Học sinh lớp 8 chế tạo thành công máy bóc vỏ dừa

31/08/2018 06:49 GMT+7

Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bình Định năm 2018 có 2 giải pháp: máy bóc vỏ dừa và đồng hồ nước thông minh được đánh giá là có giá trị thực tiễn cao.

Ngày 30.8, lễ tổng kết trao giải cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bình Định lần thứ 5 năm 2018 do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Bình Định, Tỉnh đoàn Bình Định, Sở KH-CN và Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức đã diễn ra tại TP.Quy Nhơn (Bình Định).
Ban tổ chức đã trao 2 giải nhất cho sản phẩm máy bóc vỏ dừa của nhóm tác giả Hồ Tiến Đạt và Ngô Nguyễn Thị Đan Quỳnh (lớp 8A1, Trường THCS Hoài Châu Bắc, H.Hoài Nhơn, Bình Định) và sản phẩm đồng hồ nước thông minh của nhóm tác giả Huỳnh Ánh Nhật và Lê Đức Khải (Trường THPT Số 1 Tuy Phước, H.Tuy Phước, tỉnh Bình Định).
Các em Đan Quỳnh, Tiến Đạt (bìa trái) kể về quá trình chế tạo máy bóc vỏ dừa ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Em Hồ Tiến Đạt kể, từ thực tế sản xuất của gia đình, thấy ba mẹ rất khó khăn khi bóc vỏ dừa bằng phương pháp thủ công nhưng thu nhập lại không cao nên bản thân nảy sinh ý tưởng chế tạo chiếc máy bóc vỏ dừa. Từ tháng 8.2017, với sự hỗ trợ của giáo viên hướng dẫn về các nguyên tắc chuyển động để ứng dụng vào thực tế thiết kế, lắp ráp máy, các em Hồ Tiến Đạt và Ngô Nguyễn Thị Đan Quỳnh bắt đầu triển khai việc chế tạo chiếc máy bóc vỏ dừa. Sau gần 3 tháng mày mò, máy bóc vỏ quả dừa của các em đã hoàn thành, đưa vào sử dụng tại hộ gia đình của Đạt.
Máy có cấu tạo gồm 1 mô tơ điện công suất 1,1 kW, bộ truyền động ma sát - truyền động đai, bộ truyền động bánh răng - truyền động ăn khớp, 2 trục ru lô, thanh kim loại và cần truyền lực. Chi phí để chế tạo máy này khoảng 2 triệu đồng. “Người sử dụng máy chỉ cần đặt quả dừa vào khoảng giữa 2 trục rulo quay ngược chiều và có cường độ lực lớn tác dụng vào vỏ quả dừa để tách vỏ riêng thành từng mảnh. Nhờ độ nghiêng của máy, sọ dừa rơi ra ngoài, cứ thế đưa quả khác vào bóc vỏ tiếp tục. Mong rằng trong thời gian tới, sản phẩm của bọn em sẽ được áp dụng rộng rãi với giá thành thấp để giúp đỡ cho nhiều bà con xứ dừa”, em Đan Quỳnh giải thích.
Máy bóc vỏ dừa do em Đạt và em Quỳnh chế tạo Ảnh: Kim Thoa
Theo em Đạt, khi sử dụng máy, năng suất lao động sẽ tăng khoảng 3 lần so với dùng tay. Nếu người lao động dùng phương pháp thủ công để bóc vỏ dừa thì mỗi ngày nhiều nhất cũng chỉ thu được khoảng 250.000 đồng nhưng nếu sử dụng máy bóc vỏ dừa có thể lên tới 700.000 đồng/người/ngày. “Em cũng rất vui vì khi sử dụng máy này, ba mẹ em cũng như những người lao động khác sẽ tránh được các bệnh lý về cột sống, hạn chế tai nạn lao động và đỡ tốn công sức hơn”, em Đạt nói.
Bên cạnh đó, sản phẩm đồng hồ nước thông minh của các em Huỳnh Ánh Nhật và Lê Đức Khải hướng đến giải quyết vấn đề dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Sản phẩm đồng hồ nước này có thể đo được nhiều chỉ số như: lượng nước tiêu thụ, áp suất, nhiệt độ nước tại cùng một thời điểm và các chỉ số đo này sẽ được đưa lên internet, khách hàng có thể truy cập thông tin từ xa.
Sản phẩm đồng hồ nước thông minh ẢNH: KIM THOA
Em Khải và em Nhật nhận giải nhất cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bình Định ẢNH: HOÀNG TRỌNG
“Sản phẩm cũng sẽ giúp nhà cung cấp phát hiện những sự cố vỡ đường ống nước, rò rỉ nước, giảm thiểu lãng phí nguồn nước, đồng thời giảm chi phí nhân công ghi đo lượng nước tiêu thụ. Giá thành của sản phẩm sáng tạo này khoảng 700.000 đồng/máy, không quá cao, nên có thể áp dụng rộng rãi trong cuộc sống, góp phần xây dựng thành phố thông minh, hiện đại”, em Huỳnh Ánh Nhật cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.