“Vì điều kiện xa xôi, từ xã đảo phải đi thuyền qua thị trấn Cần Thạnh rất vất vả, rồi đi vào điểm thi THPT quốc gia này phải mất hơn 1 tiếng đi xe nữa, nên tụi em được bố trí ở lại khu tập thể trong Trường tiểu học Bình Phước này để tiện cho việc thi cử”, Trần Thị Ngọc Hưỡng (học sinh Trường THCS-THPT Thạnh An) lý giải.
|
Cũng như nhiều học sinh ở xã đảo Thạnh An, Hưỡng cũng không có ba mẹ đưa đi theo. Mặc dù hơi tủi thân nhưng Hưỡng nói: “Bước ra cổng trường thấy các bạn được ba mẹ đưa đón nên em cũng tủi. Nhưng mà vì điều kiện xa xôi, hơn nữa ba em không còn, mẹ thì đi làm hàu mướn cho người ta, mà họ không cho mẹ nghỉ nên mẹ không đi theo em được. Em biết mẹ ở nhà cũng rất lo cho em nhưng đành chấp nhận thôi ạ”.
|
Vì thương mẹ vất vả nuôi 2 chị em ăn học, ý thức được hoàn cảnh gia đình nên Hưỡng luôn cố gắng học tập. Và em cũng vui mừng khi ngày thi đầu tiên, cả môn toán và văn em đều làm được.
tin liên quan
Thi THPT quốc gia: Con thi ở Quảng Ngãi, mẹ đứng khóc trước cổng trường thi TP.HCM
“Em hy vọng hôm nay và ngày mai em đều hoàn thành tốt được bài thi để chạy về báo với mẹ rằng con thi tốt. Có như thế mẹ mới an tâm và vui thôi ạ”, Hưỡng nói.
Cũng giống Hưỡng, Phạm Thị Quỳnh Nghi (học sinh Trường THCS-THPT Thạnh An) cũng phải giấu đi sự tủi thân khi không có phụ huynh đi cùng trong kỳ thi THPT quốc gia này.
|
|
Quỳnh Nghi nói: “May mà ở tập thể, có mấy bạn nên cũng vui và quên đi sự thiếu vắng ba mẹ. Chỉ có những lúc thi xong, rời khỏi phòng thi thì em nghĩ giá như có ba mẹ ở đó để báo với ba mẹ rằng con thi tốt”.
|
Nhiều phụ huynh, vì không an tâm khi để con một thân một mình đi thi, nên dậy từ sáng sớm, nấu cơm mang theo và bắt chuyến đò sớm nhất để lên huyện động viên con.
|
“Ở nhà không yên em ạ, lên đây động viên con một tiếng, nhìn thấy con rồi mới yên lòng về được. Trên này người ta cho chỗ ăn, chỗ ở nhưng cứ sợ con không ăn được món lạ nên tôi dậy từ khuya sớm để nấu cơm mang theo cho con. Con đi thi mà phụ huynh như tôi cứ đứng ngồi không yên, lo lắm. Điều kiện kinh tế ở xã đảo khó khăn, nuôi con ăn học được đến ngày hôm nay chỉ mong con vào được đại học, cho tương lai nó tốt em à. Chứ ở nhà làm thuê làm mướn như mình thì khổ lắm”, chị Gái, mẹ một thí sinh, nói.
Bình luận (0)