Kỷ niệm ùa về qua từng miền ký ức của thời sinh viên

06/09/2018 20:10 GMT+7

Có những câu chuyện, hình ảnh, kỷ niệm đẹp về một thời sinh viên không bao giờ phai mờ trong tâm trí của nhiều người.

Anh Nguyễn Thanh Liêm (quê ở tỉnh Đắk Lắk, cựu sinh viên của lớp KTCT-K25, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), hiện anh là Giám đốc Công ty TNHH Liên Hiệp Phát (Q.Tân Bình, TP.HCM) nhớ lại: “Đã gần 20 năm trôi qua kể từ ngày tôi rời xa ghế nhà trường phổ thông, rời xa mái ấm gia đình để đến Sài Gòn học tập nhưng tôi vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm ngày ấy. Năm đó, tôi theo bạn cùng lớp về quê của bạn ấy ở miền Tây chơi, không may tôi bị tai nạn gãy chân, lại không có người thân bên cạnh, mà thực ra tôi cũng không dám nói cho người nhà biết, vì sợ. Nhưng những người bạn cùng lớp đã đưa tôi lên bệnh viện ở Sài Gòn để chữa trị. Xe vừa đưa tôi đến bệnh viện đã thấy các bạn trong lớp đón tôi ngay ở cổng để làm thủ tục nhập viện, góp tiền đóng tiền viện phí và chia ca nhau để chăm sóc cho tôi. Họ lo cho tôi từng miếng cơm, từng viên thuốc như người thân trong gia đình vậy. Đến giờ này, tôi vẫn không thể nào quên hình ảnh của các bạn trong lớp thay phiên nhau chăm sóc tôi trong khoảng thời gian đó. Tôi chỉ mong có điều kiện kinh tế tốt hơn, sẽ đi đến nhà từng bạn để nói lời cảm ơn từng người đã từng vất vả với tôi thuở ấy. Kỷ niệm đẹp về tình bạn, tình người của thời khó khăn không cho nhau nhiều về vật chất, những thứ đắt tiền nhưng tình nghĩa thì tràn đầy và đẹp lắm!”.

Anh Nguyễn Tuấn Khởi (quê Vĩnh Long, cựu sinh viên của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, khóa 2003 - 2007), hiện là Giám đốc Công ty cổ phần VTV Corp (TP.HCM), chia sẻ: “Thời tôi học đại học gia đình rất khó khăn! Suốt 4 năm tôi học tại cơ sở ở Q.Thủ Đức nhưng hầu như ngày nào tôi cũng tranh thủ thời gian đón xe buýt vào các quận trung tâm thành phố như: Q.1, Q.3 để dạy kèm và làm các công việc bưng bê ở các nhà hàng, quán ăn vào buổi tối. Có một kỷ niệm tôi còn nhớ mãi là phía sau phòng trọ có một khoảnh đất trống. Tôi tận dụng mảnh đất ấy trồng được vườn rau mồng tơi xanh mướt. Vậy mà đã 'cứu đói' được cho đám bạn cùng trọ khi hết tiền ăn, cả bọn hái rau nấu với mì gói ăn cầm cự qua ngày”.
Còn anh Hà Ngọc Thành (quê tỉnh An Giang, cựu sinh viên ngành địa lý du lịch, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), thì kể: “Cuối tháng 8.1997, tôi từ quê lên Sài Gòn kiếm nhà trọ để chuẩn bị làm tân sinh viên. Lần đầu tiên lên Sài Gòn, đường sá không rành nên trên tay lúc nào cũng cầm cái bản đồ thành phố. Tôi và một người bạn đèo nhau trên chiếc xe đạp sườn ngang cứ chạy một đoạn thì dừng lại lấy bản đồ ra xem phương hướng rồi mới đi tiếp. Tôi nhớ hôm ấy đi từ sáng đến gần 15 giờ mới tìm được phòng trọ. Đó là một khu nhà trọ dạng như một ký túc xá tư nhân ẩn mình dưới một vườn dừa trên đường Trần Kế Xương, P.7, Q.Phú Nhuận”.
Theo anh Thành, khu nhà trọ ấy không tiện nghi gì cả “Nhưng sở dĩ mình chọn là có đông sinh viên ở và giá cả nơi này so với những nơi khác rẽ hơn rất nhiều. Mình nhớ hồi đó mỗi phòng trọ có 2 cái gường tầng, ở 4 người. Mỗi người đóng 60.000 đồng/tháng (chủ đã bao điện nước). Do, khu nhà trọ nằm gần bờ kênh Nhiêu Lộc, ngày ấy con kênh này chưa được nạo vét nên dòng nước còn đen xì và bốc mùi hôi dữ lắm chứ không được sạch sẽ như bây giờ. Đã thế, mỗi tháng khi thủy triều lên là dòng nước đen xì tràn vào cả phòng trọ, phải lội nước lõm bõm. Ở đó được 2 năm thì khu vực này bị giải tỏa nên tất cả sinh viên ở đây mỗi người mỗi hướng. Mặc dù điều kiện sống nơi ấy không được tốt cho lắm nhưng hôm anh chủ nhà làm tiệc chia tay, ai cũng bịn rịn, chẳng muốn rời xa”, anh Thành nhớ lại.
Khuôn viên Trường ĐH Đà Lạt Ảnh: Quang Đức
Nói về những kỷ niệm đáng nhớ của mình, chị Nguyễn Thị Hướng (cựu sinh viên khóa 1997 - 2001 của Trường ĐH Đà Lạt), hiện đang làm kế toán tại Khu công nghiệp Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thì chia sẻ: “Gần 20 năm ra trường nhưng kỷ niệm những ngày đầu học đại học chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí của tôi. Cho đến bây giờ, mỗi lần có dịp trở lại TP.Đà Lạt thì nơi đầu tiên tôi đến thăm là ngôi trường mà mình đã gắn bó cả một quảng thời sinh viên với bao kỷ niệm. Trong tâm trí của tôi khi nhắc đến ngôi trường này là từng con đường dẫn đến các khu lớp học được che mát dưới những tàn thông xanh mát rất lãng mạn. Mỗi lần tan học, những nam thanh, nữ tú khoác những chiếc áo len đi về dưới làn sương mù bảng lảng trông đáng yêu làm sao”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.