Học sinh bị stress vì hay so sánh với bạn bè

24/11/2018 19:17 GMT+7

Đó là kết quả nghiên cứu do tiến sĩ Thái Thanh Trúc (giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM) cùng các đồng nghiệp thực hiện.

Kết quả này vừa được đưa ra tại Hội nghị Khoa học công nghệ do Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) tổ chức từ ngày 18 - 22 vừa qua. 
Theo nghiên cứu trên gần 1.100 học sinh khối lớp 10, 11, 12 của 3 trường THPT ở TP HCM đã cho ra kết quả: Có hơn 35% học sinh bị stress, gần 60% học sinh rơi vào trạng thái lo âu và gần 39% học sinh bị trầm cảm.
Cũng theo nghiên cứu này, thì học sinh gia đình kinh tế mức nghèo bị stress cao hơn 1,5 lần học sinh nhà khá giả, và học sinh khối lớp 12 bị stress nhiều hơn 1,29 lần so với khối lớp 10...
Những nguyên nhân
Tiến sĩ Thái Thanh Trúc cho biết trong nghiên cứu này không hỏi về thu nhập và kinh tế của gia đình học sinh, mà hỏi về cảm nhận của học sinh về kinh tế gia đình.

Thực tế cho thấy nhiều gia đình có thu nhập không cao nhưng học sinh cảm nhận như thế là đủ và phần nào đó hài lòng về nó thì ít dẫn đến stress. Ngược lại, có gia đình thu nhập cao nhưng học sinh cảm nhận như thế là chưa đủ và không thoải mái về việc đó thì nhiều khả năng dẫn đến stress.
"Chính những cảm nhận này mới là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến stress chứ không phải bản thân thu nhập của gia đình. Học sinh thường hay đặt, để, so sánh hoàn cảnh kinh tế của mình và gia đình trong môi trường xã hội, môi trường học tập nên nếu thấy sự 'thua sút' của mình sẽ có thể dẫn đến stress", ông Trúc cho hay.
Vậy làm thế nào để động viên, giúp học sinh có thể vượt qua stress đang gặp? Ông Trúc cho rằng có nhiều nguyên nhân không thể can thiệp được, như không thể biến con nhà nghèo thành nhà giàu. "Và cần lưu ý ở đây là cảm nhận về tình trạng kinh tế gia đình, và thực tế cũng khó can thiệp. Tuy nhiên, có thể can thiệp điều này thông qua các giải pháp giảm sự khác biệt về sự thể hiện và đánh giá cá nhân thông qua vật chất. Ví dụ, nếu các bạn đi xe tay ga hoặc xe máy mà mình chỉ đi xe đạp hoặc nếu các bạn đều có điện thoại thông minh đời mới nhất mà mình không có điện thoại thì học sinh đó dễ bị stress", ông Trúc nói thêm.
Do áp lực thi cử
Theo tiến sĩ Thái Thanh Trúc, sở dĩ học sinh lớp 12 gặp phải stress nhiều hơn thì gồm nhiều nguyên nhân, nhiều yếu tố tác động.
"Tuy nhiên, áp lực thi cử cuối cấp là một trong các nguyên nhân chính. Các nghiên cứu trước đây của tôi, và kể cả trong y văn đều thể hiện điều này", ông Trúc cho biết.
Cũng theo giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM này thì có các dấu hiệu học sinh bị stress mà chỉ có sự quan tâm theo dõi qua thời gian mới có thể thấy được như: trước giờ không có nhưng nay học sinh lại hay gây hấn, dễ nổi loạn, tức giận không kiểm soát hoặc dễ khóc, buồn chán, lo lắng, không tập trung và kể cả trầm cảm.
Theo ông Trúc, trong nhiều nghiên cứu trước đây, về giải pháp thường chỉ tìm hiểu về tình trạng stress của học sinh cũng như ảnh hưởng của nó mà hiếm có nghiên cứu khảo sát xem học sinh đã làm gì để đương đầu với stress.
Nếu học sinh có cách “đương đầu” với stress không phù hợp, không đúng thì càng làm cho tình trạng stress nặng nề hơn và có thể dẫn đến các hậu quả xấu. "Chúng tôi cũng vừa tiến hành xong và nộp 2 bài xuất bản trên tạp chí quốc tế về việc này. Kết quả cho thấy nhiều học sinh THPT và kể cả sinh viên năm 1 Trường ĐH Y dược TP.HCM đã chọn cách đối đầu không phù hợp với stress. Có thể kể như né tránh nguyên nhân dẫn đến stress mà không tìm cách vượt qua stress. Hay tự trách mình mà không giải quyết stress, mơ tưởng mà không giải quyết gốc rễ của stress. Bên cạnh đó, họ tách xa khỏi xã hội và môi trường thực tại", ông Trúc cho biết.
Để có thể giải quyết được vấn đề đáng lo ngại này, theo ông Trúc, cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ từ phía nhà trường và phụ huynh. "Không nên hướng đến 'học sinh cần làm gì' mà phải là gia đình, nhà trường và xã hội phải làm gì?. Phụ huynh thì cần quan tâm nhiều hơn đến các con để có thể thấy được những dấu hiệu thay đổi ở các con và tìm cách giúp hoặc cùng các con vượt qua. Nhà trường thì cần có nhiều hoạt động ngoại khóa để giúp giảm stress cho học sinh. Điểm yếu và thiếu về việc có chuyên gia tâm lý để tư vấn hỗ trợ tại các trường cần được khắc phục sớm", ông Trúc nói.
Cần chú trọng tư vấn học đường
Cũng theo nhóm nghiên cứu, thì việc học sinh bị stress như vậy, sẽ khiến dẫn đến những hệ lụy như: tình trạng rối loạn tâm thần, nặng hơn như trầm cảm và có thể dẫn đến có ý nghĩ tiêu cực như tự làm tổn thương bản thân hay tự tử. 
Tuy nhiên, nếu có phương pháp đối đầu phù hợp  thì học sinh có thể vượt qua. Mà điều này đòi hỏi việc học sinh cần được hướng dẫn thông qua các chương trình giáo dục nâng cao sức khỏe. Và để được như vậy, thì cần nâng cao tư vấn học đường trong nhà trường.
"Một môi trường giáo dục cho đối tượng vốn trong giai đoạn phát triển không ổn định về tâm lý thì không thể không có chuyên gia về tâm lý. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam thì các trường hoặc không có hoặc có nhưng không hiệu quả. Mặc dù có y tế trường học, nhưng chuyên ngành và chuyên môn về tâm lý của nhân viên y tế học đường cũng cần được nâng cao. Vấn đề này cần được chú trọng hơn", ông Trúc khuyến nghị.
 
Nhóm nghiên cứu gồm: Tiến sĩ Thái Thanh Trúc, giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM, tiến sĩ Huỳnh Hồ Ngọc Quỳnh, bác sĩ Nguyễn Võ Phương Trang, bác sĩ Bùi Bình Minh, cử nhân Vũ Thị Ly Ly Ngọc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.