Vỉa hè TP.HCM trong dịch Covid-19 đông đúc hơn hẳn ngày thường, người lao động trẻ từ nhiều ngành nghề khác nhau vì mất việc, giảm lương phải kiếm sống, người chờ cuốc xe ôm, người mong bán thêm được ly cà phê vơi bớt nỗi lo cơm áo...
Chỉ trong vài mét vỉa hè quanh trạm chờ xe buýt sau Trường THPT Tenlơman (đường Nguyễn Thái Học, Q.1), giấc sáng người ta có thể đếm nhanh chục món ăn sáng mọi miền được bán ngay trên nắp thùng xốp: bánh kẹp, bánh sandwich, xôi xéo Hà Nội, cơm nắm, khoai, bắp, đậu phộng luộc sẵn, sữa hạt, nước ép quả tươi...
3 tháng trở lại đây, từ cầu Tạ Quang Bửu hướng về Phạm Hùng (Q.8), rồi từ nhà thờ Chánh Hưng ngược về cầu Chánh Hưng, vỉa hè chưa lúc nào nhộn nhịp hơn thế, nhất là vào mỗi sáng sớm. Các xe cà phê, nước cam, trà tắc san sát nhau, cách mấy bước chân lại gặp xe bánh mì chả cá, xôi các loại, cháo lòng, bánh khoai mỡ chiên...
Xe cà phê của người mẹ hai con
Vỉa hè Tạ Quang Bửu, đối diện chung cư hiện đại Hoàng Anh Gia Lai, P.5, Q.8 là một cái xe cà phê màu xanh dương mới toanh, nhưng nhiều giờ liền, trong buổi sáng chỉ lác đác người mua 1 ly mang về. Chị Lê Thị Kim Em (31 tuổi), đứng đọc lại tờ giấy ghi công thức pha đồ uống mình đã in sẵn, thở dài.
Chồng là nhân viên giới thiệu sản phẩm tại một số siêu thị, chị Kim Em làm công ty tư nhân ở Q.8 nhưng trong dịch Covid-19 vì ít việc, nhân viên được thay phiên nhau nghỉ, hai vợ chồng bán thêm xe cà phê gần 3 tháng nay, kiếm tiền nuôi hai con, một đứa học tiểu học, đứa nhỏ 4 tuổi.
“Cả sáng có khi bán được 10 ly, tôi cũng rầu muốn khóc. Xung quanh mình mỗi ngày lại thấy thêm người mới bán. Tiền vốn bỏ ra không ít, rồi tiền thuê chỗ đứng ở đây, chỗ gửi xe cà phê, thuê nhân viên đứng trông hàng những lúc mình không có mặt”, chị Kim Em bộc bạch.
Có năng khiếu nấu nướng, ngoài cà phê, trà, chị Kim Em nhận đặt chè dưỡng nhan, bánh flan, bánh rau câu cho khách. Buổi chiều về nhà, nếu có ai đặt cà phê, trà giao tận nơi chị không ngại xa, sẵn sàng chạy xe máy giao hàng từ đường Phạm Thế Hiển, P.4, Q.8.
“Tình hình Covid-19 khó khăn chung, nhiều khi tôi nghĩ cũng may mình nhiều nghề còn xoay xở được lúc này. Anh trai tôi ở Cần Giuộc, Long An mới mua trả góp được cái xe để chở hợp đồng thì Covid-19 tới, khách đi gần quá thì tiền xăng còn không đủ, bây giờ đang ở nhà nuôi gà”, người mẹ hai con thở dài.
|
Người lần đầu ra vỉa hè
Phải ra vỉa hè mưu sinh là việc làm chưa từng có trong dự tính của chị Đặng Thanh Trà (37 tuổi), quê H.Phù Cừ, Hưng Yên. Chị đã mưu sinh ở TP.HCM được gần 20 năm nay, hiện trú xã Bình Hưng, H.Bình Chánh. Vốn là thợ may lâu năm, chuyên nhận đồ về may gia công giỏ xách, kiếm tiền nuôi 2 con ăn học, nhưng Covid-19 tới, quật ngã hàng loạt doanh nghiệp nhỏ lẻ, trong đó có ngành may mặc.
“3 tuần có khi mới được nhận vài cái giỏ về may. Chủ doanh nghiệp đã ít đơn, họ phải giữ việc cho nhân viên của họ, làm sao đưa về cho chúng tôi gia công được”, chị Trà kể.
Cả sáng có khi bán được 10 ly, tôi cũng rầu muốn khóc. Xung quanh mình mỗi ngày lại thấy thêm người mới bán. Tiền vốn bỏ ra không ít, rồi tiền thuê chỗ đứng ở đây, chỗ gửi xe cà phê, thuê nhân viên đứng trông hàng những lúc mình không có mặtChị Lê Thị Kim Em, kinh doanh xe cà phê vỉa hè |
Không may mắn hơn, chồng chị là lái xe cho một công ty du lịch, chuyên đón khách từ các sân bay, hồi tháng 5 đang tưởng du lịch hồi sinh thì đùng cái, Covid-19 tái bùng phát giáng cho một cú “đánh bồi”, lương anh từ 13 triệu đồng còn hơn 3 triệu đồng. Mấy chục năm ở thành phố, hai vợ chồng vẫn ở nhà thuê, tiền thuê nhà, ăn học, sinh hoạt phí chẳng dừng lại dù dịch bệnh.
“Vậy là thuê người đóng xe nước cam, cà phê rồi ra đây ngồi, tôi tự học pha chế từ cô em gái”, chị Trà bần thần. Trước mặt chị, xe cộ lao vùn vụt lên cầu Chánh Hưng. Dù đã bán hàng rất rẻ, 10.000 đồng/ly trà tắc khổng lồ, 15.000 đồng/ly nước cam cỡ lớn, cà phê chỉ từ 10.000 - 12.000 đồng, nhưng khách vẫn chẳng mấy khi dừng lại vì chưa quen người bán.
Tình người ở vỉa hè
“Này, đặt cao lên em ơi, thấp thế sao người ta nhìn thấy”, người phụ nữ đậm người tên Nguyễn Thùy Trang, 36 tuổi, bán dừa dạo trên đường Phạm Hùng, gọi với ra khi thấy người bán cà tím nướng lóng ngóng xếp đồ ăn.
“Sau em nhớ pha thêm ít nước mắm, nước tương để sẵn trong bịch, ai ăn người ta mang đi ngay”, đang đông khách, chị Trang vẫn nhắc thêm người bạn vỉa hè của mình. Anh Tuấn, gần 30 tuổi, làm đủ nghề, từ chạy xe ôm, giao hàng để kiếm tiền mùa dịch Covid-19, nhằm tháng 7 ăn chay thử sức đi bán cà tím nướng, gật đầu cảm ơn.
Người ghé mua dừa đông quá, chị Trang chặt không xuể, chị Trà nhanh nhảu đứng dậy bán hàng giúp. “Ở đây ai cũng vậy, không nề hà chuyện phụ nhau. Bà bán bánh khoai mỡ chiên có bận quá, tôi cũng chạy ra chiên giùm. Hoặc lúc nào tôi có nhiều khách mua nước cam, bà lại chạy qua làm đỡ tôi. Kiếm sống ở vỉa hè đã chẳng dễ dàng gì, sao còn tị nạnh nhau”, chị Trà thủng thỉnh.
Chị kể, phải buôn bán ngoài đường là chuyện cực chẳng đã, nhưng những người “lượm bạc lẻ” như mình rất biết tôn trọng vỉa hè, không bày hàng tràn lan mà dựng xe đúng sau vạch kẻ đường, không bày ghế che phần đường cho người đi bộ.
12 giờ trưa tháng 8, nắng càng gay gắt hơn, người lao động ở vỉa hè mang hộp cơm vừa mua vào bóng râm trệu trạo nhai. Như chị Trà, chị chọn mang cơm từ nhà đi, đỡ được hai, ba chục ngàn. Có những suy nghĩ nhỏ nhoi cứ lởn vởn trong đầu những thân phận nơi vỉa hè, hôm nay làm sao bán được năm mươi ngàn đồng?... (còn tiếp)
Nợ tiền trọ...
Ngay cả tiền ăn còn không thể lo, thế nên không ngạc nhiên khi nhiều công nhân than thở, kể thật là còn nợ cả tiền nhà trọ.
Chị Nguyễn Thị Thế (28 tuổi, quê ở H.Giang Thành, Kiên Giang) cho biết trước đây làm công nhân cho một công ty chế biến thực phẩm trên đường Võ Văn Vân (xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh, TP.HCM). Nhưng sau khi dịch Covid-19 hoành hành, từ tháng 3, chị Thế đã bị cắt giảm lương, và đến cuối tháng 5, chị buộc phải thôi việc hẳn.
“Từ đó đến nay mình không còn thu nhập. Bao nhiêu tiền tằn tiện những tháng trước chỉ đủ để xoay xở trong hai tháng 4 và tháng 5. Tháng 6 đến bây giờ thì mình khổ thật sự. Phải xin cô chủ nhà trọ cho thiếu, rồi khi có việc làm sẽ trả dần. Đã là tháng thứ ba rồi mình nợ tiền trọ. Mỗi tháng 1,5 triệu đồng, tới giờ đã nợ tiền trọ là 4,5 triệu rồi”, chị Thế kể với giọng buồn thiu.
Lê Thanh
|
Bình luận (0)