Hôn người dưới 16 tuổi bị kết tội dâm ô: Học sinh hôn nhau thì sao?

01/11/2019 20:11 GMT+7

Từ ngày 5.11.2019, hành vi có tính chất tình dục như hôn vào miệng, cổ, vai người dưới 16 tuổi sẽ bị quy vào tội dâm ô. Vậy học sinh hôn nhau, có bị kết tội dâm ô?

Chiều 1.11, trao đổi với PV Thanh Niên cụ thể hơn về việc hôn người dưới 16 tuổi bị kết tội dâm ô, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, chi hội trưởng chi hội luật sư - Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM - cho biết: “Từ ngày 5.11.2019 nghị quyết 06 của hội đồng thẩm phán có quy định tội dâm ô người dưới 16 tuổi có hiệu lực, trong đó có nêu hành vi có tính chất tình dục hôn vào miệng, cổ, vai người dưới 16 tuổi sẽ bị quy vào tội dâm ô. Nếu cả hai người hôn nhau đều dưới 16 tuổi thì chưa cấu thành tội dâm ô. Người đủ 18 tuổi trở lên hôn người dưới 16 tuổi, thì cấu thành tội dâm ô. Trong nghị quyết này cũng hướng dẫn rất cụ thể những hành vi dâm ô”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, nếu những người thân thiết, họ hàng trong gia đình hôn con, cháu, em của mình, thì có bị kết tội dâm ô hay không? Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ trả lời: “Tuỳ vào mối quan hệ, vào hoàn cảnh và địa điểm. Trong những buổi nói chuyện với trẻ em, học sinh trong các trường học, tôi thường nói với các em về quy tắc 5 ngón tay. Xòe ngón tay ra, ngón tay cái gần chúng ta nhất là ông bà, cha mẹ ruột thịt được phép ôm, hôn. Ngón trỏ là cô, dì, chú, bác. Ngón chính giữa là người thân thiết. Ngón áp út là người quen, như bạn của cha, bạn của mẹ. Ngón út là những người xa lạ, những người không quen biết, có thể là người xấu. Càng là ngón tay xa ngón tay cái, thì các em càng phải đề phòng. Chúng tôi dạy các em phân biệt các mối quan hệ, giáo dục giới tính cho các em, để các em hiểu ai được phép ôm mình, hôn mình”, luật sư Nữ nói.

Luật sư Nữ trao đổi với phóng viên chiều 1.11

Thúy Hằng

Luật sư Nữ cũng phân tích yếu tố hoàn cảnh, địa điểm: “Ví dụ ở sân bay, khi đi đón người thân lâu ngày trở về, chúng ta có thể ôm, hôn xã giao một người thân thiết, họ hàng của mình. Nhưng không phải là chạy vào phòng kín để ôm một người lạ mặt, chạy vào thang máy không có ai để ôm, hôn một đứa trẻ mà không biết đó là ai và khiến đứa trẻ đó hoảng sợ, vùng vẫy. Tôi đã gặp những người giả vờ say xỉn, chạy vào toilet nữ, rình để sờ vào vùng kín của bạn nữ, nhưng trong toilet thì không thể có camera ghi lại”.
Bạn Thạch Thị Tuyết Kha, sinh viên Khoa hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM, cũng cho biết sẽ không thể kết tội dâm ô với cả hai học sinh dưới 16 tuổi hôn nhau. “Theo Bộ luật hình sự 2015 quy định và nghị quyết mới nhất thì đều quy định đối với hành vi một người trên 18 tuổi thực hiện hành vi với người từ 16 tuổi trở xuống. Nếu cả 2 đều dưới 16 và đồng thuận, không có các trường hợp hiếp dâm thì lỗi ở cả 2. Cả 2 lúc này chưa đủ nhận thức, tâm sinh lý vẫn chưa ổn định, ở độ tuổi này rất nhạy cảm, bồng bột, nên không thể quy tội cho 1 trong 2 đối tượng được, càng không thể xử phạt 1 trong 2”, Kha nói.
“Nếu đó là tình trạng yêu đương của giới trẻ, không có yếu tố dụ dỗ,... lợi dụng thì cả hai gia đình cần ngồi lại, giáo dục, nói chuyện với cả hai học sinh về hành vi này. Hiện tại, thực tế cho thấy học sinh bây giờ biết yêu rất sớm, nhiều khi xảy ra quan hệ tình dục khi cả hai đều dưới 18 tuổi, nên yếu tố giáo dục trong gia đình rất quan trọng”, Kha trao đổi.

Phản đối chuyện học sinh yêu nhau

Trước thực trạng hiện nay học sinh biết yêu sớm khi còn đang đi học, nhiều em có quan hệ tình dục khi dưới 18 tuổi, thậm chí dưới 16 tuổi, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết bà không chấp nhận chuyện đó. “Trong trường học chỉ có một mối quan hệ, đó là mối quan hệ bạn bè, chứ không phải một mối quan hệ nào khác. Chỉ nên có một mối quan hệ là tình bạn, không thể vượt quá tình bạn. Nhân đây tôi muốn cảnh báo tới tất cả các phụ huynh, trong việc các em học sinh ngày nay yêu sớm, quan hệ tình dục sớm chúng ta thấy có sự tiếp tay của công nghệ, mạng xã hội. Phụ huynh trang bị công nghệ cho các con để phục vụ việc học là rất tốt, nhưng phải kiểm soát, bởi nhiều em hẹn hò, nảy sinh tình cảm, hoặc từ đó gây gổ, mâu thuẫn nhau trên mạng xã hội rồi đánh nhau ngoài đời thật", bà Nữ chia sẻ.
Bà Nữ đề xuất phương án chỉ cần mỗi phụ huynh góp khoảng 1.000 đồng mỗi tháng, thì toàn trường sẽ đủ kinh phí để thuê một nhân viên tạp vụ trông coi nhà vệ sinh trường học, có thể hạn chế tối đa những trường hợp quan hệ tình dục lén lút trong nơi này.
Từ ngày 5.11.2019, nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có hiệu lực. Trong nghị quyết ghi rõ: Dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, gồm một trong các hành vi sau đây:
a) Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;
b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi...) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
c) Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
d) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;
đ) Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi).
(Theo nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao)
 

Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi

              
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
b) Làm nạn nhân tự sát.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.