Hỗ trợ oxy giảm, tình nguyện viên phấn khởi vì sắp… thất nghiệp

21/09/2021 17:34 GMT+7

Những tình nguyện viên hay ông chủ ATM oxy rất vui mừng khi những cuộc gọi nhờ hỗ trợ oxy từ người dân ngày càng giảm dần và mong từ đây về sau sẽ không còn cuộc gọi nào nữa.

Giảm một nửa các cuộc gọi hỗ trợ oxy

Những ngày gần đây, anh Hoàng Tuấn Anh, doanh nhân trẻ tại TP.HCM triển khai chương trình ATM oxy, cho biết các tình nguyện viên đã bớt cực nhọc hơn khi hỗ trợ oxy cho người dân. Tuấn Anh chia sẻ ATM oxy của anh hoạt động hồi cuối tháng 7 vừa qua. Nhiệm vụ cung cấp oxy miễn phí cho các bệnh viện dã chiến, trạm y tế lưu động và hỗ trợ tận nhà cho người dân.
Theo Tuấn Anh, thời điểm tháng 8 vừa qua là thời điểm nóng nhất với đội ATM oxy, bởi mỗi ngày nhận được khoảng hơn 2.000 - 3.000 cuộc gọi nhờ hỗ trợ và giao hơn 2.000 bình oxy. Số lượng bình oxy từ vài trăm đã tăng lên tới 7.000 bình và khả năng phục vụ tăng lên vài chục lần. Đến thời điểm hiện tại, chương trình ATM oxy đã phục vụ tổng cộng hơn 30.000 bình oxy ở TP.HCM. Bên cạnh đó, đội còn xây và chuyển đổi 2 nhà máy thành nhà máy oxy y tế kèm 23 đội oxy lưu động chuyên cấp đổi hoặc cấp mới oxy cho các bệnh viện 24/7.

Anh Tuấn Anh cho biết các cuộc gọi nhờ hỗ trợ oxy đã giảm phân nửa so với hồi tháng 8

Lê Nam

“Thời điểm đó có những áp lực với các tình nguyện viên là chuyện sinh tử. Chúng tôi phải lựa chọn những ca nặng nhất để đến. Tuy vậy, cũng có những bệnh nhân chuyển biến nhanh rồi không qua khỏi, chúng tôi cảm thấy rất buồn. Gần như các tình nguyện viên ám ảnh chuyện đó. Cho nên các bạn ăn ngủ ở các trạm, nằm cạnh bình oxy 24/7. Khi có điện thoại tới thì lên đường bất cứ lúc nào”, anh Tuấn Anh nói.
Tuấn Anh cũng nhìn nhận trên ứng dụng 24/7 số lượng giường bệnh dành cho bệnh nhân F0 đã có nhiều giường trống. Đồng thời số lượng cung cấp oxy của ATM oxy cũng đã chuyển biến theo hướng giảm rõ ràng. Hồi đầu tháng 9 này, Tuấn Anh nhận thấy những cuộc gọi nhờ hỗ trợ oxy của anh cũng giảm theo. Số cuộc gọi giảm phân nửa khoảng còn hơn 1.000 cuộc một ngày so với thời điểm tháng 8.
“Tôi rất mừng, việc đứng sự lựa chọn sinh tử của người khác rất đau khổ. Đến thời điểm hiện giờ chúng tôi cũng khá yên tâm và hy vọng những cuộc gọi nhờ hỗ trợ oxy không lặp lại tại các tỉnh thành khác. Và không còn những chương trình hỗ trợ oxy nào khác nữa để mọi người trở lại cuộc sống bình thường”, anh Tuấn Anh cho hay.

Chuyển đổi từ hỗ trợ oxy thành phát lương thực

Anh Trường, đại diện đội S.O.S VTVN and Long Ve Chai cũng tỏ ra phấn khởi hơn khi thành phố như chuyển mình tích cực vì dịch bệnh. Theo anh Trường, tháng 8 vừa qua là những tháng ngày hoạt động liên tục. Mỗi ngày trong khoảng từ 30 giây đội sẽ nhận một cuộc gọi nhờ hỗ trợ oxy miễn phí. Mọi thứ cứ dồn dập gần 1 tháng khi các tình nguyện viên phải chạy liên tục khắp nơi đến 3, 4 giờ sáng.
Thời điểm đó, đội huy động được 900 bình oxy với các khối lượng 8, 12, 14 lít. “Có lúc chúng tôi phải đưa ra nhiều lựa chọn vì không thể đi hỗ trợ hết được”, anh Trường nói.
Đến ngày 5.9 anh Trường vừa thở phào vừa cảm nhận được sự nhẹ nhỏm khi các cuộc gọi giảm dần. Mỗi ngày, các thành viên đội của anh cũng được giảm bớt áp lực vì chỉ đi hỗ trợ một vài bình oxy ở Q.Tân Bình. Đây là tín hiệu đáng mừng của người dân và của đội cung cấp oxy miễn phí.

Anh Long dần chuyển đổi hỗ trợ lương thực cho người dân khi nhu cầu ôxy miễn phí ngày càng giảm

Anh Trường nói tiếp: “Ngày xưa khi F0 có chỉ số SpO2 xuống 60, 75, 80 chúng tôi buộc phải lựa chọn hỗ trợ trước. Nhưng giờ chỉ số của F0 chỉ số SpO2 chỉ cần xuống thấp hơn 90 là chúng tôi đã đi hỗ trợ liền rồi. Tôi cũng mừng lắm. Bây giờ một phần công ăn việc làm đã trở lại chúng tôi cũng giảm oxy hỗ trợ lương thực cho bà con. Chúng tôi dự tính chắc làm tới đâu hay tới đó thôi chứ không có kết hoạch gì”.
Còn anh Huỳnh Quang Nhật Long (ngụ đường số 1, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM) cũng tỏ ra vui mừng khi những chuyến xe chở oxy đã giảm nhiều trong thời gian qua.
Trung bình mỗi ngày anh chỉ chở khoảng 30 bình cho 3 quận như: Q.Bình Tân, Tân Phú, H.Bình Chánh so với hàng trăm bình mỗi ngày hồi tháng 8.
“Hồi xưa tôi cứ cấm đầu chạy chở oxy, còn bây giờ tôi có nhiều thời gian hơn nên tôi đi phát lương thực, thuốc men cho bà con. Tôi vui lắm chứ, tôi ước gì giờ chỉ còn bạn bè gọi điện thoại hỏi thăm thôi chứ không hề muốn nghe cuộc gọi về oxy lần nào nữa”, anh Nhật Long bày tỏ hy vọng lạc quan về dịch Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.