Kỷ niệm khó phai về mùa hè tình nguyện

15/08/2018 11:29 GMT+7

Mùa hè tình nguyện đã đi qua nhưng những kỷ niệm đẹp, câu chuyện hay, trải nghiệm đáng nhớ của những người từng đi làm tình nguyện thì vẫn còn đọng mãi trong ký ức của mình.

Nguyễn Ngọc Tú, sinh viên Trường ĐH Kinh tế-kỹ thuật Bình Dương, tham gia chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh năm 2018 tại 2 xã Bù Gia Mập và Đắk Ơ, thuộc huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) vừa khép lại, chia sẻ kỷ niệm mùa hè của mình về các em nhỏ nơi này thì ấn tượng đến khó phai.
Ngọc Tú chia sẻ: “Mình chia tay các em nhỏ nơi này đã hơn 2 tuần rồi nhưng hình ảnh về các em cứ in sâu trong tâm trí của mình mãi, ngày nào cũng hình dung về các em cả. Nhớ hôm chia tay các em, Điểu Trường (10 tuổi, học lớp 3, người dân tộc S’Tiêng) nói 'hôm giờ có mấy anh chị lên bày nhiều trò cho tụi em chơi vui quá, đang vui khi không anh chị bỏ về hết rồi, buồn quá'. Nghe nói xong, mấy cô trò ôm nhau khóc ngon lành luôn”.
Nguyễn Ngọc Tú và em Điểu Trường, dân tộc S'Tiêng vào những ngày hè cuối tháng 7.2018 Ảnh: Lê Thanh

Ngọc Tú nói: “Ấn tượng nhất là ánh mắt thơ ngây của các em học sinh người dân tộc S’Tiêng. Lúc chia tay, ánh mắt thơ ngây của các em ở đây cứ níu chân mình lại, rồi các tình nguyện viên ai nấy cũng cứ chần chừ, lưu luyến mãi. Mình hứa với lòng, hè năm sau sẽ dành thời gian quay lại nơi này với các em”.
Mặc dù tham gia nhiều lần hè tình nguyện, nhưng theo anh Nguyễn Công Thành (Phó bí thư Đoàn Trường ĐH Kinh tế-kỹ thuật Bình Dương), thì: “Khi nghiệm lại bản thân, mình thấy khoảng thời gian tham gia chiến dịch Mùa hè xanh năm 2018 tại H.Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) là đọng lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất”.
Tình nguyện viên và các em học sinh hai xã Đắk Ơ và Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước Ảnh: Lê Thanh
Thành chia sẻ: “Ở nơi này, có rất nhiều điều làm mình phải lưu luyến khi rời xa. Những ngày đầu đến đây là vào giữa tháng 7.2018, khi ấy cảm nhận đầu tiên của mình là đón một bầu không khí trong lành, yên tĩnh nơi núi rừng vùng biên giới. Mỗi sáng thức dậy, mình không còn chứng kiến cảnh mọi người tấp nập đi làm trên những chiếc xe máy, xe hơi đắt tiền nữa mà thay vào đó là cảnh người đồng bào dân tộc mang gùi đi bộ lên nương rẫy cày cấy, trồng ngô khoai”.
Anh Thành kể: “Mình cũng rất nhớ cảm giác lần đầu tiên được đi 'xe mui trần', tên gọi thân quen mà tôi cùng các bạn sinh viên tình nguyện đặt cho chiếc xe ba gác chở cả nhóm mỗi ngày đến làm việc tại các công trình thắp sáng miền quê cho người dân nơi đây. Cảm giác ngồi trên chiếc xe ấy chạy qua những con đường đất đỏ vào ngày mưa lầy lội, ổ gà, ổ voi như được mát xa miễn phí... Thêm một chuyện nữa mà mình cảm thấy rất hạnh phúc vì bản thân đã dạy cho các em nhỏ nơi này thay đổi thói quen về cách xưng hô theo kiểu cộc lốc khi giao tiếp với người lớn thông qua một trò chơi 'Dạ, thưa'. Chẳng hạn khi tôi hỏi một em trong nhóm, hôm nay con ăn cơm với món gì? Các em trước đây hay trả lời là 'cá' thì nay các em đã biết trả lời 'Dạ, con ăn cơm với cá ạ'”.
Sinh viên tình nguyện đi làm công trình Thắp sáng đường quê cho người dân tộc ở xã Bù Gia Mập Ảnh: Lê Thanh
Còn anh Võ Quốc Bình, hiện làm tại Trung tâm công tác xã hội Thanh niên TP.HCM, nhớ lại: “Hè năm 2003, mình tham gia Chiến dịch Mùa hè xanh ở xã Bình Hưng Hòa, H.Bình Chánh, nay là P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM. Ngày ấy, nhóm tình nguyện viên muốn tổ chức cho các em thiếu nhi địa phương một ngày hội và có quà tặng cho vui nhưng không có kinh phí. Thế là cả nhóm lên kế hoạch đi đến từng gia đình xin ve chai bán gây quỹ và cuối cùng cũng mua được 50 phần quà để tổ chức ngày hội thiếu nhi. Hết mùa tình nguyện chia tay mấy đứa nhỏ, đứa nào cũng khóc bù lu bù la, rồi xin địa chỉ viết thư liên lạc với nhau. Trong số ấy, đến giờ mình vẫn còn giữ liên lạc với ít nhất chục bạn, có đứa đã có chồng, có con. Đám cưới mấy đứa mình cũng có đi dự. Vui nhất là mình chỉ dạy mấy đứa có vài buổi học chữ thôi nhưng đến tận bây giờ mỗi khi gặp lại đứa nào cũng gọi mình bằng thầy một cách trân trọng và rất đỗi thân thương”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.