, chúng tôi gặp Hoàng trong một diễn đàn về khởi nghiệp sáng tạo ở TP.HCM, Hoàng tự tin đặt câu hỏi với những chuyên gia và mong có được cơ hội tiếp cận gần hơn với các nhà đầu tư.
Hoàng khoe, cô mang sản phẩm dầu gội cỏ mần trầu đi dự thi cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo do Tỉnh đoàn Long An tổ chức, được đánh giá cao và đến cuối tháng 4 này sẽ là đêm chung kết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.