Chẳng ai muốn bị gọi là thằng què bao giờ, Kiên cũng vậy, tên khai sinh của anh là Lê Trung Kiên. Nhưng đôi chân quặt quẹo như 2 cọng củi khô đã gắn đời Kiên với cái tên “xấu xí” ấy. “Què thì sao chứ. Đó chỉ là khiếm khuyết của cơ thể, chắc gì tôi đã khiếm khuyết về tâm hồn”, Kiên nói phớt đời.
|
Lem luốc giữa đời
Kiên không xa lạ với dân chợ đò, giang hồ ở Đông Hà vì quãng đời “du thủ du thực” trong quá khứ. Kiên sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh cực kỳ đặc biệt. Bố của Kiên có đến 4 bà vợ và Kiên là kết quả của mối tình với bà thứ 3. Ngặt nỗi, khi chào đời, cậu bé Kiên đã không có hình hài giống như 5 anh chị em của mình mà mang một đôi chân cong quắp.
Kiên đã từng được đi học, nhưng phấn trắng, bảng đen và những điều hay thầy cô giảng dạy chỉ níu Kiên đúng 2 năm. Sang năm học lớp 3, Kiên bỏ ngang. Bởi cậu bé giàu lòng tự trọng ngày ấy không chịu nổi những tiếng chọc ghẹo của bè bạn cùng trang lứa, không chấp nhận rằng mình thực sự thua thiệt. Từ đây, Kiên rời quê ở H.Vĩnh Linh để vào sống với cha và dì ở TP.Đông Hà. Vốn tính tuổi trẻ ngông cuồng, đến 16 tuổi, Kiên bỏ nhà đi bụi đời. “Lúc đi tôi có lấy trộm của ông già một nồi cơm điện của Thái rất có giá trị và một con heo đất. Chỉ vậy mà tôi đi một mạch gần chục năm trời”, đan hai bàn tay đang run rẩy vào nhau, Kiên tự thú.
|
Dù tàn tật và chỉ có một mình nhưng máu “liều” đã đưa Kiên đi chu du Hà Nội rồi TP.HCM suốt 2 năm đằng đẵng. Ở nơi phồn hoa, Kiên sống lay lắt, ai cho gì ăn nấy, không ai cho thì đi... ăn trộm. 18 tuổi, Kiên trở về TP.Đông Hà nhưng không về ở nhà cha mẹ mà có thêm 6 năm ngủ dưới mái hiên Bưu điện thành phố. “Cứ nghĩ cha mẹ đã bỏ tôi rồi nên tôi đâu dám về. Khoảng thời gian ấy, trừ ma túy và giết người, tôi dính vào đủ thứ tồi tệ. Từ trộm cắp, bài bạc, đánh đấm... Trong cái thế giới tăm tối ấy, người bình thường đã khó sống huống hồ cái thằng tàn tật như tôi. Để có miếng ăn thì phải phạm pháp, phải liều mạng nhưng phạm pháp thì ăn đòn như cơm bữa, vào ra đồn công an không biết bao lần. Điều ngu ngốc nhất tôi nhận ra là tôi đã chịu cực khổ chỉ để làm một thằng... giang hồ rởm”, Kiên nói như uất nghẹn.
Khát vọng làm chồng làm cha
Dù què quặt nhưng Kiên có rất nhiều tài vặt, lại siêng tìm tòi nên học lỏm rất nhanh. Mười mấy năm lang bạt, Kiên “què” đã lận lưng không ít nghề: từ bán vé số, đánh giày đến đóng gạch, sửa chìa khóa, sửa điện thoại di động.
Dần dà cư dân thành phố đã bắt đầu quen với bóng dáng nhỏ thó, cong queo của Kiên hì hục cọ giày cạnh một quán cà phê cóc lâu đời trên đường Hùng Vương và khá nổi tiếng ở Đông Hà. Hiện nay, Kiên đã “nâng cao chuyên môn” khi đầu tư thêm nhiều đồ nghề, đóng cả thùng gỗ có viết cả số điện thoại liên lạc. “Trước chỉ đánh giày thì chỉ cần cái bót, hộp xi. Nay tôi còn sửa giày dép nên phải chuẩn bị khá nhiều thứ lỉnh kỉnh, nào sợi cước, nào da, nào keo. Giờ đã thấy tờ tiền do công sức mình làm ra to nhỏ, dài ngắn thế nào rồi nên quý lắm”, Kiên nói.
|
Thời gian cứ thế thoi đưa, Kiên mải miết lo cho những đôi giày bóng bẩy, quên mất mình đã ngót 30 tuổi. Hồ như biết phận mình, chuyện yêu đương, Kiên chưa hề nghĩ đến. Vậy mà có người thương Kiên, “làm mai” cho anh với một cô gái trẻ bán cơm ở chợ Đông Hà. “Ngày đầu tiên gặp mặt, thấy cái tướng của tôi, em ấy chạy trốn luôn. Tôi không buồn vì biết rằng, cái thằng tôi không nhà không cửa, không tiền không bạc, lại tàn tật nên có ai dám lấy”, Kiên nói giọng đầy an phận.
Vậy mà không rõ trời xui đất khiến thế nào, cô gái mới bước qua tuổi 18 Đào Thị Lý ấy hơn chục ngày sau lại chủ động liên lạc với Kiên. Cả hai đều ngô nghê trong tình yêu nên những lần đầu “hò hẹn”, có không ít ngượng ngùng. Nhưng Kiên đã rất tỉnh táo bảo Lý rằng: “Giờ hoàn cảnh của anh vậy, chân cẳng anh vậy, em có đến được với anh không? Chỉ cần nói có hoặc không”. Lý e thẹn không trả lời, nhưng đôi má hây đỏ đã “tố cáo” rằng cô đã phải lòng chàng trai thiệt thòi ấy.
Đám cưới của họ cũng có một không hai khi chỉ là một cuộc nói chuyện giữa người lớn hai bên, chẳng có lấy một mâm cau trầu rượu cúng gia tiên. “Anh Kiên vậy mà nhà em là dân vạn chài, cũng nghèo rớt. Là con gái, ai chẳng muốn lấy chồng được rình rang nhưng vợ chồng em tính rồi, giờ có làm tiệc đãi khách cũng được nhưng lại chuốc thêm nợ nần về sau. Nên thà gác mấy chuyện ấy lại để hai đứa sống với nhau cho bền lâu”, Lý tâm sự.
Kiên vẫn nhớ như in ngày 8.4.2013, bởi đó là ngày đầu tiên hai vợ chồng anh dắt díu nhau về ở cùng một phòng trọ bé tẻo teo trên đường Thái Phiên. Phòng chỉ có một cái giường, đồ dùng nấu nướng, ít quần áo nhưng tiếng nói cười luôn lanh lảnh. Chưa lâu thì tình yêu bé mọn của họ kết hoa. Lý mang thai và đó còn là quý tử. “Hạnh phúc đến với tôi lớn lao quá. Tôi cảm ơn ông trời và cũng đã hứa thầm với ông trời rằng đến chết tôi cũng không bỏ vợ bỏ con”, Kiên ứa nước mắt hạnh phúc.
Cho đến tận bây giờ nhiều người vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với Kiên, họ không tin rằng thằng “oắt con” chuyên làm bậy ngày xưa lại trở về ... chính đạo. Kiên cười và bảo: “Họ nhìn tôi bằng nửa con mắt, vì thế tôi phải quyết tâm làm sao đó để đến một ngày họ phải nhìn tôi bằng cả đôi mắt”.
Nguyễn Phúc
>> Làm lại cuộc đời: Phải quyết tâm dữ lắm
>> Làm lại cuộc đời: Vươn dậy từ lần vấp ngã
>> Làm lại cuộc đời
>> Thời gian đệm" của những người làm lại cuộc đời
Bình luận (0)