Thùng rác hình cá để tái chế rác
Nhóm 5 học sinh lớp 10 có hoàn cảnh đặc biệt đang theo học tại Trường nghề Nhân Đạo. cùng tham gia vào câu lạc bộ có tên Imagine để trao đổi về học tập và kỹ năng sống. Dần dần câu lạc bộ phát động dự án kêu gọi học sinh tự bảo vệ môi trường trong chính nơi mình học.
Nhóm trưởng Nguyễn Ngọc Tuyền (học sinh lớp 10 E2) cho biết ý tưởng xuất phát từ những gì đang cần ở trường. Ví dụ như trường đang thiếu nước sạch cho học sinh uống hoặc thiếu sự phân loại rác, thiếu mảng xanh… Ngoài ra, ở trường, học sinh thường xuyên sử dụng ly, chai nhựa, lại không hề phân loại khi thu gom rác. Do đó, nhóm đã chọn đề tài về phân loại rác thải nhựa và huy động học sinh ở trường cùng thu gom chai lọ nhựa.
|
Để thực hiện ý tưởng đó, nhóm của Tuyền đã bàn bạc và quyết định thực hiện mô hình thùng rác bằng tre có hình con cá. Tuyền nói: “Thường thì người ta bỏ chai nhựa vào thùng rác cảm thấy rất nhàm chán thì chúng em làm hình thù con cá này. Nó tạo thêm sự thích thú cho học sinh hơn khi tham gia”.
Sau khi có ý tưởng , nhóm 5 học sinh trình bày với một đơn vị tài trợ. Sau khi có một phần kinh phí, trong 3 ngày, 5 học sinh mua tre, lưới, dây… về tự tay thiết kế và lắp ráp.
“Thời gian vừa rồi tụi em phải vừa ôn bài thi văn hoá, vừa ôn bài nghề nên chỉ có thời gian rảnh rỗi nán lại làm đến tối mới về. Tất cả rác thải nhựa sẽ được gom vào con cá này để tái chế”, Tuyền nói.
Học được cách làm việc nhóm
Tuyền cho rằng nhóm 5 người đều có những hoàn cảnh khác nhau về gia đình. Có người không còn sống chung với ba mẹ hoặc có người phải tự “lo cơm áo gạo tiền”.
Từ ngày làm dự án này, nhóm 5 học sinh cảm thấy có ích cho xã hội và cảm thấy nhiều tích cực thay đổi trong cuộc sống. Ngoài ra, còn học được kỹ năng làm việc nhóm, kiến thức về biến đổi khí hậu, rác thải. Hiểu được những tác hại của chai nhựa như thế nào để mình có thể làm việc tốt hơn.
|
“Em cảm thấy dự án phù hợp với lứa tuổi của tụi em. Cách bảo vệ môi trường hay tái chế rác thải này rất cần cho tụi em. Ngay cả thầy cô dạy phải bỏ rác đúng nơi quy định nhưng chưa có một hành động thực tế nào để tụi em làm. Do vậy đây là lúc chúng em hành động đóng góp gì đó cho xã hội”, Tuyền chia sẻ.
Thầy Đoàn Minh Chí, giáo viên hướng dẫn nhóm học sinh, cho biết những học sinh trong nhóm đa phần có hoàn cảnh đặc biệt. Thường sống ở các mái ấm, nhà mở trong thành phố và các tỉnh.
Mục đích của dự án này giúp cho các em có sân chơi, sự gắn kết với tập thể. Giúp cho học sinh phát triển thêm kỹ năng sáng tạo. Nhờ tham gia dự án làm thùng rác hình cá này, các em không còn ham chơi hay muốn bỏ học nữa.
Bình luận (0)