Hóa giải những khó khăn mùa dịch Covid-19

22/07/2021 06:00 GMT+7

Nhiều kinh nghiệm, mô hình, sáng kiến quý báu để giải quyết khó khăn trong mùa dịch đã được chia sẻ tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm phát huy vai trò của Đoàn thanh niên trong phòng chống dịch Covid -19, do T.Ư Đoàn tổ chức.

Sáng 21.7, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, Ban Bí thư T.Ư Đoàn tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm phát huy vai trò của Đoàn thanh niên trong phòng, chống dịch Covid-19, theo hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành Đoàn trên toàn quốc, với sự chủ trì của anh Ngô Văn Cương, Bí thư T.Ư Đoàn.

Vận chuyển hàng hóa miễn phí

Chia sẻ tại hội nghị, nhiều đơn vị cho biết khi dịch bệnh, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm gặp rất nhiều khó khăn.
Anh Nguyễn Đức Tiến, Phó bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên VN TP.Hà Nội, cho biết để đội hình này không bị ách tắc khi đi qua nhiều tỉnh, thành, thành đoàn đã làm việc trước với các chốt kiểm soát và thành lập tổ công tác, có đại diện của Sở GTVT, Sở Y tế để thống nhất phương án, có sự hướng dẫn của lực lượng CSGT, nên đoàn đã “đi đến nơi về đến chốn” và không bị cách ly mỗi khi trở về từ vùng dịch Covid-19.
Chia sẻ kinh nghiệm vận tải trong vùng dịch, anh Thân Trung Kiên, Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Giang, một điểm nóng về dịch Covid-19 trong thời gian qua, cho biết để thông suốt thì tổ chức Đoàn đã phát huy đội xe vận chuyển hàng hóa miễn phí. “Đội hình này được test thường xuyên và ưu tiên tiêm vắc xin, Sở Y tế cấp giấy di chuyển để “thông chốt”. Nhờ có đội hình này mà việc tiêu thụ nông sản, vận chuyển nhu yếu phẩm không gặp khó khăn”, anh Kiên nói.
Đại diện Tỉnh đoàn Bình Thuận cũng chia sẻ sáng kiến “ATM gạo di động - Shipper xanh”. Bên cạnh phương thức người dân đến trực tiếp nhận gạo tại cây ATM gạo, đội hình “Shipper xanh” là những đoàn viên, thanh niên nhận gạo tại cây ATM gạo và sau đó di chuyển đến địa điểm khu vực bị phong tỏa, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người lang thang cơ nhỡ, người khuyết tật, hộ nghèo và cận nghèo... để trao gạo.

Thành lập đội hình phản ứng nhanh

Nhiều tỉnh, thành Đoàn cho biết đã thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện phản ứng nhanh để xử lý mọi tình huống cấp bách. Anh Thân Trung Kiên chia sẻ: “Trong khi diễn biến dịch bệnh phức tạp thì cần nguồn lực đáp ứng nhiệm vụ, tổ chức Đoàn đã đáp ứng nhanh, thanh niên xung kích làm bất cứ nhiệm vụ gì. Đoàn đã huy động 500 tình nguyện viên để sẵn sàng tham gia tình nguyện tại chỗ như phục vụ khu cách ly, xây dựng, lắp ráp giường bệnh cho bệnh viện dã chiến… Đội phản ứng nhanh có 3 tổ phụ trách: tổ tình nguyện, tổ nguồn lực, tổ tuyên truyền. Ví dụ, tổ nguồn lực có nhóm Zalo, chỉ một công nhân kêu thiếu rau, ngay lập tức rau được mang đến”.
Thành đoàn TP.HCM cũng cho biết đã thành lập 319 đội hình phản ứng nhanh ở tất cả phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP với 32.831 lượt đoàn viên thanh niên tham gia; triển khai hiệu quả các mô hình “ATM gạo”, “ATM khẩu trang”, “Gian hàng 0 đồng”, “Tủ lạnh vì cộng đồng”, Bếp ăn nghĩa tình, Chợ nghĩa tình…
Tỉnh đoàn Bình Dương cho hay, Đội hình thanh niên tình nguyện phản ứng nhanh cấp tỉnh đã cung cấp 926 lượt tình nguyện viên hỗ trợ các cơ sở trong tỉnh, 22 tình nguyện viên hỗ trợ bên trong 4 khu cách ly, 30 tình nguyện viên hỗ trợ 5 tổ bên ngoài khu cách ly (truy vết, nhập liệu, hậu cần, truyền thông, tổng đài).

Sẽ lập các chốt hỗ trợ lưu thông

Chia sẻ tại hội nghị, anh Nguyễn Minh Triết, Trưởng ban Thanh niên trường học (T.Ư Đoàn), cho biết để chống đứt gãy nguồn cung ứng, đảm bảo lưu thông hàng hóa, cung cấp kịp thời đến điểm cách ly, phong tỏa, T.Ư Đoàn sẽ triển khai đội hình đảm bảo lưu thông. Đội hình này sẽ kết nối thông tin giao thông; phân phối hàng hóa; hỗ trợ lực lượng chức năng. Các đội hình này sẽ lập thành các chốt hỗ trợ lưu thông, trải dài từ bắc vào nam để phục vụ đội vận tải hàng hóa trong mùa dịch Covid-19, với mục tiêu cuối cùng là hàng hóa được lưu thông đến những điểm cần.
Theo anh Nguyễn Hải Minh, Trưởng ban Đoàn kết tập hợp thanh niên (T.Ư Đoàn), với thông điệp “Trao bữa cơm - Trao niềm tin”, chương trình “Triệu bữa cơm” do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN phối hợp các doanh nghiệp triển khai đã đến với 24 tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và sẽ tiếp tục được triển khai cho đến khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế.
Phát biểu tại hội nghị, anh Ngô Văn Cương cho biết thời gian qua, ngay khi có dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các cấp bộ Đoàn trong cả nước đã vào cuộc. Nhiều mô hình, sáng kiến của thanh niên đã để lại dấu ấn cho cộng đồng trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Hiện dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp, đòi hỏi công tác Đoàn phải có điểm mới, điểm sáng trong việc hỗ trợ người dân.
Anh Cương đề nghị các tỉnh, thành Đoàn và các đơn vị trực thuộc cần tiếp tục phát huy sáng kiến trong thời gian qua, sẵn sàng chuẩn bị đội hình tình nguyện và nguồn lực để ứng phó đại dịch Covid-19. T.Ư Đoàn cũng sẽ có giải pháp hỗ trợ các tỉnh đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, trong đó sẽ lập danh sách phối hợp với Hội Doanh nghiệp trẻ để kịp thời cung cấp nhu yếu phẩm cho những nơi khó khăn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.