Mang vải thổ cẩm đi khắp thế giới

26/07/2020 08:09 GMT+7

Bằng sự năng động và sáng tạo, một nhóm bạn trẻ đã bảo tồn văn hóa dệt thổ cẩm của người dân tộc thiểu số theo cách hiện đại nhất.

Nhóm bạn trẻ thành lập thư viện số, mỹ thuật hóa những hoa văn thổ cẩm... và mang đi giới thiệu, kết nối đến các diễn đàn quốc tế.

Làm thiện nguyện bền vững

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Bảo Lộc (Lâm Đồng), hằng ngày tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số, Phan Văn Quyền (25 tuổi, trưởng nhóm) nhận thấy đồng bào ở đây cất dần khung dệt của mình. Quyền sợ một ngày chất liệu vải thổ cẩm truyền thống sẽ không còn xuất hiện nữa.

Tụi mình muốn bảo tồn hoa văn bằng cách lập trang web lưu trữ được lâu hơn và để nhiều người có thể tìm kiếm, tiếp cận, đồng thời qua đó giới thiệu sản phẩm dệt của người dân tộc thiểu số

Phan Văn Quyền

Khi còn học THPT, Quyền đã sáng lập dự án thiện nguyện để giúp người dân tộc thiểu số về phương tiện học tập, dinh dưỡng và hỗ trợ đời sống tinh thần. Nhưng dần dần Quyền nhận ra nếu cứ tiếp tục cho quà như thế thì sẽ không có tác động lâu dài, làm thiện nguyện cũng cần bền vững. Thế là chàng trai quyết tâm thành lập dự án Ethnicity bảo tồn và phát triển vải thổ cẩm theo cách thức hiện đại nhất, nhằm tạo đầu ra cho nghề dệt vải thổ cẩm và giúp người dân tộc thiểu số có nguồn thu nhập ổn định.
Tận dụng thế mạnh là một trong 10 lãnh đạo trẻ của Quỹ Obama (Obama Foundation), được tham gia nhiều diễn đàn quốc tế và đi nhiều nơi trên thế giới, Quyền muốn mang vải thổ cẩm của Việt Nam đi khắp mọi nơi, tạo điều kiện để gìn giữ và phát triển nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống.

Nhóm bạn trẻ (từ phải sang: Nguyễn Linh, Hồ Bảo Ngọc, Phan Văn Quyền, Thảo Vy, Đức Tài) với sự năng động và sáng tạo bảo tồn văn hóa dân tộc

Ảnh: Nữ Vương

Dùng sự hiện đại để bảo tồn văn hóa truyền thống

Trong dự án này, nhóm thành lập thư viện số và thực hiện 3 nội dung chính: bảo tồn, phát triển và ứng dụng.
Về bảo tồn, nhóm chú trọng việc gìn giữ những hoa văn này một cách nguyên bản nhất, cả về ý nghĩa lẫn màu sắc. “Ngay cả người dân tộc thiểu số cũng dần quên đi làng nghề của họ, đây là điều rất đáng lo ngại. Tụi mình muốn bảo tồn hoa văn bằng cách lập trang web lưu trữ được lâu hơn và để nhiều người có thể tìm kiếm, tiếp cận, đồng thời qua đó giới thiệu sản phẩm dệt của người dân tộc thiểu số”, Quyền bày tỏ.
Nguyễn Linh (thành viên nhóm) nói thêm: “Nhóm tụi mình đang tạo ra một kho dữ liệu hoa văn thổ cẩm để các nhà thiết kế, nhà sản xuất có thể tải về miễn phí, ứng dụng trên sản phẩm, bao bì của họ. Đây là một trong những cách thức hữu dụng nhất để giữ được bản sắc của dân tộc mình”.
Theo Hồ Bảo Ngọc (thành viên nhóm), hoa văn thổ cẩm được tạo nên bởi các hình dáng khác nhau và mỗi hình dáng lại mang một ý nghĩa, một câu chuyện của người dệt. Dựa vào đó, nhóm phát triển theo nhiều phong cách, kết hợp với nhiều gam màu bắt kịp xu hướng thời đại. Và khi phát triển thì những hoa văn này có thể ứng dụng được nhiều trong công nghệ sáng tạo hiện đại.
Đối với mảng hoa văn ứng dụng, nhóm đặt ra câu hỏi: “Vậy với những người không biết gì về thiết kế, đồ họa thì làm sao có thể ứng dụng những hoa văn này?”. Từ đó, nhóm làm những bộ mẫu ứng dụng có sẵn và mọi người chỉ cần tải về dùng mà không cần biến tấu thêm gì.
“Tất cả những gì tụi mình đang làm là luôn sẵn dùng, để ai cũng có thể dùng được. Vì điều mà tụi mình mong muốn nhất là hoa văn này đến được nhiều người hơn nữa, cũng như luôn thường trực trong cuộc sống của mỗi người”, Bùi Đức Tài (thành viên nhóm) gửi gắm.

Hành trình ra thế giới

Hiện tại, Quyền đang lập một quỹ để hỗ trợ những dự án sáng tạo của người trẻ, trong đó có dự án Ethnicity của nhóm.
“Từ quỹ này sẽ nuôi các dự án sáng tạo trẻ. Trong tương lai, quỹ sẽ kết nối nhiều người trẻ hay những doanh nghiệp có điều kiện. Vì có một thực tế là nhiều người trẻ, nhiều doanh nghiệp có nguồn quỹ trách nhiệm xã hội nhưng lại không biết làm từ thiện như thế nào để tạo hiệu quả. Nên mình đang kết nối với những doanh nghiệp để phát triển quỹ và nuôi các dự án sáng tạo của người trẻ, như những dự án mà tụi mình đang làm”, Quyền chia sẻ đầy tâm huyết.
Đặc biệt hơn, dự án đã có cơ hội được giới thiệu, thuyết trình trước bạn bè năm châu thông qua những chuyến đi trao đổi, tham dự hội thảo quốc tế của Quyền.
Hành trình quốc tế của dự án bắt đầu từ cuối năm 2018, khi vinh dự được chọn là một trong 10 dự án trong khối ASEAN được Quyền trực tiếp trình bày với nguyên Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tháng 4.2019, Ethnicity được Quỹ ASEAN đề cử trở thành thành viên của Social Innovation Warehouse. Tháng 6.2019, Quyền đã ôm trọn tinh hoa văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam trong dự án đến với thế giới qua Diễn đàn thanh niên quốc tế UNESCO tại Trung Quốc. Cũng trong tháng này, Quyền cùng dự án đã giới thiệu tại Phiên họp của Ủy ban Di sản thế giới lần thứ 43 ở Baku, Azerbaijan. Tháng 8.2019, dự án chính thức có mặt trên trang website của Social Innovation Warehouse - kho lưu trữ và quảng bá trực tuyến các dự án xã hội tiềm năng của các nhà lãnh đạo trẻ được liên kết với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc...
“Khi mang ra quốc tế thì chủ đề này lại cực kỳ hấp dẫn và được sự đón nhận rất cao. Khi mình trình bày với các nước phát triển, chỉ cần nhắc đến yếu tố văn hóa hay bảo tồn là họ thích vô cùng và được ủng hộ rất lớn. Đây là động lực để tụi mình tiếp tục phát triển dự án bảo tồn văn hóa dêt thổ cẩm”, Quyền chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.