Ký ức Tiếp sức mùa thi: Cứ như có đại gia đình

15/06/2019 19:51 GMT+7

Nói là Tiếp sức mùa thi, nhưng qua từng đợt đưa đón thí sinh, chính anh Châu Thành Toàn, một tình nguyện viên, lại nhận được nhiều món quà từ thí sinh. Món quá đó chính là bài học về tình yêu thương.

Đến bây giờ, khi hỏi về những ngày Tiếp sức mùa thi từ năm 2009- 2015, anh Châu Thành Toàn (36 tuổi), y tá Trạm y tế P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM, vẫn kể vanh vách những địa điểm thi, những ngôi nhà nào “nuôi” thí sinh đi thi đại học. Anh vẫn nhớ tuyến xe buýt nào có thể chở học sinh từ trường về nhà. Nhớ không khí náo nhiệt những ngày thi vì nhà anh Toàn vào mùa thi nào  cũng có hơn chục thí sinh và phụ huynh đưa con đến thi ở cụm Trường ĐH Công nghiệp. 
 

Sáng đi làm, trưa tranh thủ về nấu ăn cho thí sinh 

Anh Toàn tâm sự:“Nhà mình lúc đó cũng ít người, thấy các thí sinh ở xa từ miền Tây, miền Trung vô thi cũng tốn kém, đi lại cũng khó nên mình rước về ở. Thời đó mỗi đợt thi nhà mình lúc nào cũng có 14-15 người, thí sinh và phụ huynh đi theo con đông đúc lắm. Buổi sáng 4 giờ ra bến xe đợi đón, rồi đưa về nhà. Cả nhà nấu cơm ăn như gia đình, náo nhiệt lắm. Cứ như mình có đại gia đình. Cũng vì vậy mà  mình sống có trách nhiệm hơn với mình, với thí sinh”.
Ngồi chia sẻ tâm tình với các bạn thí sinh để các em đỡ căng thẳng trước mùa thi NVCC
“Cứ sáng sáng mình dậy thật sớm để chuẩn bị bữa sáng cho các em, rồi đưa đi thi. Sau đó mình tranh thủ đi làm. Trưa về nấu ăn cho cả nhà. Sau đó phải nghĩ xem chiều ăn gì. Ban ngày thì lo ăn 3 bữa. Tối sợ các em căng thẳng mình còn rủ tụi nhỏ đi uống cà phê. Anh em ngồi tâm tình với nhau. Các em mới cuối lớp 12 còn vô tư hồn nhiên. Sự tinh khôi, trong sáng đó giúp mình thấy trẻ hơn. Nhờ vậy, mà cứ đến mùa thi, là mình đăng ký đi tình nguyện”, anh Toàn chia sẻ thêm.

Cả 'thế giới' đã có tình nguyện viên giúp đỡ

Trừ 2 năm đầu tiên 2009 và 2010, trong 5 năm tiếp theo làm tình nguyện viên cho chương trình Tiếp sức mùa thi, anh Châu Thành Toàn lên sẵn kế hoạch tiếp sức. Mỗi năm giúp đỡ từ 3.000-5.000 thí sinh, toàn bộ đều được lo cho chỗ ăn ngủ miễn phí. “ Để làm được việc đó, tôi và các đồng đội của mình phải lên kế hoạch trước 6 tháng. Sau tết là bắt đầu rảo quân đi liên hệ chỗ ở cho thí sinh. Ban đầu chỉ có 10-20 chỗ ở nhận tiếp đón thí sinh. Những năm sau mọi người tự tìm đến, ở nhà dân, nhà chùa… Có giai đoạn điểm tiếp nhận lo cho thí sinh ăn, chỗ ngủ lên đến hơn 90. "Các bạn sinh viên từ Đồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu, Ninh Thuận, Khánh Hòa… kể từ lúc xuống bến xe là được chăm sóc chu đáo”, anh Toàn nói.
Có địa điểm đông thí sinh thì thuê cả xe buýt chở thí sinh đến trường. “Mình muốn mang đến sự ấm áp, nồng hậu hiếu khách của người Sài Gòn chia sẻ đến các bạn thí sinh. Đễ xoa dịu những lo toan, áp lực của việc thi cử. Các em chỉ tập trung hoàn toàn cho việc thi. Cả thế giới đã có các tình nguyện viên giúp đỡ rồi”

Bài học về bản lĩnh và tình yêu thương từ thí sinh

Trong suốt 7 năm làm tình nguyện viên, anh Toàn nhớ nhất 2 thí sinh đặc biệt. Đó là Nguyễn Minh Phú và Nguyễn Văn Phước. Cả 2 bạn đều là người khuyết tật. “Mình vẫn nhớ lúc ra đón Nguyễn Minh Phú. Phú không có 2 tay nhưng đầy nghị lực. Tuy có khiếm khuyết nhưng nó không ngăn cản em. Em viết bằng chân rất nhanh. Em rất tự lập. Em đậu cùng lúc 2 trường đại học và bây giờ có những thành tựu rất lớn. Mãi đến sau này, câu chuyện về Phú vẫn được mình kể cho các bạn trẻ đi tình nguyện. Mình hy vọng Phú truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, để họ nỗ lực cố gắng vượt qua dẫu nghịch cảnh khó khăn cỡ nào cũng không được chùn bước”.
Có cuộc sống bình thường cho đến năm lớp 12, sau 1 tai nạn, Bạch Văn Tâm (Bình Phước) trở thành “người khuyết tật”. Anh  Toàn kể: “Tai nạn năm đó cướp đi của Tâm 1 chân, từng khiến Tâm quyết định khép mình lại, bỏ mặc mọi thứ. Rồi nhờ sự động viên, Tâm quyết định đi thi đại học. Sau kỳ Tiếp sức mùa thi, Tâm từ thí sinh thành sinh viên Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng. Sau này Tâm lại đăng ký làm tình nguyện viên, giúp đỡ các bạn thí sinh khác. Chính Tâm là nguồn động lực mỗi lần tôi muốn dừng lại. Làm tình nguyện giúp thí sinh nhưng thực ra mình cũng học được rất nhiều. Học được bài học về tình yêu thương, về bản lĩnh vượt qua những khó khăn trong cuộc sống”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.