Làm giàu từ nuôi hươu sao lấy nhung

04/08/2018 08:13 GMT+7

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi hươu sao lấy nhung của anh Nguyễn Văn Lịch (27 tuổi), ở thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa, H.Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước khi anh đang làm vệ sinh chuồng trại và chuẩn bị cho hươu ăn. Đây là mô hình nuôi hươu thí điểm đầu tiên ở huyện này.

Hiện trang trại của anh Lịch có tổng cộng 25 con hươu sao. Theo anh Lịch, hươu rất dễ nuôi, lại phù hợp với thời tiết, khí hậu của vùng Đông Nam bộ và Tây nguyên.
[VIDEO] Thành triệu phú nhờ cho hươu nghe nhạc bolero
“So với nuôi dê thì hươu ăn ít hơn nhưng ăn nhiều lần trong ngày. Chính vì vậy, chúng ta phải siêng cho ăn. Mỗi ngày nên cho hươu ăn 5 bữa, mỗi lần cách nhau khoảng 4 giờ. Thức ăn chủ yếu là lá cây, cỏ non, các loại trái cây, chuối xanh... Ngoài ra, một thành phần quan trọng trong khẩu phần ăn hằng ngày của hươu là chất khoáng, nhất là muối ăn. Một con hươu cần 15 - 20 gr muối trong một ngày. Chúng ta có thể mua muối khoáng tại cửa hàng thú y về treo tại chuồng để hươu liếm, lấy muối hột hòa với nước cho uống hoặc rắc vào cỏ cho ăn”, anh Lịch nói.

Cũng theo anh Lịch, hươu là loài thú nuôi thuần chủng, có nguồn gốc tự nhiên, sức khỏe tốt, đề kháng cao nên ít bị bệnh. Nhưng không vì thế mà chúng ta chủ quan trong việc phòng, chữa bệnh. “Những triệu chứng nhận biết khi hươu bị bệnh là bỏ ăn hoặc lười ăn, khô mũi; một số bệnh đường ruột như: bụng trướng, phân lỏng, mềm chứ không đóng thành viên tròn như phân dê”, anh Lịch nói.
Anh Lịch hướng dẫn: “Khi thấy hươu bị khô mũi, người nuôi lấy bồ kết và tóc của người (xin ở tiệm hớt tóc) cho vào một cái thau đốt lên rồi bỏ vào chuồng để hươu xông mũi từ 15 - 30 phút sẽ hết. Với trường hợp hươu mắc bệnh đường ruột thì không cho ăn cỏ mà phải cho ăn các loại thức ăn có vị chát đắng như: lá xoan, quả chuối xanh, lá mật gấu, đinh lăng. Nếu để hươu bị đường ruột nặng thì rất khó chữa”.
Chọn giống rất quan trọng, vì nó quyết định sự thành công hay thất bại khi cho nhung. Anh Lịch khuyên: “Nên chọn những con hươu giống có nguồn gốc rõ ràng. Cần chọn con giống từ những con bố có sức khỏe tốt, năng suất cho lấy nhung mỗi năm 2 lần (từ 0,8 kg/lần/con) trở lên. Nếu hươu đã có sừng thì hai sừng phải tạo thành hình chữ V mà đỉnh càng rộng càng tốt. Những con hươu có cặp sừng cho nhung rất ít”.
Muốn có được một cặp nhung chất lượng cao, theo anh Lịch nên bồi dưỡng cho hươu khoảng 1 - 2 tháng trước khi nhung bắt đầu nhú, thường rơi vào khoảng thời gian từ tháng 11 - tháng 1 năm sau). “Hằng năm, khoảng từ tháng 12 đến hết tháng 4 âm lịch là mùa cắt lộc nhung, cho nên giai đoạn này người nuôi cần cung cấp nhiều loại thức ăn, cây, cỏ, ngô nấu, gạo nếp, các lại cây và lá có mũ: sung, vả, mít... cho hươu”, anh Lịch lưu ý.
Một con hươu đực từ khi mới đẻ đến 10 tháng tuổi thì bắt đầu xuất hiện sừng non (nhung). Một con hươu có thể cho nhung tối đa trong vòng 20 năm. Mỗi năm một con cho chúng ta cắt nhung khoảng 2 lần hoặc ít ra 2 năm cắt được 3 lần. Trung bình mỗi con cho dao động từ 6 - 8 lạng nhung/lần cắt. Giá nhung hươu hiện tại khoảng 22 triệu đồng/kg. “Tính ra một con hươu mỗi năm ít nhất cũng kiếm được 22 triệu đồng”, anh Lịch nói.
Anh Lịch chia sẻ thêm: “Trong năm 2018, dự tính sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận từ mô hình nuôi hươu hiện tại của mình kiếm lời khoảng 350 triệu đồng. Đến năm 2019, chỉ cần giá nhung dao động từ 20 - 22 triệu đồng/kg thì lợi nhuận của mình sẽ tăng lên gần 600 triệu đồng/năm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.