Lan tỏa tin tốt trên mạng xã hội mỗi ngày

12/04/2018 07:50 GMT+7

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, sự bùng nổ của mạng xã hội thì tin tức càng có điều kiện phát tán, lan tỏa. Trong làn sóng thông tin mà chúng ta tiếp nhận hằng ngày trên mạng xã hội, có những tin tốt, tin xấu, thậm chí là tin giả mạo.

“Lan tỏa tin tốt trên mạng xã hội mỗi ngày” sẽ giúp cho bạn trẻ hướng tới các giá trị cao đẹp, sống có ích, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Nhiều tỉnh đoàn đã có những ý tưởng để biến các tin tốt trở thành chiến dịch mà ai cũng có thể tiếp cận được, đặc biệt là thanh thiếu nhi.
Sử dụng mạng xã hội có ích
Anh Trần Quốc Duy, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước, thừa nhận thực tế có không ít người trẻ chưa biết cách sử dụng mạng xã hội. Họ chia sẻ, yêu thích những điều chưa biết đúng sai. Nhiều trang cá nhân của người trẻ chỉ viết những trạng thái tiêu cực, lạm dụng mạng xã hội làm công cụ kiếm tiền... chứ chưa chia sẻ cho nhau những điều tốt đẹp. Chính điều đó, tỉnh đoàn đã lên kế hoạch mở các lớp hướng dẫn thanh thiếu nhi sử dụng mạng xã hội đúng cách, tích cực; Đồng thời vận động người trẻ lan tỏa cho nhau những bài báo hay, tin tốt, và biến những thông tin tích cực trở thành xu hướng chủ đạo.
“Sau một thời gian đổi mới phương thức tiếp cận thanh niên, tìm ra cách tuyên truyền tốt nhất, chúng tôi nhận ra có những sự chuyển biến rõ nét. Những tấm gương điển hình tiên tiến trong học tập, trong cuộc sống... được chia sẻ nhiều hơn trên mạng xã hội”, anh Duy nói. Bên cạnh việc thường xuyên cập nhật và đăng tải những gương sáng đời thường, Tỉnh đoàn Bình Phước còn “thay tên đổi họ” những mẩu tin để có sự hấp dẫn, thu hút người trẻ tìm đọc.
Không riêng Bình Phước, suốt thời gian qua, fanpage của các tỉnh đoàn như: Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Quảng Ngãi, TP.HCM... đã ngập tràn những bài viết chia sẻ về những tấm gương sáng trong nhiều lĩnh vực, từ học tập đến khởi nghiệp, những gương người tốt việc tốt.
Hay trên trang Tuổi trẻ TP.HCM thu hút hàng ngàn lượt yêu thích và lượng thành viên ngày càng đông hơn. Bởi lẽ trang này áp dụng cách chuyển tải nhiều câu chuyện đẹp, như: nhặt được ví tiền trả lại cho người mất, những bạn trẻ chuyên “trị” chỗ kẹt xe, hay trường hợp nhận giải fairplay, cầu thủ Văn Toàn tặng hết tiền thưởng cho nữ đồng nghiệp... được liên tục đăng tải, thu hút sự chú ý của mọi người.
Nhiều cách làm hay
Chị Võ Kim Chuyền, Bí thư Tỉnh đoàn Sóc Trăng, cho biết nếu như trước đây chưa chú trọng đến việc tận dụng internet trong công tác định hướng cho thanh niên, thì thời gian gần đây tích cực sáng tạo để đổi mới phương thức tiếp cận thanh niên, tìm ra cách tuyên truyền tốt nhất. Đặc biệt là chú trọng đến việc lan tỏa những tấm gương điển hình trong cuộc sống tiếp cận đến người trẻ. “Những gương điển hình như sinh viên học giỏi, thanh niên vượt khó... đều được cập nhật và đăng tải thường xuyên trên website cũng như fanpage của tỉnh đoàn. Thanh thiếu nhi ở địa phương hiện nay khá quan tâm đến những câu chuyện tốt đẹp ấy. Đó là tín hiệu rất đáng mừng”, chị Chuyền cho biết.
Còn anh Huỳnh Quốc Thái, Bí thư Tỉnh đoàn An Giang, thông tin: “Giờ đây thanh thiếu nhi tiếp cận mạng xã hội, đặc biệt là Facebook rất nhiều, nên dựa vào mạng để đưa ra những thông tin tốt, nhằm có sức lan tỏa đến thanh thiếu nhi”. Ở Tỉnh đoàn An Giang, việc thường xuyên đưa các tin, bài tốt, để tin tốt trở thành chiến dịch trên mạng xã hội cũng là một thang điểm thi đua được áp dụng. Không chỉ vậy, theo anh Lâm Thành Sĩ, Phó bí thư Tỉnh đoàn, đơn vị này còn kết hợp với Báo An Giang, Đài phát thanh truyền hình An Giang tìm kiếm những gương sáng học đường, những gương mặt tiêu biểu trong đời thường để giới thiệu thường xuyên, giúp thanh niên hưởng ứng việc sống đẹp, sống có ích.
Tại Quảng Ngãi, anh Đặng Minh Thảo, Bí thư Tỉnh đoàn, cũng chia sẻ bí quyết “đè bẹp” những tin tiêu cực bằng cách tăng thời lượng đăng tải những tin tốt trên mạng xã hội, nhất là các kênh fanpage và website của Tỉnh đoàn. “Cố gắng đăng mỗi ngày một tin tốt, kêu gọi thanh thiếu niên cung cấp và chia sẻ thật nhiều gương mặt nổi bật, để qua đó không những tuyên truyền, giáo dục cho thanh thiếu nhi, mà khi bề dày tin tốt áp đảo, có độ phủ sóng dày đặc sẽ tạo thành chiến dịch, được chuyển tải rộng rãi, người trẻ sẽ quan tâm nhiều hơn”, anh Thảo lý giải.
Hay như hoa khôi Nguyễn Thị Thanh Nga, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, tham gia một hoạt động nấu và phát suất ăn miễn phí ở Bệnh viện Ung bướu, đồng thời thăm các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn ở đó. Khi trải nghiệm những việc làm ở đây, Nga đăng những thông tin, hình ảnh về Bếp Cháo Nhí trên trang cá nhân của mình để mong nhận thêm được sự tài trợ và hưởng ứng của nhiều người, để những người có tấm lòng, điều kiện biết đến chia sẻ với những bệnh nhi bị ung thư đang điều trị ở nơi này.
Ý kiến:
Cổ vũ những người có hành động tốt
“Những người làm việc tốt hoặc có hành động tốt thông thường ít phô trương, nhiều khi họ làm trong âm thầm nữa đằng khác. Mọi người cần cổ vũ những việc làm tốt và cùng tham gia với bạn bè mình làm việc tốt, để xã hội tốt hơn”.
Trần Thị Tuyết
(ngụ đường số 10, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Bản thân mình phải là một người tốt
“Muốn lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng thì trước hết bản thân mình phải là một người tốt đã. Nghĩa là luôn có ý thức làm nên những điều có ý nghĩa, có ích, dù chỉ là nhỏ thôi nhưng nó có giá trị để lan tỏa. Hiện nay, nhờ sự phát triển rộng rãi của mạng xã hội và internet, chúng ta dễ dàng lan tỏa những điều tốt đẹp đi xa hơn để nhận được sự hưởng ứng của nhiều người, với mong muốn những điều tốt đẹp sẽ trở nên tốt đẹp hơn”.
Hoa khôi Nguyễn Thị Thanh Nga
(Sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM)
Lê Thanh (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.