Làm gì để có tâm trạng thoải mái, làm bài thi tốt nghiệp THPT kết quả cao?

30/07/2020 17:34 GMT+7

Để có tâm trạng thoải mái, làm bài thi đạt kết quả tốt nhất, cần chuẩn bị những gì? , là câu hỏi của nhiều phụ huynh, học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp diễn ra.

Quan tâm về mặt xã hội, thể chất và tinh thần

Theo thạc sĩ công tác xã hội Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Tương Lai (TP.HCM), các bậc phụ huynh cần quan tâm về mặt xã hội, thể chất và tinh thần thật tốt cho con em mình trước những ngày thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Về mặt xã hội, thạc sĩ Minh Hải, cho rằng: “Chỉ còn hơn một tuần nữa các em đã bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, thời điểm này dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên cả nước, vì vậy các thông tin về nhiễm dịch bệnh Covid-19 và thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT đan xen vào nhau có thể làm các em rối trí”.
Chính vì vậy thạc sĩ Minh Hải khuyên: “Phụ huynh cần bình tĩnh, thường xuyên cập nhập các thông tin về thi cử như hình thức thi, thời gian thi... từ các nguồn tin chính thống như: Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT, các trang báo uy tín… để cung cấp cho con em mình một cách nhanh nhất, chính xác nhất. Tránh trường hợp để các em tự lên mạng xã hội tiếp nhận các thông tin dịch bệnh, thi cử từ các nguồn không chính thống, đồn thổi chưa qua kiểm chứng dẫn đến hoang mang ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe”.

Thí sinh tỉnh Bình Dương sau giờ làm bài thi môn văn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019

Lê Thanh

Còn về mặt thể chất,  thạc sĩ Minh Hải nói: “Cha mẹ cần chú ý nhắc nhỡ các cháu đảm bảo giờ giấc ăn, ngủ, vui chơi giải trí điều độ để có sức khỏe tốt, tránh để các em bị ốm đau làm ảnh hưởng lịch trình thi cử. Nhắc các cháu đi ngủ trước 22 giờ. Về ăn uống thì ngoài chế độ đạm nhiều, phụ huynh cần chú ý cho con em mình ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước cam, chanh nhằm giúp cơ thể có thêm sức đề kháng”.
Ở khía cạnh tinh thần, thạc sĩ Minh Hải lưu ý: “Trước kỳ thi, tâm lý chung của các em học sinh là hồi hộp, lo lắng, vì vậy cha mẹ cần cảm thông, tôn trọng chứ đừng hù dọa kiểu như con mà thì rớt sẽ bị phạt, bị đòn roi hoặc bị bạn bè, bà con chê cười... Cha mẹ nên cùng trẻ lên lịch hoạt động ôn tập chi tiết và cùng trẻ giám sát việc thực hiện kế hoạch của con”.
Trong ngày các em học sinh thi tốt nghiệp THPT, thạc sĩ Minh Hải khuyên: “Thí sinh nên đến sớm trước giờ thi khoảng 60 phút để tránh bị trễ giờ thi do những yếu tố khách quan như kẹt xe hoặc có thể xe bị hư hỏng trên đường đi chuyển. Trước khi các em bước vào phòng thi nên hít thở sâu khoảng 2-3 phút; cười và nói những câu tích cực để đầu óc thoải mái...”.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019

Lê Thanh

Sử dụng các phương pháp hệ thống kiến thức 
Tương tự, chuyên viên tâm lý, thạc sĩ Giáo dục Chế Dạ Thảo, Giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: “Để có được tâm lý tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, các bạn học sinh cần có sự chuẩn bị thật tốt những yếu tố sau.
Đối với sức khỏe, các em nên lưu ý chế độ ăn uống, sinh hoạt và đặc biệt là giấc ngủ. “Ngủ sâu và đúng giờ, tránh việc thức khuya vì rất có hại cho sức khỏe của các em. Chất lượng giấc ngủ, ngoài việc giúp cơ thể nghỉ ngơi tái tạo năng lượng, nó còn giữ cho các em được tỉnh táo, minh mẫn hơn khi học và làm bài thi”, thạc sĩ Dạ Thảo lưu ý.
Còn về mặt kiến thức, thạc sĩ Dạ Thảo cho biết: “Các em nên ưu tiên sử dụng các phương pháp hệ thống kiến thức đi vào việc hiểu nội dung thay vì học thuộc lòng. Muốn làm tốt điều này, các em cần có kế hoạch hợp lý thời gian ôn từng môn học, không học dồn, học lệch. Hãy dành thời gian để giải các đề thi trước đó hoặc dạng bài tập tương tự để rèn luyện phản xạ và kỹ năng làm bài thi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.