Lan tỏa tin tốt trên mạng xã hội mỗi ngày: Nhờ tin tốt, 2 đứa trẻ được đổi đời

16/04/2018 08:07 GMT+7

Có những đứa trẻ lâm vào hoàn cảnh khốn khó nhưng được nhiều người chia sẻ lên mạng xã hội, và may mắn thay, cộng đồng mạng vào cuộc giúp đỡ các em ổn định cuộc sống một cách tốt nhất.

 Chuyện của Đạt
Cậu bé Nguyễn Thành Đạt (6 tuổi) mũm mĩm hơn những ngày lang thang nhặt phế liệu ngoài đường. Trang mới của cuộc đời mở ra với “cậu bé xếp dép”, được lan tỏa trên mạng xã hội một năm về trước.
Chúng tôi gặp Đạt vào một buổi chiều tại Trường mầm non Minh Thư (P.Linh Tây, Q.Thủ Đức, TP.HCM), mái trường nhận nuôi dạy bé hoàn toàn miễn phí trong suốt thời gian qua, từ khi câu chuyện “cậu bé xếp dép” được anh Phạm Nghĩa đăng tải trên Facebook cá nhân và nhiều người cùng chia sẻ. Kể lại cơ duyên gặp Đạt, anh Nghĩa bộc bạch: “Hôm đó, tôi đi ngang khu vực Bưu điện TP.HCM và thấy Đạt chạy lon ton xếp lại ngay ngắn những đôi dép mà các bạn mầm non đi dã ngoại để lộn xộn. Tôi đã chụp lại khoảnh khắc đó và chia sẻ lên Facebook, tôi cũng không ngờ những hình ảnh này được lan tỏa mạnh trên mạng xã hội và khiến nhiều người xúc động như vậy”.

Theo anh Nghĩa, không chỉ bày tỏ sự yêu thương với Đạt trên mạng, nhiều nhà hảo tâm chung tay với anh giúp Đạt một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đạt được học miễn phí ở trường mầm non, mẹ bé cũng được nhận vào làm công nhân cho một công ty sữa. Tháng 6 này, Đạt bắt đầu những buổi học đầu tiên của lớp 1 - nơi nhận tài trợ hết cho em trong toàn bộ thời gian 12 năm học.
Cô giáo Lê Thị Thúy An (25 tuổi), giáo viên lớp của Đạt, nhận xét: “Đạt thay đổi rất nhiều từ ngày mới vào đây. Từ một em bé sống chưa nền nếp, tự giác, chưa biết chào hỏi cô và các bạn, nay con đã ngoan, tự xúc cơm ăn, đi ngủ đúng giờ, lúc nào cũng lễ phép”.
Anh Nghĩa cho hay gặp Đạt là tình cờ, như một cơ duyên, anh cũng luôn mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với cậu bé. Người cha của 2 đứa con và là cha nuôi của bé Đạt chia sẻ: “Tôi không có thói quen thường xuyên đi tìm những người cần giúp đỡ trên mạng. Tôi muốn là người đàn ông tốt trước nhất với gia đình, anh em, đồng nghiệp của mình. Sau đó, nếu có duyên, mình sẽ gặp được những hoàn cảnh cần mình giúp đỡ thật sự”.
Mái nhà mới của Pàng
Pàng (trái) và hai con ruột của chị Phương Ảnh: Ngọc Phương

Vàng Thị Pàng, bé gái 6 tuổi quê xã Mường Lý (H.Mường Lát, Thanh Hóa) đã không thể chập chững đi và bập bẹ những tiếng gọi ba, bà… đầu tiên nếu không được gặp anh Huỳnh Quốc Tín (34 tuổi) và chị Nguyễn Thị Ngọc Phương (31 tuổi), ba mẹ nuôi của bé hiện tại.
Từ hình ảnh em bé không mặc quần áo, quỳ giữa cái lạnh được lan truyền trên mạng xã hội, vợ chồng anh Tín - chị Phương lặn lội từ TP.HCM ra tận Mường Lát để tìm thấy em. Họ xin phép chính quyền địa phương, gia đình để đưa Pàng về Sài Gòn chăm sóc, đưa vào bệnh viện khám bệnh, tìm các y bác sĩ có thể giúp đôi chân bé bình phục. Mới đây, mẹ đẻ của Pàng qua đời, chị Phương cũng nhận Pàng làm con nuôi, nuôi dạy bé đến năm 18 tuổi.
“Pàng phát triển nhanh không ngờ, tôi nhìn con tập nói, tập xúc cơm ăn, gọi má gọi ba, bước đi những bước đầu tiên mà mừng rớt nước mắt”, chị Phương xúc động. Hiện tại, không chỉ chăm sóc Pàng chu đáo, vợ chồng chị Phương cũng vận động các nhà hảo tâm giúp bà nội của Pàng ở Thanh Hóa một số tiền để bà có thể nuôi 3 cháu nhỏ là anh chị em ruột của Pàng còn đang nheo nhóc.
Dân mạng giúp cô giáo vượt rủi ro hoạn nạn
Ảnh: N.H
Nhữ Thị Bình (ảnh), cô giáo mầm non 22 tuổi ở TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương sắp bước vào cuộc phẫu thuật hậu môn tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, tuy nhiên nguy hiểm không còn rình rập cô nữa. Cô gái bị tai nạn giao thông khi đi đám cưới tháng 11.2017 khiến cụt một tay và tổn thương nặng xương chậu được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội đã hồi phục nhanh đến kinh ngạc, nhờ những động viên, chia sẻ của nhiều nhà hảo tâm.
Bình có thể đi lại, điều lo sợ nhất với cô và gia đình là mất một bên chân đã không xảy ra. Bình cho hay cô không biết bao giờ mới trả hết ơn những nhà hảo tâm đến tận bệnh viện gửi tiền, đường, sữa để cô có đủ chi phí chữa bệnh và điều trị lâu dài. Đặc biệt, trường mầm non nơi Bình dạy học cũng hứa sẽ thu xếp để Bình có một công việc phù hợp khi bình phục, đó là điều khiến cô cảm thấy hạnh phúc nhất. “Trong rủi ro hoạn nạn tôi mới cảm nhận được sự ấm áp của tình người bên mình”, Bình xúc động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.