Lan tỏa tình yêu nghệ thuật vào sân trường

06/10/2018 09:44 GMT+7

Từ niềm say mê với bộ môn nghệ thuật cổ truyền, một nhóm người trẻ đã thành lập dự án 'Chèo 48h - Tôi Chèo về quê hương', nhằm gìn giữ và truyền cảm hứng cho giới trẻ những văn hóa xưa cũ của cha ông.

“Chèo 48h - Tôi Chèo về quê hương” là dự án đã hoạt động từ tháng 3.2014 đến nay, để giáo dục văn hóa nghệ thuật truyền thống cho những người không chuyên, đặc biệt hướng tới thế hệ trẻ. Đây là dự án đầu tiên đưa nghệ thuật truyền thống đến với công chúng không chuyên, thông qua những hình thức giáo dục trải nghiệm thú vị.
Dự án hiện do 5 bạn trẻ điều hành. Hầu hết họ đều là những người không chuyên, 4/5 thành viên đang học hoặc làm việc ở chuyên ngành kinh tế, xã hội học, báo chí... Chỉ có Trưởng ban điều hành dự án Đinh Thị Thảo (26 tuổi) được đào tạo tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN, nhưng chuyên ngành chị học cũng là đàn piano. Họ đến với dự án chỉ xuất phát từ tình yêu các môn nghệ thuật cổ truyền.
Hoạt động chính của dự án là tổ chức các lớp học nghệ thuật cổ truyền (chèo, xẩm, chầu văn), do các giảng viên là nghệ nhân, nghệ sĩ có chuyên môn lâu năm hướng dẫn; tổ chức các sự kiện thưởng thức và trải nghiệm nghệ thuật cộng đồng; truyền thông với các sản phẩm sáng tạo, chất lượng tới công chúng.
Đánh giá về dự án "Chèo 48h - Tôi Chèo về quê hương", PGS-TS Hoàng Tuấn Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (Hà Nội), cho biết: “Tôi rất trân trọng và ngưỡng mộ sự kiên trì, bền bỉ của các bạn trẻ khi thực hiện dự án này. Gạt bỏ những lo toan để mưu sinh, các bạn đã thực hiện được những điều cao quý là gìn giữ những văn hóa cổ truyền và lan tỏa niềm yêu thích các môn nghệ thuật của cha ông tới cộng đồng”.
Tính đến nay, dự án đã tổ chức thành công 4 khóa học chèo, 3 khóa chầu văn và 2 khóa học hát xẩm, cùng hàng loạt các chương trình như: Không gian nguồn cội, Về nguồn, Trải nghiệm di sản văn hóa phi vật thể... Đặc biệt, gala show Tôi chèo về quê hương đã thu hút khoảng 700 người tham gia. Các tiết mục biểu diễn do chính các học viên được đào tạo từ các lớp học của dự án thể hiện. Đây là một chương trình thực hiện mục tiêu “đem nghệ thuật truyền thống từ sân đình đến sân trường” do nhóm khởi động từ năm 2017. Những ngày hè vừa qua, dự án đã đến các trường tiểu học, mầm non giúp các em nhỏ có một hành trình khám phá nghệ thuật chèo với thật nhiều điều thú vị.
Đinh Thị Thảo chia sẻ: “Mới ngày đầu còn lạ lẫm, có bé còn tưởng học chèo là “trèo cây”, “chèo thuyền”... Vậy mà chỉ sau 4 tiết học trải nghiệm, các bé đã mạnh dạn, tự tin hơn rất nhiều. Những cô bé, cậu bé tuổi lên 4, lên 5 có thể nhận biết rất chính xác các mô hình nhân vật đào - kép - lão - mụ - hề; không ngại ngần xung phong trả lời các câu hỏi cũng như thể hiện khả năng diễn xuất của bản thân... Chính sự thay đổi tích cực của các bé đã truyền lại cảm hứng cho nhóm thực hiện chương trình, tiếp thêm cho các thành viên động lực, niềm tin để có thể tiếp tục lan tỏa tình yêu nghệ thuật truyền thống đến nhiều người, nhiều độ tuổi hơn nữa”.
Thảo cũng cho biết, đưa nghệ thuật chèo vào trường học để giới thiệu với trẻ em lứa tuổi mầm non là cách để các em được tiếp cận sớm với văn hóa nghệ thuật truyền thống. “Việc này không nhằm mục đích đào tạo kỹ năng hay huấn luyện các em trở thành người biểu diễn, mà đơn giản chỉ là gieo cho các em cảm hứng, tình yêu với văn hóa dân tộc”, Thảo nói. Dự kiến thời gian tới dự án sẽ tiếp tục triển khai ở nhiều trường học và mở rộng ở nhiều độ tuổi hơn nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.