Hồi ức truyện Doraemon em nhỏ nào cũng mê: Bí mật những tập đầu tiên

11/12/2020 19:13 GMT+7

Ngày 11.12 của 28 năm trước, tập truyện tranh Doraemon đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Những bản in đầu tiên khác gì bây giờ, khi nào thì chú mèo máy, Shizuka, Suneo, Jaian được 'trả đúng tên cho em'?

Truyện tranh Doraemon là người bạn tinh thần gắn liền với nhiều thế hệ trẻ em khắp Việt Nam. Suốt từ năm 1992 tới nay, những tò mò về tập truyện tranh này vẫn chưa bao giờ hết.
Hôm nay 11.12, đúng 28 năm truyện Doraemon đến với trẻ em Việt Nam. Nhà văn Lê Phương Liên, biên tập viên NXB Kim Đồng (nay đã nghỉ hưu, đang là Phó ban Văn học thiếu nhi, Hội nhà văn Việt Nam), biên tập truyện tranh Doraemon ngay từ những ngày đầu tiên tới năm 1998, chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên những kỷ niệm không bao giờ quên.

Linh cảm đây chắc chắn là một bữa tiệc cho trẻ em Việt Nam

Nhà văn Phương Liên cho biết ngày 11.12.1992 ra mắt tập 1 Doraemon, đầu tiên truyện tranh này được phát hành tại TP.HCM trước - thị trường vốn sôi động nhất cả nước - để lắng nghe phản hồi của độc giả. Họa sĩ Đức Lâm ngày đó phụ trách biên soạn trong TP.HCM.
Nhà văn Lê Phương Liên - Ảnh: NXB Kim Đồng
Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị trước đó mất 1 - 2 năm, người có công đầu tiên đưa truyện này về Việt Nam là ông Nguyễn Thắng Vu (nay đã mất, khi đó là Giám đốc NXB Kim Đồng).
Nghe tin ở bên Thái Lan có truyện Doraemon rất được yêu thích, ông Vu tìm hiểu, kết nối và mua thử một số cuốn, cả truyện ngắn, truyện dài, tìm các dịch giả dịch truyện. Những tập đầu tiên được dịch từ bản của Thái Lan sang tiếng Việt. 2 dịch giả đầu tiên dịch những tập đầu tiên này là Nguyễn Quý Quý, Đoàn Ngọc Cảnh.
“Năm 1992, tôi sinh cháu xong thì quyết tâm làm biên tập viên cho Doraemon. Mọi người lúc này nghĩ Doraemon là truyện viễn tưởng, xa lạ với độc giả Việt Nam… Nhưng tôi đã đọc cả truyện dài, truyện ngắn, tôi thấy đây là bộ truyện tranh hiện đại, như là phim, mang tính điện ảnh. Tôi đã có linh cảm đây chắc chắn là một bữa tiệc cho trẻ em Việt Nam. Đây là một tòa lâu đài đẹp, cần chìa khóa để mở cửa cho các em bước vào”, bà Liên hồi tưởng.
Bà Liên cho biết, đầu tiên cũng có đắn đo, nên in truyện ngắn hay truyện dài trước, “Nhưng tôi đọc truyện ngắn thấy vui, buồn cười. Truyện cho trẻ con thì phải vui, hóm hỉnh, các câu chuyện tình bạn hay giáo dục trong gia đình đều có tính giáo dục rất tốt”.

Truyện Doraemon phát hành ở 64 Bà Triệu năm 1993

Ảnh tư liệu NXB

Khi nào Doraemon được “trả lại tên cho em”?

4 tập đầu tiên mà Việt Nam phát hành Doraemon năm 1992 không phải đúng theo thứ tự nguyên tác tại Nhật. Để trẻ em ngày đó dễ gọi, các tên nhân vật cũng được đặt lại như Đô rê mon, Xu ka, Đê khi…
“Mỗi cuốn Doraemon ngày đó giá 5.000 đồng, ngay đợt đầu tiên thì bán chạy ngoài tưởng tượng, đợt 1 bán hết luôn 1 vạn bản, nhà xuất bản ngay lập tức cho in thêm. “Anh Vu bay từ TP.HCM ra Hà Nội thì mặt vui không thể tưởng tượng được, nói là đã bán hết truyện rồi”. Chúng tôi tiếp tục làm, 1 tuần làm thêm 1 tập. Truyện bán chạy lắm, có đợt bán hết luôn cả 100.000 bản”, bà Liên kể. Sau đó, phát hành ở Hà Nội cũng vô cùng thành công.

Một cửa hàng sách bán truyện Doraemon trước đây

Ảnh tư liệu NXB

Năm 1998, phía nhà xuất bản đã có bản quyền chính thức của tác giả Fujiko Fujio. Khi đó nhà văn Lê Phương Liên đã qua làm biên tập viên cho bộ sách Kính vạn hoa nhưng vẫn còn một trọng trách quan trọng phải thực hiện là “phá tung” bộ truyện tranh Doraemon phiên bản Việt Nam, tuân thủ thứ tự các tập như bên Nhật Bản với 45 tập, đồng thời tôn trọng nguyên tác của tác giả Nhật Bản, dịch lại trực tiếp từ tiếng Nhật sang tiếng Việt.
Bản in năm 2010 của Doraemon là bản chính thức nhất, khi mà Doraemon được “trả lại tên cho em”, tuân thủ mọi nguyên tác của Nhật Bản, từ thứ tự, cho đến tên của các nhân vật, cho tới cách đọc truyện từ phải sang trái. Từ năm nay, các nhân vật có tên Doraemon (trước đây là Đô rê mon), Shizuka (Xuka), Suneo (Xê kô), Jaian (Chaien), Dekisugi (Đê khi).

Truyện tranh Doraemon đã "đổi đời" những ai?

Nhà văn Lê Phương Liên kể, từ ngày độc giả Việt Nam ngày càng yêu thích truyện tranh Doraemon, không khí làm việc ở nhà xuất bản rất phấn khởi, dù có khi phải thức dậy từ 4 giờ để làm việc nhưng ai cũng vui.
Mùa hè năm 1993 là dấu mốc huy hoàng của Doraemon, truyện tranh này tạo nên cơn sốt ở Việt Nam. Từ đây bùng nổ ra các cuộc thi vẽ Doraemon, vui hè cùng Doraemon… Từ gợi ý của một nhà báo, văn phòng Doraemon đã được thành lập, nơi này nhận những lá thư, cuộc điện thoại của khắp mọi nơi hỏi về Doraemon. “Hàng triệu bức thư chất đầy phòng làm việc. Ngày nào tôi cũng đọc thư, mọi người hỏi thăm Doraemon, muốn mời Doraemon tới thăm nhà, trưa cũng có người gọi điện đến nói cháu muốn gặp Doraemon”, nhà văn kể.

Trẻ em Hà Nội đón tác giả Fujiko Fujio

Ảnh tư liệu NXB

Nữ biên tập viên truyện tranh Doraemon thời kỳ đầu tự hào khoe, nhờ truyện tranh Doraemon thành công mà nhân viên, cán bộ của nhà xuất bản đã được tăng lương, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, mọi người đã có thêm chút đỉnh để lo cho cuộc sống của gia đình.
“Nhưng một điều đặc biệt là ở nơi chúng tôi làm việc, anh em đồng cam cộng khổ với nhau lắm. khi được khen thưởng thì tất cả mọi người đều nhận được như nhau. Không phải là người làm về cuốn sách bán chạy thì được thưởng nhiều, người làm sách ít người mua thì được ít hơn”, nữ nhà văn xúc động.

Những em bé được đọc truyện Doraemon sớm nhất

Có những dấu ấn rất tuyệt vời trong cuộc đời của nhà văn Lê Phương Liên, như bà có 3 người con thì em bé đầu tiên là con trai sinh năm 1978, bây giờ là tiến sĩ khoa học đang là Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ FPT. Con gái thứ ba sinh năm 1992, cử nhân tiếng Anh, là dịch giả Trần Thị Minh Hiếu, đã dịch nhiều cuốn sách trong đó, có cuốn Hành trình cá voi vừa được Giải Sách Hay 2020.
Nhà văn Lê Phương Liên kể, bà luôn có một cuốn sách mẫu để đọc trước và biên tập, nên nhiều khi làm việc ở nhà thì các con của bà cũng được “đọc ké” truyện. “Mấy đứa trẻ con tự hào lắm, được đọc Doraemon đầu tiên mà nhưng mà mấy đứa trẻ không bao giờ đi khoe với ai là diễn biến truyện ra sao. Chúng rất hiểu là mọi thứ liên quan đến truyện Doraemon mẹ đang làm phải bí mật, không được kể cho ai cả”, bà vui vẻ kể.

Những trang truyện Hồi ức về bà trong một tập của Doraemon

Ảnh Thúy Hằng

Người lớn đọc Doraemon vẫn cười rồi khóc

Không phải chỉ có trẻ em mới đọc truyện Doraemon, bằng chứng là bây giờ đi ra nhiều nhà sách ở TP.HCM, tại các kệ sách bày bán truyện Doraemon thì nhiều người lớn vẫn đứng đó, lật mở, đọc rồi cười tủm tỉm.
Chị Nguyễn Thùy Phương, độc giả 32 tuổi, mua sách tại cửa hàng sách Kim Đồng, đường Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM, chia sẻ dù đã là mẹ của 2 em bé, chị thi thoảng vẫn mang truyện Doraemon của các con ra đọc. Chị Phương nói: “Đọc để nhớ về ngày xưa, tôi và anh trai từng oẳn tù tì để xem ai được đọc trước một cuốn sách ố vàng, đến đoạn hay là cùng xúm vào đọc rồi cùng cười bò”.
Anh Nguyễn Sơn Nam, 33 tuổi, nhà ở hẻm 21 đường 107, P.9, Q.8, TP.HCM, vẫn giữ thói quen mỗi tối đọc truyện tranh Doraemon cùng với con gái 5 tuổi. Anh Nam tâm sự: “Tôi đọc hết bộ truyện này hồi nhỏ, giờ đọc lại với con vẫn thấy vui. Nhưng Doraemon không chỉ là truyện tranh có những tiếng cười, mà có nhiều tập vẫn khiến mình rưng rưng, rơi nước mắt.
Tôi nhớ có phần Hồi ức về bà, kể về Nobita tìm được con gấu bông cũ thì nhớ bà nội quá, nên nói với Doraemon cho đi cỗ máy thời gian về quá khứ gặp bà. Trở về vườn nhà xưa, Nobita thấy cây hồng với những trái ngon, thấy bà nội còn sống bước đi chậm rãi, luôn dịu dàng với Nobia dù cậu bé ương bướng thế nào, Nobita khóc và chạy vào lòng bà… Tôi khóc khi thấy chính mình trong đó, bà nội tôi đã mất từ lâu, nhưng lúc nào cũng mong được như Nobita quay về quá khứ để nói với bà mình yêu bà như thế nào”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.