Lũ lụt ở miền Trung: Những đứa con phương xa không ngủ

13/10/2020 10:24 GMT+7

Những ngày qua lũ lụt ở miền Trung diễn biến phức tạp, những người con đang sống và học tập phương xa đứng ngồi không yên, đau đáu hướng về quê nhà.

Thức trắng đêm gọi điện về nhà

Anh Bùi Trường Giang (29 tuổi, đang làm việc tại Long An), chia sẻ cảm thấy xót xa khi nhìn cảnh quê nhà Hải Lăng (Quảng Trị) ngập chìm trong lũ lớn. Giang kể những ngôi nhà trong xóm của mình nằm cách biệt với làng, chỉ có vài ngôi nhà ở ven triền đồi thấp. Trong những ngôi nhà ấy phần lớn là người già, còn thanh niên lớn tuổi đi nơi khác lập nghiệp. Nhà Giang có 4 anh em, lớn lên cũng mỗi người một nơi tha phương cầu thực, chỉ còn lại ba mẹ đã ngoài 60 tuổi.
Mỗi năm vài trận lũ, nước mấp mé ngoài đường, lớn lắm chỉ tràn vào nhà cỡ mắt cá chân. Sáng nước vào, trưa lại rút. Còn năm nay, chỉ trong vòng 5 ngày con nước hung dữ nơi quê nhà của Giang lên xuống đến 3 lần.

Những con sóng hung bạo trong biển nước những ngày miền Trung lũ lụt lịch sử

Hôm trước, Giang gọi về gia đình hỏi thăm nước chỉ vào mấp mé nhà rồi lại rút, người dân trong xóm cũng yên tâm. Thế nhưng cũng khuya hôm đó nước lại tràn về, vào đến từng nhà. Ba mẹ già phải chuyền đồ đạc lên cao khi nước ngập đến tận cổ. Điện cúp, liên lạc mất, xóm hầu như cô lập với tất cả. Cả đêm hôm đó, ba mẹ già không ngủ lo chống đỡ với lũ. Những đứa con phương xa như Giang cũng không thể ngủ, cầm điện thoại bấm liên hồi với hy vọng gọi được ai đó để biết tình hình.
“Rồi hôm sau nước rút, liên lạc nối lại, con cái an tâm hơn một chút. Còn ba mẹ tôi cũng như bao người khác lo dọn dẹp nhà cửa sau lũ. Dọn dẹp chưa xong, giữa khuya hôm qua nước lại tràn vào nhà...”, Giang nói.
Kim Phúc (sinh viên năm nhất đang học tại một trường cao đẳng ở TP.Đà Nẵng) có gia đình ngụ tại H.Quảng Ninh (Quảng Bình) - địa phương đang trong cảnh ngập trong nước lũ.
Kim Phúc cho biết nhà Phúc ở vị trí khá thấp nên nước lên và ngập rất nhanh, hiện tại mức nước cao ngang đầu gối. 

Nước ngập lên đến bàn thờ

Trương Quang Nam

“Mình nghĩ mà thương ba mẹ ở quê, cả đời lam lũ làm ăn rồi, năm nay lại gặp lũ lụt lại thêm cực khổ trăm bề. Đây là năm đầu tiên mình xa nhà nên cảm giác vô cùng bất an. Cứ nghe ba mẹ nói trụ lại trong nhà chứ đi chỗ khác nóng ruột lại thấy thương hơn. Thương ba mẹ ở nhà có gì ăn nấy, nào cơm cá khô, nước mắm, mì tôm…”, Phúc nói.

Nỗi khổ của người dân trong tâm lũ tỉnh Thừa Thiên - Huế

Kêu gọi hỗ trợ quê nhà

Nguyễn Tuấn Anh (25 tuổi, ngụ đường Trường Chinh, Q.Tân BÌnh, TP.HCM) cho biết quê nhà mình cũng ở Quảng Trị nhưng may mắn ở chỗ cao nên không bị ngập. Mẹ Tuấn Anh cũng đã vào TP.HCM nhưng mấy hôm nay nóng ruột muốn trở lại quê để xem tình hình. Mỗi ngày ở TP.HCM bà vẫn xem tin tức và mong chờ ngày nước rút.
Tuấn Anh nói: “Trận lụt năm nay nước lên nhanh, nhiều người trở tay không kịp. Đa phần chỗ lụt đều làm nông, dựa vào mấy sào ruộng với con trâu con bò, mà nước đã cuốn hết”.
Do vậy, Tuấn Anh dự định cùng nhiều bạn bè ở câu lạc bộ tình nguyện kêu gọi mọi người cùng chung tay hỗ trợ bà con quê nhà. Dự định cuối tháng 10, Tuấn Anh cùng bạn bè về quê hỗ trợ người dân.

Người dân sống chung với lũ lụt

Trương Quang Nam

Vừa trở về từ tâm lũ lụt miền Trung, Trương Văn Vũ (quê Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) cho biết đã vào tận Quảng Bình và Quảng trị để hổ trợ khẩn cấp mì gói cho người dân.
Vũ kể, tình hình miền Trung 2 ngày mưa liên tiếp, một số tuyến đường bộ bị ngập nước cao các xe dưới 9 chỗ không thể chạy qua. Cảm xúc 2 ngày ở vùng lũ chỉ muốn cầu bình an đến người dân nơi đây.
Từ khi biết thông tin lũ lụt, Vũ đã lên kế hoạch kêu gọi mọi người cùng chung tay chia sẻ khó khăn với người dân miền Trung.
Theo Vũ, kế hoạch hỗ trợ bà con lúc này chỉ là cái tạm thời để chia sẻ lương thực thực phẩm và các nhu yếu phẩm nhất như mì gói, quần áo, dầu nóng, thuốc hạ sốt... Vũ trực tiếp đến trao người dân tại vùng lũ khi đã tìm hiểu thông tin từ các địa phương...

Nỗi đau trong trận lũ lịch sử miền Trung: Khăn tang bên biển nước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.